Vào ngày 12 tháng 12, Caritas Quốc tế sẽ kỷ niệm 70 năm thành lập. Tổng thư ký của Tổ chức Caritas Quốc tế, ông Aloysius John, đã trò chuyện với giới truyền thông Vatican về tầm quan trọng của sự kiện mừng kỷ niệm này và những thách thức cấp bách nhất đối với Liên đoàn Caritas vào thời điểm đại dịch.
Đề cập đến các nhu cầu nhân đạo xuất hiện vào cuối Thế chiến II và việc hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột. Khi Đức Piô XII thành lập tổ chức này vào ngày 12 tháng 12 năm 1951, đây là những mục tiêu chính của Tổ chức Caritas Quốc tế, liên đoàn của các tổ chức Caritas quốc gia – đã phát triển từ con số 13 ban đầu lên đến con số 162 ngày nay – trong suốt 70 năm qua, đã ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động và nhân rộng các lĩnh vực can thiệp. Ngay tại trung tâm điểm của tổ chức này, ngày nay cũng như ngay từ đầu, là chứng tá cụ thể của đức ái để mọi người – đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất – có thể cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Hôm 26 tháng 10, Tổ chức Caritas Quốc tế đã công bố chương trình bao gồm các sự kiện và sáng kiến sẽ đánh dấu 70 năm ngày ra đời của tổ chức này. Đây là cơ hội để nói chuyện với Tổng Thư ký Aloysius John về những thách thức mà Caritas phải đối mặt trong tương lai, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu do đại dịch gây ra.
Vài năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Caritas Quốc tế ra đời. 70 năm sau khi thành lập, đâu là những giá trị duy trì Liên đoàn Caritas ngày nay như lúc đó?
Caritas Quốc tế được sinh ra với tư cách là “bàn tay chăm sóc và yêu thương” của Giáo hội để phục vụ và thăng tiến con người, đặc biệt là những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Trong suốt 70 năm này, Liên đoàn của chúng tôi đã được hướng dẫn bởi các giá trị sáng lập như bảo vệ phẩm giá con người, các quyền cơ bản và công bằng xã hội. Những giá trị này luôn là nền tảng trong công việc của chúng tôi, vốn đã phát triển qua nhiều năm, theo những dấu chỉ của thời đại và hướng đến sự phát triển không ngừng để phục vụ tốt hơn những người lân cận cần được giúp đỡ. Trọng tâm của sứ mạng của chúng tôi đó là, và sẽ luôn là, việc gặp gỡ người nghèo, như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc nhở chúng ta vào năm 2019 tại Đại hội đồng kỳ trước của chúng tôi. “Người ta không thể sống bác ái nếu không có mối tương quan giữa các cá nhân với người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng tôi, “Bởi vì bằng cách sống với người nghèo, chúng ta học cách thực hành đức bác ái với tinh thần nghèo khó. Chúng ta học được rằng bác ái chính là chia sẻ”.
Trong 70 năm qua, Caritas Quốc tế đã hiện diện trong tất cả các trường hợp khẩn cấp nhân đạo nghiêm trọng. Ông nghĩ thách thức lớn nhất mà Caritas phải đối mặt hiện nay là gì trong một thế giới bị đánh dấu bởi những biến đổi nhanh chóng và sâu sắc?
Công việc nhân đạo đã thay đổi đáng kể kể từ năm 1951, và ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng phức tạp và kéo dài, cả tự nhiên và do con người gây ra. Sự chia rẽ chính trị, các cuộc chiến tranh và xung đột tôn giáo đan xen với những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng đáng kể người tị nạn và những người phải di dời trong nước. Chúng ta cũng phải đối mặt với sự bất bình đẳng nghiêm trọng và sự xuất hiện của các hình thức nghèo đói và dễ bị tổn thương mới. Khi chúng ta tiếp tục phục vụ và đồng hành với những người bị ảnh hưởng bởi những đau khổ như vậy, chúng ta phải đối mặt với thách thức trong việc nuôi dưỡng trong xã hội hiện đại của chúng ta ý thức về tinh thần liên đới với họ. Mặt khác, trước những đau khổ tột cùng của con người, thách thức cấp thiết nhất là huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện sứ mạng của chúng tôi.
COVID-19 cũng gây căng thẳng cho các hoạt động từ thiện và nhân đạo. Caritas Quốc tế đã đối phó với cuộc khủng hoảng như thế nào, và làm thế nào để chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch?
Liên đoàn của chúng tôi đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi hầu như tất cả các tổ chức Caritas trên toàn thế giới đều tham gia vào việc ứng phó với đại dịch. Một dấu chỉ cụ thể về sự ủng hộ và hy vọng xuất phát từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài muốn đưa tổ chức Caritas Quốc tế vào Ủy ban COVID-19 của Vatican. Theo chỉ thị của Đức Thánh Cha và phối hợp với Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, chúng tôi đã thành lập một quỹ để hỗ trợ 40 dự án của tổ chức Caritas. Cử chỉ của sự liên đới này đã thúc đẩy các thành viên địa phương khác tham gia cùng với Caritas trong việc cung cấp sự hỗ trợ. Ví dụ như tại Bangladesh, các chủ nhà hàng Hồi giáo đã hỗ trợ tổ chức Caritas địa phương bằng cách quyên góp thực phẩm cho những người tị nạn. Phản ứng tức thời đối với tình huống khẩn cấp đồng thời kèm theo sự phản ánh về tương lai. Được thúc đẩy bởi lời mời gọi ‘suy nghĩ về tương lai mới của thời kỳ hậu đại dịch’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi đã thiết lập nhóm nghiên cứu và đang cân nhắc về việc công việc của Caritas sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi thực tế mới.
Giáo hội trên toàn cầu đang tham gia vào tiến trình đồng nghị do Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn và khởi xướng. Sự đóng góp mà một thực tế của Giáo hội toàn cầu như tổ chức Caritas Quốc tế có thể đóng góp cho tính đồng nghị là gì?
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng tiến trình đồng nghị, liên quan đến toàn thể Giáo hội, coi việc lắng nghe là điểm khởi đầu của tiếng trình này. Khả năng hình dung một tương lai mới cho Giáo hội phụ thuộc phần lớn vào việc khởi đầu tiến trình của việc lắng nghe, đối thoại và phân định cộng đồng. Do đó, Caritas Quốc tế có thể giúp đóng góp cho việc suy tư trong các cộng đồng Kitô giáo ở cấp cơ sở và trong các Giáo xứ, trước hết và quan trọng nhất bằng cách thúc đẩy đối thoại và liên đới với những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ.
Sự kiện mừng kỷ niệm là một dịp để tái đánh giá cũng như khởi động lại mọi thứ. Caritas Quốc tế sẽ tập trung vào điều gì trong những năm tới? Có một chiến dịch cụ thể nào mà tổ chức Caritas Quốc tế đang phát động cho sự kiện mừng kỷ niệm này không?
Đại dịch này đã cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta sẽ ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn nếu không quan tâm đến nhân loại và công trình sáng tạo. Ngày nay, thế giới cần hơn bao giờ hết một sự hoán cải triệt để của con tim và khối óc, và hòa giải với công trình sáng tạo. Khi chúng tôi thực hiện công việc từ thiện bác ái của mình, chúng tôi đặc biệt cam kết thúc đẩy một nền văn minh tình yêu và chăm sóc nhân loại cũng như Ngôi nhà chung của chúng ta. Chính từ những điểm này mà Chiến dịch Toàn cầu của chúng tôi, sự kiện mà chúng tôi sẽ khởi động nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập và sẽ vận hành cho đến năm 2024, sẽ được đặt nền tảng trên đó.
Minh Tuệ (theo Vatican News)