Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần khẳng định, nạn buôn người là một tội ác chống lại loài người, một vết thương hở trên cơ thể của xã hội đương đại, những vết roi hằn lên thân thể Đức Kitô, đồng thời là một tội ác cần phải bị tận diệt.
Một trong những lục địa bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tội ác vô nhân này là lục địa châu Phi, khi hàng nghìn người dễ bị tổn thương đã bị buôn bán như những món hàng nội địa cũng như từ châu Phi với mục đích bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục và nhiều tình huống khủng hoảng khác.
Đó là lý do tổ chức Caritas quốc tế phối hợp với Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân và dân Du mục tổ chức một Hội nghị quốc tế kéo dài 3 ngày với chủ đề “Nạn buôn người bên trong và ngoài châu Phi’, diễn ra tại Abuja, Nigeria.
Từ ngày 5/9 đến 7/9 tới đây, các thành viên thuộc mạng lưới COATNET – Các Tổ chức Kitô giáo chống nạn buôn người (trong đó có tổ chức Caritas) – cùng với các bên liên quan khác như các tổ chức Công giáo quốc tế, các tổ chức trong khu vực, các cơ quan thực thi pháp luật cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ khác sẽ cùng họp mặt chia sẻ kinh nghiệm về sự hợp tác cũng như những thách đố phải đối diện trong chiến lược chung phòng chống nạn buôn bán người.
Linh mục Pierre Chibambo – một viên chức chịu trách nhiệm trong việc liên lạc tại châu Phi thuộc tổ chức Caritas quốc tế – đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của Linda Bordoni – cộng tác viên Vatican Radio – về lý do tại sao Hội nghị này lại là một sự kiện hết sức quan trọng.
Cha Pierre Cibambo giải thích: Hội nghị này là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Tổ chức Caritas quốc tế vì cuộc chiến chống lại nạn buôn người là một trong những ưu tiên được xác định trong khuôn khổ chiến lược của mạng lưới, và đây cũng là kế hoạch hành động của tổ chức này.
“Đây là một vấn đề hết sức quan trọng: Tổ chức Caritas quốc tế và Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân và dân Du mục phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế này với sự cộng tác đắc lực của tổ chức Caritas Nigeria, vì chúng tôi thực sự muốn nâng cao nhận thức của người dân đồng thời đem lại hy vọng cho những người đang bị giam cầm trong bi kịch của chế độ nô lệ thời hiện đại”, Cha Pierre Cibambo nhấn mạnh.
Cha Cibambo cho biết mặc dù Hội nghị này diễn ra tại Nigeria – nơi nạn buôn người đang xảy ra tràn lan và hiện đang là một vấn nạn cực kì nóng bỏng– nhưng toàn bộ lục địa châu Phi dường như chẳng mảy may quan tâm đến vấn nạn này.
Ngài giải thích rằng Hội nghị này cho phép tất cả những tổ chức có liên quan cùng sát cánh bên nhau, từ Giáo hội và các tổ tôn giáo cho đến các các nhà lãnh đạo và những người cam kết đấu tranh chống lại nạn buôn người đang xảy ra trên khắp lục địa châu Phi.
Cha Cibambo cho biết vai trò của các tổ chức tôn giáo trong những nỗ lực này chính là yếu tố chủ chốt, bởi vì họ có thể “chia sẻ những phân tích, đánh giá và so sánh những thông tin có liên quan đến các tình huống và bối cảnh trong đó nạn buôn người đang diễn ra; để có thể hiểu được những nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn này; để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa và ủng hộ trong việc chiến đấu chống lại “kiểu nô lệ thời hiện đại này” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng đề cập.
Đồng thời, Cha Cibambo cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô là một người ủng hộ mạnh mẽ sứ vụ cao cả của Tổ chức Caritas: “Đức Thánh Cha ủng hộ tất cả những gì mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện, cho dù đó là những phản ứng trước những tình huống khẩn cấp nguy hiểm, cho dù đó là những nỗ lực trong việc cộng tác với các cộng đồng địa phương nhằm đẩy lùi nạn đói kém. Ngài còn là một người ủng hộ mạnh mẽ những chiến dịch nhằm xóa nạn đói kém của tổ chức Caritas. Ngài cũng ủng hộ tất cả những nỗ lực của chúng tôi trong việc chống lại nạn buôn người và kêu gọi chúng ta từ mọi tầng lớp xã hội đến các tổ chức quốc tế, hãy cùng cộng tác với các cộng đồng địa phương, các cộng đồng tôn giáo, các Giáo Hội địa phương, các nhà lãnh đạo địa phương nhằm đảm bảo những vấn nạn thời đại sẽ không còn xảy ra nữa”.
Cha Cibambo cũng nói về việc thành lập Bộ mới mang tên ‘Bộ Thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện’, rằng ở đó, các nạn nhân của những vụ buôn người chắc chắn sẽ được đề cập, vì đây chính là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Đồng thời, ngài cho biết Giáo Hội cũng đã tận dụng mọi phương thế nhằm giải quyết vấn nạn này.
“Thánh Bộ mới sẽ giúp chúng ta cùng sát cánh bên nhau, cùng cộng tác với nhau nhằm tận dụng các nguồn lực để có thể nâng cao hình ảnh của Giáo Hội và giúp chúng ta trong việc đưa con người trở thành trung tâm của những sứ vụ mà chúng ta thực hiện”, Cha Cibambo kết luận.
Minh Tuệ (theo Radio Vatican)