
Một đứa trẻ di tản từ các tỉnh phía bắc Afghanistan, chạy trốn cùng gia đình do giao tranh giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan, đang ngủ tại một công viên công cộng ở Kabul ngày 10 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: CNS photo / Reuters)
ROME – Khi Taliban giành lại quyền lực đối với Afghanistan, một câu hỏi trong tâm trí của nhiều người Công giáo là làm thế nào họ có thể giúp đỡ. Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn còn rất phức tạp, ngay cả Caritas Quốc tế, mạng lưới các tổ chức từ thiện Công giáo lớn nhất cũng đang vật lộn để trả lời câu hỏi tương tự.
Hôm thứ Ba, Crux đã có cuộc trò chuyện với người đứng đầu Tổ chức từ thiện Giáo hoàng này, hai ngày sau khi Taliban chiếm Kabul và chính thức nắm quyền chính phủ của quốc gia Trung Đông này, để thảo luận về những gì tổ chức phi chính phủ này có thể làm trong cuộc khủng hoảng.
Câu trả lời ngắn gọn là “hãy chờ xem”, vì một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết là đảm bảo rằng Caritas, thông qua các tổ chức phi chính phủ địa phương, trên thực tế, có thể giúp đỡ.
“Chúng ta đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, trong đó tôi không biết liệu các nhân viên nhân đạo có được phép làm việc tự do hay không, đặc biệt là phụ nữ”, ông Aloysius John phát biểu với Crux.
“Công việc từ thiện luôn có thể là một phương tiện để đối thoại, và đây là cách chúng ta phải nhìn nhận nó”, ông John cho biết thêm. “Chúng tôi đang chờ xem chúng tôi có thể làm gì, nhưng chúng tôi có một số kinh nghiệm về việc này và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức nhằm mang lại sự hỗ trợ cho mọi người”.
Ông John đã có cuộc trò chuyện với Crux qua điện thoại vào ngày 17 tháng 8. Sau đây là đoạn trích của cuộc trò chuyện đó.
Crux: Ông mô tả tình hình ở Afghanistan vào lúc này như thế nào?
Tình hình ở Afghanistan hiện tại là điều mà chúng tôi đã có thể hình dung từ rất lâu trước đây, khi Mỹ quyết định rút quân. Hiện tại, người dân Afghanistan đã bị bỏ mặc, đơn độc và đang xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn gấp hai lần: Một mặt là cuộc khủng hoảng chính trị, mặt khác là cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Chúng ta đang tiến tới sự tồi tệ của cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong đó tôi không biết liệu các nhân viên nhân đạo có được phép làm việc tự do hay không, đặc biệt là phụ nữ.
Mối bận tâm chính của chúng tôi hiện nay là xem xét liệu chúng tôi có thể làm gì cho những người đang di chuyển, chúng tôi có thể làm gì xét về quan điểm nhân đạo, khi cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp tục trở nên tồi tệ hơn ở Afghanistan.
Người dân hiện đang di tản hàng loạt, vì vậy sẽ có một sự gia tăng quan trọng của việc di dời và sẽ rất khó để kiểm soát điều này, và chúng tôi cũng phải xem xét xem có thể làm gì để đảm bảo rằng mọi người được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản.
Ước tính có khoảng 99% dân số là Hồi giáo. Tại sao Caritas, một tổ chức phi chính phủ Công giáo, lại lo lắng về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đất nước này?
Một trong những nguyên tắc sáng lập chính của Caritas Quốc tế đó là giúp đỡ mọi người không phân biệt giai cấp, tôn giáo hay tín ngưỡng. Caritas đưa điều này vào ứng dụng thực tế, bởi vì khi nói đến sự đau khổ của con người, đó không phải là vấn đề Kitô giáo, Hồi giáo hay Ấn Độ giáo, mà là vấn đề về con người. Và Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Fratelli Tutti, đã nói rất rõ ràng rằng chúng ta được kêu gọi để đáp lại bất kỳ cộng đồng nhân loại nào đang đau khổ.
Nếu bạn nhìn điều này từ quan điểm của Người Samaritanô nhân hậu, anh ta chẳng hề đặt ra bất kỳ câu hỏi nào. Anh ta đã hành động vì tình trạng của người đàn ông tội nghiệp bên đường. Ngày nay, khi chứng kiến những đau khổ của người dân Afghanistan, điều thúc đẩy chúng tôi hành động là sự đau khổ của con người, phẩm giá của họ, và chúng tôi sẽ cố gắng làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp họ “đối phó với mọi vấn đề”.
Caritas có thể làm gì cho Afghanistan hiện tại không?
Caritas đã hành động theo những cách khác nhau ở Afghanistan, và hiện tại, tôi nghĩ rằng sẽ có nhu cầu để các tổ chức thành viên Caritas cùng nhau và vạch ra kế hoạch hành động của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc họp về cuộc khủng hoảng để xem cần phải làm gì trong bối cảnh này, trong đó chúng tôi có thể đồng ý hỗ trợ người dân. Hiện tại, chúng tôi đang chờ xem tình hình diễn biến như thế nào và cách thức tốt nhất để chúng tôi trợ giúp họ là gì.
Đã có các tổ chức phi chính phủ địa phương tại khu vực và những gì chúng tôi có thể làm phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu các tổ chức phi chính phủ này có thể tiếp tục công việc của mình hay không. Liên hợp quốc đã yêu cầu các tổ chức phi chính phủ tiếp tục ở lại đó và chúng tôi sẽ cân nhắc chúng tôi có thể làm gì để hợp tác với mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và với Liên hợp quốc. Chúng tôi sẽ xem xét những biện pháp bảo vệ nào sẽ được trao cho các tổ chức phi chính phủ, khám phá không gian đối thoại với Taliban và xem chúng tôi có thể giúp đỡ người Afghanistan như thế nào.
Chúng tôi cần phải cẩn trọng để tổ chức từ thiện không bị hiểu nhầm hoặc hiểu sai và trở thành nguồn gốc của sự phức tạp và thậm chí gây tranh cãi.
Các cuộc họp về cuộc khủng hoảng sẽ được tổ chức để đảm bảo rằng chúng tôi tìm ra cách thức tốt nhất nhằm giúp đỡ người dân.
Ngoài thực tế là Taliban đang giành lại quyền lực ở Afghanistan sau khi quân đội Hoa Kỳ rút lui, họ từ lâu đã trở nên hùng mạnh ở các quốc gia khác mà Caritas giúp đỡ, chẳng hạn như Pakistan. Dựa trên kinh nghiệm, ông có hy vọng có thể làm việc với các tổ chức phi chính phủ địa phương không?
Tôi tin rằng sự đau khổ của con người sẽ khiến chúng ta trở nên rõ ràng về tinh thần liên đới của chúng ta. Nếu họ nắm quyền, chúng ta phải đối thoại với họ, cần có điều đó, và cân nhắc đến những đau khổ của con người, chúng ta phải xem cách các tổ chức phi chính phủ địa phương đối thoại với chính phủ mới, để có một ý tưởng trung thực, rõ ràng về những gì có thể được thực hiện để thực hiện nhu cầu nhân đạo.
Đối với tôi, còn quá sớm để nói rằng chúng tôi có thể làm việc ở mức độ nào hay không. Nhưng có một số trường hợp, ví dụ, ở Iran, nơi chúng tôi có thể làm việc với các cộng đồng khác nhau, đặt sự đau khổ của con người lên hàng đầu, với việc làm từ thiện trở thành một phương tiện để đối thoại. Tại Pakistan, Caritas Pakistan liên tục đối thoại với các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác nhau ở cấp địa phương và với chính phủ ở cấp quốc gia để thực hiện sứ mạng của mình. Công việc từ thiện luôn có thể là một phương tiện để đối thoại, và đây là cách chúng ta phải nhìn nhận.
Chúng tôi đang chờ xem chúng tôi có thể làm gì, nhưng chúng tôi có một số kinh nghiệm về vấn đề này và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức nhằm mang lại sự hỗ trợ cho mọi người.
Ông có nghĩ rằng những nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói đến vấn đề đối thoại liên tôn có thể đặc biệt hữu ích trong tình huống này không?
Những cử chỉ và lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô mang tính tiên tri: Ngài đưa phẩm giá con người lên hàng đầu bằng dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu. Trong đó, có một lời kêu gọi hành động rõ ràng, xuất phát từ lòng nhân ái và sự thấu hiểu sự đau khổ của con người.
Thách thức mà Caritas phải giải quyết ngày nay là xem xét việc làm thế nào chúng ta có thể tham gia vào đối thoại và giải quyết với lòng trắc ẩn về nhu cầu nhân đạo. Caritas sẽ tiếp tục cuộc đối thoại trên cơ sở lời kêu gọi của chúng ta là hãy đáp lại với lòng trắc ẩn trước những đau khổ của những người dễ bị tổn thương nhất.
Chúng ta không đáp lại một người Hồi giáo, một người Ấn Độ giáo hay một Kitô hữu, chúng ta đang đáp lại một con người đang đau khổ. Và đây là nơi chúng ta cần mang lại giá trị của tình yêu phổ quát, vô điều kiện cho những người nghèo nhất và những người đang đau khổ.
Không phải vì họ là Kitô hữu hay Taliban, mà bởi vì họ là những con người. Tôi hy vọng điều này sẽ là nền tảng cho sự thống nhất trong đối thoại. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần áp dụng các giá trị của Thông điệp Fratelli Tutti: chúng ta phải làm thế nào để tham gia đối thoại, ngay cả với những người mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể? Làm thế nào để chúng ta biến những nỗ lực từ thiện của mình thành một không gian cho việc đối thoại?
Minh Tuệ (theo Crux)