“Chúng ta đại diện cho một châu Âu vốn mang lại các giải pháp bền vững cho những người cần đến sự bảo vệ”, Caritas Europa cho biết trong một tuyên bố nhân dịp Ngày Tị nạn Thế giới vào ngày 20 tháng 6.
ĐTC Phanxicô cho biết hôm Chúa Nhật vừa qua rằng Ngày Tị nạn Thế giới, được thúc đẩy bởi LHQ đồng nghĩa với việc “kêu gọi sự chú ý đến nỗi lo âu và sự đau khổ của những người bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương xứ sở vì xung đột và khủng bố”.
Các giải pháp bền vững
“Chúng ta đại diện cho một châu Âu vốn mang lại các giải pháp bền vững cho những người cần đến sự bảo vệ “, Caritas Europa viết trong một tuyên bố được phát hành nhân Ngày Tị nạn Thế giới (ngày 20 tháng 6). Họ cũng kêu gọi “tinh thần trách nhiệm toàn cầu” trong việc đạt được mục tiêu này ngõ hầu gánh nặng trên vai của “các quốc gia đã tiếp nhận phần lớn những người tị nạn trên toàn thế giới” có thể được chia sẻ.
Việc nhận thức về tình hình của những người tị nạn
85% trong tổng số 22,5 triệu người di cư trên thế giới tìm nơi trú ẩn ở các nước đang phát triển, Caritas Europa đưa tin. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiếp nhận tị nạn lớn nhất với 2,8 triệu người tị nạn. Ethiopia tiếp nhận 3,3% số người tị nạn trên thế giới và tại Lebanon, những người tị nạn chiếm 16,6% dân số của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) đã báo cáo rằng chỉ có 5% người tị nạn tìm thấy sự bảo vệ pháp lý vĩnh viễn cho 1,2 triệu người cần đến.
Thực tế của những người tị nạn
Tuyên bố của tổ chức Caritas Europa tiếp tục cho biết rằng nhiều người tị nạn đã bị buộc phải chạy trốn khỏi các quốc gia của họ, và do đó, không thể trở lại vì “các cuộc xung đột, chiến tranh và khủng bố” đang diễn ra. Ngoài ra, nhiều người không thể hội nhập vào một quốc gia nơi mà họ đầu tiên xin tị nạn vì “sự bất ổn chính trị, tình trạng nghèo đói và thiếu các cấu trúc phù hợp”. Bởi vì “những con đường an toàn và pháp lý” cho những người xin tị nạn quả là “thiếu thốn một cách tàn nhẫn”, họ thường “mạo hiểm mạng sống của mình và đồng thời bắt tay vào những hành trình bất thường để tiếp cận với sự bảo vệ”.
Những người tị nạn cần gì?
Theo quan điểm của các cuộc đàm phán liên tục hướng tới Hiệp ước Toàn cầu về những người tị nạn, vốn nên kết thúc với sự chấp thuận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2018, Caritas Europa kêu gọi việc gia tăng con số các quốc gia tiếp nhận nơi mà những người tị nạn có thể tìm được nơi cư trú thường trực thông qua “những con đường an toàn và pháp lý đáng tin cậy” cũng như sự bảo vệ, và “những phương tiện nhằm xây dựng lại cuộc sống của họ một cách thành công và bắt đầu lại tất cả mọi thứ”. Thứ hai, các cuộc đàm phán sẽ tạo cơ hội để các quốc gia thể hiện “tinh thần liên đới với các quốc gia tị nạn đầu tiên và đồng thời đóng góp vào sự phát triển của một hệ thống chia sẻ trách nhiệm toàn cầu”.
Minh Tuệ chuyển ngữ