Caritas: Chiến dịch 'Chia sẻ Hành trình' khép lại nhưng cuộc hành trình vẫn tiếp tục

Đức Thánh Cha Phanxicô phát động chiến dịch "Chia sẻ Hành trình"

Đức Thánh Cha Phanxicô phát động chiến dịch “Chia sẻ Hành trình”

Tổ chức Caritas Quốc tế tuyên bố kết thúc chiến dịch liên đới mang tên “Chia sẻ Hành trình” với những người di cư và tị nạn bằng một cuộc họp báo vào hôm thứ Ba. Tuy nhiên, tổ chức hứa hẹn rằng mặc dù chiến dịch chính thức kết thúc, sứ mạng của cuộc hành trình cùng với những người di cư, tị nạn và những người tản cư vẫn tiếp tục.

Năm 2017, Tổ chức Caritas Quốc tế đã phát động chiến dịch “Chia sẻ Hành trình” với mục đích nâng cao nhận thức, lắng nghe và làm việc cùng với những người đang trốn chạy những bất công, nghèo đói, đau khổ và bạo lực nhằm tìm kiếm một cuộc sống phù hợp với phẩm giá hơn.

Chiến dịch kéo dài 4 năm đã tạo ra “không gian và cơ hội cho những người di cư, những người tị nạn và các cộng đồng địa phương gặp gỡ, thúc đẩy văn hóa gặp gỡ và sự hiểu biết lẫn nhau”, và đồng thời hỗ trợ 130 sáng kiến trong một chiến dịch toàn cầu thu hút sự tham gia của 162 cơ quan Caritas quốc gia thuộc Liên minh Caritas trên toàn thế giới.

Chính thức đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch “Chia sẻ Hành trình”, Tổ chức Caritas Quốc tế, vào sáng hôm thứ Ba, đã tổ chức một cuộc họp báo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh với chủ đề: “Caritas Quốc tế hành trình cùng với những người di cư và tị nạn. Hướng về tương lai sau bốn năm thực hiện chiến dịch ‘Chia sẻ Hành trình’”.

  Các diễn giả tại hội nghị gồm có Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và Chủ tịch Caritas Quốc tế; ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế; Đức Ông Bruno Marie Duffé, Tổng Thư ký Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, và Nữ tu Maria de Lurdes Lodi Russini, Điều phối viên Quốc gia của Tổ chức Caritas tại Nam Phi.

Caritas giúp xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ cá nhân mới

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Tagle đã đánh giá cuộc hành trình của chiến dịch “Chia sẻ Hành trình”, đồng thời nhấn mạnh rằng nó đã giúp “tiếp cận với những người di cư, đón nhận tình cảnh nghèo đói và đau khổ của họ, nâng họ lên với xác tín rằng họ không phải là những con số, nhưng là những con người có tên tuổi, có những câu chuyện và ước mơ, và nhận ra nơi họ hình ảnh Chúa Giêsu Hài nhi, Đấng đã trở thành một người tị nạn ở Ai Cập cùng với cha mẹ của Ngài”.

Thông qua chiến dịch này, Đức Hồng Y Tagle tiếp tục, Caritas đã giúp phát triển “một nền văn hóa mới ở cấp độ toàn cầu, một nền văn hóa sống động của cuộc gặp gỡ cá nhân, một tầm nhìn mới về việc chào đón người khác qua những người di cư” – các Kitô hữu, anh chị em tín đồ Hồi giáo, Ấn giáo, cũng như các tín đồ thuộc các tôn giáo khác.

Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh thêm rằng tại thời điểm khẩn cấp về y tế do Covid-19 khi các quốc gia quan tâm hơn đến việc bảo vệ công dân của họ, chiến dịch toàn cầu của Caritas là “lời kêu gọi tiếp tục chia sẻ cuộc hành trình cùng với những người di cư, đặc biệt là tại thời điểm khó khăn nhất này”.

Kết luận, Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh rằng mặc dù chiến dịch chính thức khép lại, sứ mạng vẫn tiếp tục và ngài mời gọi tất cả những người có tinh thần thiện chí tiếp tục sống trọn vẹn tinh thần này.

Thay đổi con tim và gieo mầm nhận thức

Tiếp tục theo cách tương tự, Tổng thư ký Caritas Quốc tế, ông Aloysius John, chia sẻ rằng chiến dịch “Chia sẻ Hành trình” nhằm “thay đổi con tim và gieo mầm nhận thức cũng như sự cởi mở đối với người khác”. Ông Aloysius lưu ý rằng trong suốt bốn năm này, Caritas đã thúc giục các thành viên của mình “gặp gỡ những người di cư và thúc đẩy văn hóa của sự liên đới bằng cách chào đón, bảo vệ, khuyến kích và hòa nhập những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta”, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ông Aloysius cũng cho biết thêm rằng chiến dịch “Chia sẻ Hành trình” khép lại là thời điểm để liên minh 162 thành viên “bày tỏ xác tín rằng Caritas sẽ tiếp tục chào đón và đồng hành cùng với những người di cư” và đồng thời “xây dựng những nhịp cầu yêu thương và quan tâm chăm sóc nhằm tạo điều kiện cho sự hội nhập của những người di cư và đảm bảo phúc lợi cũng như phẩm giá của họ”, phù hợp với những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm nỗ lực làm việc hướng tới việc tạo ra một “chúng ta” ngày càng quảng đại hơn.

Ông Aloysius nhấn mạnh rằng điều này rất quan trọng vào thời điểm khi mà “việc xây dựng bức tường ngăn cách và các họa động chính trị mang tính phân biệt đối xử đang được sử dụng nhằm can gián hoặc ngăn cản sự xâm nhập của người di cư”, mặc dù đại dịch Covid-19 đã đưa ra bằng chứng về sự cần thiết của tinh thần liên đới.

“Caritas Quốc tế coi đây là thời điểm thích hợp để khẳng định cam kết không có sự phân biệt giữa người bản xứ và người nước ngoài, giữa người dân và khách, bởi vì đó là vấn đề của một kho báu mà chúng ta nắm giữ chung, không ai bị loại trừ khỏi sự chăm sóc và lợi ích của họ”, ông Aloysius nói.

Chào mừng, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập

Về phần mình, Đức Ông Bruno Marie Duffé đã nhấn mạnh bốn điểm trọng tâm của chiến dịch.

Đầu tiên, Đức Ông Duffé nhấn mạnh rằng “những người di cư chủ yếu không phải là người di cư mà là những con người có lịch sử, ký ức, vùng đất và phẩm giá bất khả xâm phạm” cần được hoan nghênh và công nhận. Thứ hai, Đức Ông Duffé nhắc lại bốn động từ được Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng liên quan đến sự liên đới của chúng ta với những người đang phải sống cảnh nay đây mai đó – “chào đón, bảo vệ, khuyến khích, hội nhập”, và đồng thời nhấn mạnh rằng chúng “miêu tả bốn vòng tròn đồng tâm về mức độ của sự cấp bách” trong nỗ lực làm việc với những người di cư.

Kế đến, Đức Ông Duffé chỉ ra rằng phẩm giá con người – một nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội Công giáo – mang lại ý nghĩa và cách giải thích phù hợp với luân lý đối với các quyền con người của tất cả mọi người. Cuối cùng, Đức Ông Duffé nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để cung cấp cho những người di cư, một mái nhà che nắng che mưa, một mảnh đất hoặc cộng đồng để sinh sống và hy vọng cũng như việc làm để tham gia vào việc xây dựng thế giới chung vì thiện ích chung.

Cuối cùng, Đức Ông Duffé đã đưa ra lời kêu gọi nỗ lực hướng tới việc ngăn chặn các nguyên nhân của vấn đề di cư, bao gồm bạo lực chiến tranh, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, tham nhũng, vấn nạn buôn người, các vụ lạm dụng, và những cẩu thả trong lĩnh vực chính trị. Đức Ông Duffé cũng kêu gọi ủng hộ các chương trình hướng tới sự phát triển con người toàn diện, bao gồm việc chăm sóc trái đất, môi trường, nước và đa dạng sinh học.

Hoạt động của Tổ chức Caritas tại Nam Phi

Nữ tu Maria de Lurdes Lodi Russini chia sẻ kinh nghiệm làm việc của mình tại Nam Phi, một quốc gia có số lượng người di cư, và những người xin tị nạn đông đảo, cũng như hàng ngàn người không có giấy tờ và quốc tịch.

Được truyền cảm hứng từ thông điệp của ĐTC Phanxicô và chiến dịch “Chia sẻ Hành trình”, Nữ tu Russini giải thích rằng Caritas đã chuẩn bị làm việc, cùng với vị Giám mục phụ trách các vấn đề về Người di cư và Tị nạn trong nước nhằm rao giảng tầm quan trọng của “sự chào đón và tinh thần hiếu khách”.

Đưa ra một số ví dụ cụ thể, Nữ tu Russini cho biết rằng Tổ chức Caritas đang tham gia chào đón những người di cư ở Rustenburg, một khu vực khai thác mỏ, và hỗ trợ nhiều phụ nữ đến đó theo chồng của họ từ các quốc gia láng giềng. Đồng thời, tổ chức này còn hỗ trợ tiền thuê nhà cho nhiều gia đình người tị nạn và di cư trong khi họ tìm kiếm việc làm và giúp đỡ những người di cư từ các quốc gia không nói tiếng Anh học tiếng Anh để giúp họ hội nhập tốt hơn.

Caritas Nam Phi cũng đang hợp tác với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 và các vụ tấn công mang tính bài ngoại, đồng thời hỗ trợ các nạn nhân chỗ trú ẩn, thực phẩm và các nhu cầu cơ bản khác.

“‘Chiến dịch Chia sẻ Hành trình’ không kết thúc ở đây”, Nữ tu Russini nói. “Tinh thần của chiến dịch sẽ tiếp tục trong tổ chức Caritas của chúng tôi và với hy vọng, chúng ta sẽ đón tiếp những người di cư và tị nạn như bằng chứng về điều Chúa Giêsu đã nói: “Ta là khách lạ và các ngươi đã tiếp rước”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube