
Một bé trai trong một nơi trú ẩn tạm thời trong trại tập trung Moria quá đông đúc trên đảo Lesbos (Ảnh: AFP)
Caritas Châu Âu và các đối tác đang kêu gọi các quốc gia ngay lập tức thực hiện đúng các cam kết của họ trong việc tái định cư những trẻ em không có thân nhân đi cùng khỏi các đảo của Hy Lạp.
Đại dịch coronavirus mới đã phơi bày tình trạng mong manh và kịch tính của nhiều người sống ngoài rìa xã hội hoặc chỉ là một phần của các nhóm hoặc các cộng đồng ít có hoặc không có sự bảo vệ về mặt kinh tế-xã hội.
Đây chính là thực tế của khoảng 1.600 người di cư không có người thân đi cùng sống trong các điều kiện không thể chấp nhận được trong các trại tị nạn trên các hòn đảo ở biển Aegean của Hy Lạp.
Số phận của họ nằm trong tay các nhà lãnh đạo EU, những người đang được yêu cầu thể hiện tinh thần liên đới và thực hiện lời hứa của họ trong việc tái định cư trẻ em tị nạn.
Cơ quan nhân đạo của Giáo hội, Tổ chức Caritas, đã nhiều lần lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ trong việc chào đón trẻ em và hỗ trợ các quốc gia sở tại.
Như Leila Bodeux, Cán bộ chính sách và vận động thuộc Tổ chức Caritas, đã chia sẻ với Vatican Radio, rằng tổ chức này hoan nghênh việc tái định cư hai nhóm trẻ em không có người thân đi cùng từ các hòn đảo của Hy Lạp bởi Luxembourg và Đức, nhưng đồng thời cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU khác bắt tay thực hiện nhiệm vụ của họ.
“Có hơn 40.000 người bị mắc kẹt trên các hòn đảo của Hy Lạp trong một tình huống vô cùng khủng khiếp”, bà Bodeux giải thích, “và Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch tái định cư 1.600 trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng đến các quốc gia EU để cung cấp cho họ sự an toàn và bảo vệ”.
Rõ ràng, bà Bodeux chia sẻ thêm, Caritas Châu Âu đã hoan nghênh chương trình này và rất hài lòng vì sự xuất hiện của 12 trẻ em tại Luxembourg vào tuần trước và 47 trẻ vị thành niên khác ở Đức vào hôm thứ Bảy.
“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến rất tích cực và đáng hoan nghênh, nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, bà Bodeux nói.
Kêu gọi các quốc gia thành viên EU cùng chung tinh thần liên đới
Bà Bodeux chỉ ra rằng 1.600 trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng cần phải được tái định cư theo chương trình này và tổ chức Caritas Châu Âu đang kêu gọi các quốc gia thành viên khác của EU “tham gia các nỗ lực của Đức và Luxembourg và tái định cư trẻ em di cư ở các quốc gia của họ, từ đó cung cấp sự hỗ trợ và liên đới với Hy Lạp, cũng như những người di cư và những người tị nạn”.
Bà Bodeux lưu ý rằng con số này rất nhỏ, “đặc biệt là đối với các quốc gia lớn hơn như Pháp và Đức” và Hy Lạp, “vốn đã giúp đỡ rất nhiều cho những người di cư và những người tị nạn trong nhiều năm”, đã bị một số quốc gia EU bỏ rơi một cách đáng tiếc: “vì vậy, đó chính là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng đây chính là điều nhỏ nhất EU có thể làm”.
Bà Bodeux giải thích rằng các tổ chức Caritas địa phương đang hỗ trợ các quốc gia trong việc chào đón những đứa trẻ đó trong các giai đoạn tiếp nhận.
Sự vận động và hỗ trợ thiết thực
“Đối với chúng tôi, điều cũng vô cùng quan trọng khác đó là tham gia hỗ trợ thiết thực cho công việc vận động mà chúng tôi thực hiện”, bà Bodeux nói, đồng thời cũng nhắc lại rằng “một số văn phòng khác của Caritas cũng sẵn sàng bắt tay vào việc cung cấp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo rằng những đứa trẻ này được chào đón theo cách tốt nhất có thể, để bảo vệ lợi ích và nhu cầu cần được bảo vệ của chúng”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô và Giáo hội Công giáo
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi tất cả mọi người có thành tâm thiện chí “chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập” các anh chị em của chúng ta đang phải sống cảnh nay đây mai đó, đặc biệt là trẻ vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương. Bà Bodeux đã bày tỏ sự đánh giá cao về tác động và sức mạnh của lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng như đối với các Giám mục châu Âu, những người đã cùng chung tiếp kêu gọi việc tái định cư trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng ở các quốc gia châu Âu.
“Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, và tôi thiết nghĩ điều này có tầm ảnh hưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở các quốc gia mà có lẽ miễn cưỡng không muốn bắt tay vào việc này”, bà Bodeux nói.
“Tôi thiết nghĩ một thông điệp đến từ cấp cao nhất của Vatican”, bà Bodeux kết luận, cung cấp một sự ủng hộ về luân lý vô cùng cần thiết để đảm bảo những quốc gia này nỗ lực nhiều hơn để giúp đỡ những đứa trẻ này.
Minh Tuệ (theo Vatican News)