Nằm trong tiến trình đào tạo Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế của tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, vào lúc 19h30 Thứ Hai, ngày 03/05/2021, tại Nhà Mục vụ Giáo xứ Thái Hà, cha An-tôn Nguyễn Văn Dũng DCCT đã đến chia sẻ bài đầu tiên trong loại bài của môn học Linh Đạo Cầu Nguyện với chủ đề: “Căn tính của người giáo dân trong đặc sủng và sứ vụ của Hội Thánh”. Đến tham dự buổi học có cha Giu-se Trần Hữu Hoan, đặc trách TSGDCCT Miền Bắc và khoảng 40 anh chị em học viên TSGDCCT Hà Nội. Theo đó, cha An-tôn đã trình bày cho các học viên hiểu được vai trò và sứ vụ của giáo dân trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh.
Chúng ta biết rằng, trong Kinh Thánh, từ nguyên “laikos” – “giáo dân” không hề xuất hiện mà chỉ có từ “laos”, tức là “dân” Thiên Chúa, được nhắc tới mà thôi. Trong thời kỳ Hội Thánh tiên khởi, cũng không có sự phân biệt giữa giáo sĩ với giáo dân. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn từ thế kỷ I-II, sự phân biệt này đã bắt đầu nảy sinh, theo phận vụ, người giáo dân đã được phân biệt với phó tế và linh mục. Thánh Giustinô Tử đạo gọi họ là “những người đối đáp với vị chủ tế trong Phụng vụ Thánh Thể.” Từ thế kỷ III-XII, sự phân biệt này dần dần được đẩy lên theo khía cạnh tôn ti, với sự hình thành của một bộ phận được gọi là óc gia trưởng, mà thành phần của nó thiên về các giáo sĩ.
Đến giai đoạn từ thế kỷ XIII tới Công đồng Vaticanô I (1869-1870), được khởi hứng bằng cuộc cải tổ của ĐGH Grêgôriô VII (1015-1085), sự phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân về mặt thứ bậc mới ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Theo đó, giáo sĩ được coi như những người cầm giữ sự thánh thiện và thánh thiêng trong Hội Thánh, đồng thời, giáo dân bị coi là những người kém thánh thiện. Để đạt tới sự thánh thiện của hàng giáo sĩ, họ bắt buộc phải rập khuôn theo nếp sống tu trì. Chính điều này đã góp phần gây ra sự thụ động của người giáo dân trong đời sống Hội Thánh. Trong khi các công việc quan trọng được trao cho hàng giáo sĩ và những người sống bậc đời tu, thì người giáo dân lại chỉ có nhiệm vụ cầu nguyện, vâng lời và đóng góp. Một trong những hệ quả của nó là sự bất mãn dẫn tới phong trào Cải Cách của những người Tin Lành thế kỷ XVI, khi Martin Luther (1483-1546), một linh mục Dòng Augustinô đã công khai lên án hàng giáo sĩ và tình trạng “đổi tiền để lấy các ân xá” dưới thời Đức Lê-ô X (1475-1521).
Nhận thức được tình trạng đó, tới Công đồng Vaticanô II (1962-1965), Giáo Hội đã bắt đầu công cuộc canh tân cách toàn diện đời sống Hội Thánh, trong đó, có việc đánh giá và nhìn nhận lại vị trí và vai trò của người giáo dân. Thông qua các văn kiện của mình, Công đồng xác nhận họ là những người được đảm nhận đồng thời cả ba chức vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế của Chúa Ki-tô một cách bình đẳng với mọi thành phần phẩm trật khác, mặc dù có sự khác biệt về môi trường thực thi.
Là một Tư tế, người giáo dân tham gia công việc lao công giữa đời để làm cho thế giới trở thành của lễ dâng lên Thiên Chúa. Họ có thể thực hiện chức vụ này qua hai việc: Thứ nhất, tham dự tích cực vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể của Hội Thánh, dâng lên Chúa những niềm vui, nỗi buồn trong đời sống gia đình và trong tương quan những người xung quanh. Thứ hai, bằng việc sống thánh thiện theo đường lối của Chúa, họ lấy chính cuộc đời mình làm của lễ dâng lên Người.
Với chức vụ Vương đế, họ làm cho vương quyền Chúa Ki-tô hiển trị giữa thế giới, giúp con người nhận ra tính cách thánh thiêng của trần gian vì có sự hiện diện của Thiên Chúa. Ở nơi cá nhân, họ chiến thắng trên tội lỗi, chế ngự cám dỗ xác thịt, chỉ huy thân xác và linh hồn mình. Nơi cộng đoàn, họ cùng nhau canh tân trật tự trần thế và làm cho nó ngày càng trở nên hoàn hảo theo ý định của Chúa.
Và với chức vụ Ngôn sứ, họ tiếp nhận giáo huấn cứu độ của Chúa và hiện thực hóa giáo huấn đó trong đời sống chính mình. Có thể nói, đời sống giữa thế giới của giáo dân có thể trở thành lời hiệu triệu hướng đến thực tại siêu việt, và chính họ cũng trở thành Lời Chúa giữa thế gian, nên chứng tá đức tin có sức lôi kéo mọi người đến với đức tin và đến với Thiên Chúa.
Trên đây là một số kiến thức cốt yếu của buổi học đầu tiên về “Căn tính của người giáo dân trong đặc sủng và sứ vụ của Hội Thánh”. Hy vọng rằng, với những chia sẻ hữu ích của cha An-tôn, các học viên TSGDCCT sẽ có được những kiến thức cần thiết cho mình trên con đường dấn thân cho ơn gọi thừa sai. Hẹn gặp lại tất cả quý ông bà anh chị em trong các buổi học tiếp theo.
BTT Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế