Cần một nền kinh tế tôn trọng con người

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 20-10-2016 | 23:11:15

Hôm thứ Hai 17/10, Đức Hồng Y Peter Turkson – Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình – đã kêu gọi một hệ thống tài chính và một nền kinh tế toàn cầu tôn trọng con người.

Phát biểu vào ngày đầu tiên của ‘Diễn đàn Tài chính vi mô châu Âu lần thứ 3’ (3rd EMF) đang diễn ra tại Roma, Đức Hồng Y Turkson đã trích dẫn những Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo nền văn hóa lãng phí hiện nay và về cuộc khủng hoảng nhân học đã đặt sự giàu có trở thành chóp đỉnh của các thang giá trị. Đức Hồng Y Turkson cũng ca ngợi những công cụ được cung cấp bởi tài chính vi mô và tiểu tín dụng vốn “không chỉ có những tác động tích cực về kinh tế, mà còn về xã hội và văn hóa”.

Diễn đàn nhằm mục đích cung cấp cho các tổ chức công, các nhà khai thác thuộc vực tư nhân cũng như các tổ chức phi lợi nhuận, cơ hội để thảo luận và chia sẻ những quan điểm từ những góc nhìn khác nhau của họ về sự phát triển kinh tế và xã hội cũng như việc tiếp cận tín dụng.

Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Đức Hồng Y Turkson cho biết ngay từ đầu Triều đại Giáo hoàng của mình, bắt đầu với Thông điệp “Evangelii Gaudium”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai chỉ trích một thực tế rằng hệ thống kinh tế hiện nay được thành lập dựa trên sự loại trừ và nền văn hóa thải loại làm sản sinh ra sự bất bình đẳng: “Đó là lý do tại sao Ngài đã nói về một nền kinh tế gây ra sự giết chóc!”.

Đề cập đến Thông điệp “Laudato Si'” của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Turkson tiếp tục: “Đức Thánh Cha nói: “Một lần nữa, chúng ta cần phải bác bỏ một quan niệm đầy ma mị của thị trường vốn đề nghị rằng mọi vấn đề có thể được giải quyết đơn giản chỉ bằng cách tăng lợi nhuận của các công ty hoặc cá nhân. Liệu rằng thực tế có thể hy vọng rằng những người vốn luôn bị ám ảnh với việc tối đa hóa lợi nhuận sẽ dừng lại để suy nghĩ về những thiệt hại đối với môi trường mà họ sẽ để lại cho các thế hệ tương lai chăng? Khi người ta chỉ tính đến lợi nhuận, người ta sẽ không thể có những suy nghĩ về nhịp điệu của thiên nhiên, những giai đoạn về sự suy vi cũng như giai đoạn tái sinh, hoặc sự phức tạp của các hệ sinh thái vốn có thể trở nên trầm trọng bởi sự can thiệp của con người”.

Tiếp tục trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, lần này sau khi nhận được giải thưởng Charlemagne, Đức Hồng Y Turkson cho biết Đức Thánh Cha đã kêu gọi một cách rất rõ ràng về nhu cầu cấp thiết phải đưa ra “những mô hình kinh tế toàn diện và công bằng mới nhằm không chỉ phục vụ cho một bộ phận thiểu số nào đó, mà còn phục vụ cho những người dân thường cũng như toàn xã hội nói chung”.

Đức Thánh Cha Phanxicô – Đức Hồng Y Turkson nói – đã chỉ ra cách rõ ràng rằng đây là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: “Cái chết vì giá rét của một cụ già sống cảnh đầu đường xó chợ trên các ngả đường phố không trở thành bản tin trong khi thị trường chứng khoán sụt mất 2 điểm lại trở thành một bản sốt dẻo”.

Nguyên nhân ở đây – Đức Hồng Y Turkson nói – chính là cuộc khủng hoảng nhân học mà thế giới chúng ta đang trải qua; và nó sâu sắc hơn nhiều so với kinh tế: “sự phủ nhận tính ưu việt của con người”. Tiền bạc và sự giàu có – Đức Hồng Y Turkson giải thích – đang được con người tôn thờ như một thần tượng mới.

Đức Hồng Y Turkson cũng giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ giới hạn vào việc chỉ trích mô hình kinh tế hiện nay, Ngài còn vạch ra những đặc điểm của một nền kinh tế bình đẳng hơn, tạo cơ hội cho mọi người khả năng tham gia trong sự tôn trọng phẩm giá con người cũng như chăm sóc đối với môi trường.

Nói về một nền kinh tế xã hội “đầu tư vào con người bằng cách tạo công ăn việc làm và đào tạo tay nghề” – Đức Hồng Turkson cho biết – Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta “hãy chuyển từ một nền kinh tế kém bền vững sử dụng tham nhũng như một phương tiện để đạt được lợi nhuận thành một nền kinh tế xã hội đảm bảo việc tiếp cận đất đai và chỗ ở thông qua lao động”.

Nhấn mạnh một thực tế rằng chúng ta rất cần một nền kinh tế thị trường xã hội hiện đại để có thể giải quyết những thách thức đối với tình trạng thất nghiệp, gia tăng sự bất bình đẳng và suy thoái môi trường, Đức Hồng Y nhấn mạnh cách con người và của mình cùng với các quyền con người cơ bản và bất khả xâm phạm của họ phải là một điểm tựa của một hệ thống như vậy.

Đức Hồng Y Turkson thừa nhận rằng thách đố quan trọng đối với mô hình mới của nền kinh tế xã hội được mời gọi để đối diện với việc toàn cầu hóa, và đặc biệt là “sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ” vốn đối nghịch với sự toàn cầu hóa của sự liên đới nhân loại.

Đức Hồng Y kết thúc bài phát biểu của Ngài bằng cách cho biết các công cụ được cung cấp bởi vấn đề tài chính vi mô và tiểu tín dụng trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp, sự bất bình đẳng cũng như sự suy thoái môi trường là những việc “hết sức quan trọng”.

Tiểu tín dụng – Đức Hồng Y nói – đặt niềm tin vào những người không được các ngân hàng xem như là “phù hợp” để nhận được các khoản vay tài chính, “nó đặt niềm tin vào những người bị gạt ra bên lề xã hội vì nền văn hóa thải loại của nhân loại, vào khả năng của họ để có thể tổ chức và mang lại sự thay đổi đối với bản thân, gia đình, cũng như cộng đồng của họ”.

Và, vấn đề tài chính vi mô và tiểu tín dụng không chỉ có tác động đối với vấn đề kinh tế, mà còn đối với xã hội và văn hóa.

Đức Hồng Y Turkson kết thúc bài chia sẻ bằng cách trích dẫn Thông điệp ‘Evangelii Gaudium’: “Miễn là những vấn đề của người nghèo được giải quyết căn bản không phải bằng cách từ chối quyền tự chủ tuyệt đối của các thị trường và đầu cơ tài chính, và bằng cách tấn công những nguyên nhân cơ cấu của sự bất bình đẳng, không có giải pháp nào sẽ được tìm thấy đối với những vấn đề của thế giới hoặc là đối với vấn đề đó cũng như đối với bất kỳ vấn đề nào khác”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết