Cần có các biện pháp xã hội chống nạn buôn người

Trên thế giới, cứ 2 phút có một đứa trẻ nam hoặc nữ là nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Hơn 200 triệu trẻ em, trong đó 73 triệu em chưa đến 10 tuổi, bị buộc phải lao động cực nhọc. Trong số những đứa trẻ này, 22.000 em chết mỗi năm vì tai nạn lao động. Và khoảng 30 triệu em, trong ba mươi năm qua, là nạn nhân của tội ác buôn người. 

20170103-buon-nguoi

Đó là những con số hùng hồn và đầy kịch tính làm bối cảnh cho ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống lại nạn buôn người, sẽ được tổ chức vào ngày 08 tháng 2 với chủ đề “Họ là những đứa trẻ! Không phải nô lệ”.

Chính trong bối cảnh sự kiện này, Hội đồng Giám mục Pháp đã kêu gọi các chính phủ xây dựng một kế hoạch quốc gia để chống lại nạn buôn bán người, đặc biệt là buôn bán trẻ em. Lời kêu gọi được đưa ra trong một thông điệp mang chữ ký của Đức Cha Jacques Blaquart, Giám mục Orléans và là Chủ tịch của Hội đồng vì tình liên đới. Văn bản này cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức về một hiện tượng toàn cầu chắc chắn vượt xa trách nhiệm của từng chính phủ.

Trong tài liệu này, các Đức Giám mục đã chỉ ra rằng “nạn buôn người là một thực tế ít được biết đến”, thường chỉ được hiểu như là “một hiện tượng của quá khứ hay hiện tại ở những nơi xa xôi, tại các lục địa khác”.

Nạn buôn người, ngày nay, là kết quả của nhiều nguyên nhân: “các cuộc khủng hoảng, các cuộc xung đột, thiên tai, hiện tượng di cư cố ý hoặc tự phát của người dân”. Các hình thức khai thác thì rất khác nhau và rất khủng khiếp: từ khai thác tình dục và lao động đến các loại nô lệ trong gia đình, từ những cuộc hôn nhân bị ép buộc đến nạn ăn xin, trộm cắp và các tội phạm khác, từ nạn buôn bán nội tạng đến việc bắt trẻ em đi lính. Và “hình thức mới” được đưa ra ánh sáng là “sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố”. Tóm lại, những kẻ khai thác trẻ em “biết làm thế nào để tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa và tận dụng các điểm yếu có liên quan đến kinh tế, xã hội, địa chính trị hoặc khí hậu”.

Ngược lại, các nạn nhân “thường bị lừa dối, bị bắt cóc, bị đem bán, bị ép buộc về vật chất, tinh thần và tâm lý”. Và trong số các nạn nhân, Đức Cha Blaquart cho biết, “có rất nhiều trẻ em” cũng như “nhiều người di cư dễ dàng trở thành con mồi bị nô lệ hóa”. Trong thực tế, “tình trạng bất hợp pháp của họ buộc họ phải trốn tránh trong một nền kinh tế ngầm. Ngoài ra, người ta thường không nhận ra rằng, cho dù không có giấy tờ, họ vẫn có những quyền căn bản”.

Thực tế đau lòng đó khiến Giáo hội và các tổ chức từ thiện của Giáo hội phải đi đầu trong các hoạt động ở các mức độ khác nhau: đồng hành với các nạn nhân, bảo vệ những người có nguy cơ, đào tạo các cán bộ phù hợp, nâng cao nhận thức của công luận.

Điều cần thiết hiện nay là có một chính sách công thật sự có thể chống lại loại tội phạm này, và chính sách ấy phải được thực hiện thông qua các biện pháp xã hội đặc biệt: chỗ ở, thực phẩm, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, công nhận tư cách nạn nhân cần giúp đỡ đặc biệt của tất cả trẻ em là đối tượng của nạn buôn người. Trên hết, “tất cả trẻ em – Đức Giám mục của Orleans nhắc lại khi nói cụ thể về những trẻ em di cư và tị nạn – đều cần phải được bảo vệ khỏi tệ nạn buôn bán trong các hình thức khác nhau của tệ nạn này”.

Được Đức Giáo hoàng Phanxicô thiết lập vào năm 2015, ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn bán người được tổ chức vào ngày 08 tháng 2 hàng năm, lễ kính nhớ Thánh Giusepina Bakhita, một nữ nô lệ Sudan 9 tuổi. “Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình vào tháng 3/2013 – Đức Cha Blaquart nhớ lại – Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục thách thức chúng ta về tệ nạn ít được biết đến này”.

Tuấn Lộc (theo L’Osservatore Romano, 2-3 tháng 1 năm 2017)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết