Cần chấm dứt tình cảnh người tị nạn bị từ khước

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 28-05-2016 | 07:41:52

Đức Thánh Cha Phanxicô: Không nên để cho tình trạng những người tị nạn bị từ chối tiếp tục xảy ra nữa. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha gửi tới “Hội nghị thượng đỉnh thế giới về nhân đạo” lần đầu tiên, được tổ chức vào ngày 23/5 đến 24/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những thách thức đặt ra: cứu sống con người, hỗ trợ những người đang phải đối mặt với những tình trạng khẩn cấp và loại bỏ các nguyên nhân thực sự của các cuộc xung đột.

20160528 nhan dao

“Không nên để xảy ra thêm nữa những tình trạng các gia đình bị tước đoạt nhà cửa, những người tị nạn bị từ chối tiếp đón, những người bị thương bị từ chối chăm sóc, trẻ em bị cướp đi thời thơ ấu của mình, cả đàn ông lẫn phụ nữ bị tước mất tương lai”. Đó là những lời  của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một sứ điệp gửi đến Hội nghị thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới tổ chức tại Istanbul, được Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đọc trước toàn thể Hội nghị.

“Hôm nay chúng ta khởi động một thách thức tại Hội nghị lần này: chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của các nạn nhân và những người đang chịu đau khổ. Chúng ta hãy để họ làm cho chúng ta hiểu thế nào là nhân đạo. Ước chi chúng ta có thể thay đổi lối sống của chúng ta, thay đổi thể chế chính trị, sự lựa chọn kinh tế, thay đổi những hành vi và thái độ của những ưu thế về văn hóa”- Đức Thánh Cha nói thêm.

“Bằng cách lắng nghe tiếng kêu cứu từ các nạn nhân và những người đang chịu đau khổ, chúng ta sẽ có thể xây dựng một thế giới nhân đạo hơn” – Đức Thánh Cha kết luận.

Kể từ đầu năm 2016 cho đến ngày 22/5 sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến “Hội nghị thượng đỉnh thế giới” được tổ chức ngày 23/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ (Istanbul) tới 3 lần.  Đức Thánh Cha nói:  “Ngày mai, 23/5, Hội nghị thượng đỉnh thế giới lần đầu tiên sẽ khai mạc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm suy tư về những biện pháp được thực hiện để đáp ứng các tình huống nhân đạo đầy kịch tính gây ra bởi các cuộc xung đột, vấn đề môi trường và cảnh đói nghèo cùng cực. Chúng ta hãy cùng hiệp thông với các tham dự viên tại Hội nghị lần này qua lời cầu nguyện, xin cho họ cam kết hoàn toàn cho mục tiêu nhân đạo: để giải thoát những nạn nhân đang kêu cứu, mà không có ngoại lệ, đặc biệt là những người vô tội và những người không có khả năng tự vệ. Tòa Thánh cũng sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo lần này, cụ thể, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đang trên đường đến Istanbul để đại diện cho Tòa Thánh”.

Đối với các nhà ngoại giao

Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên nói về Hội nghị thượng đỉnh trong bài phát biểu của mình với ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh vào ngày 11/1 đầu năm nay. Ngài nói: “Tòa Thánh hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh thế giới của Liên Hiệp Quốc vào tháng Năm sẽ thành công tốt đẹp, trong việc nỗ lực đưa con người và phẩm giá con người trở thành trọng tâm của mỗi phản ứng nhân đạo, khi chúng ta đang phải đối diện với thảm cảnh đáng buồn về những cuộc xung đột và những thảm họa. Chúng ta cần một cam kết chung để lật đổ các nền văn hóa từ chối và vi phạm đến sự sống con người, để không ai cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị lãng quên, và loại bỏ việc người ta không dám hy sinh cho người khác chỉ vì thiếu các nguồn lực, và trên hết, vì lí do chính trị.”

Ở Lesbos

Cuối cùng, vào ngày 16/4, trong bài phát biểu của mình với người dân trên đảo Lesbos, Hy Lạp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Để thực sự liên đới với những người đang bị buộc phải rời bỏ mảnh đất của họ, chúng ta phải cùng cộng tác với nhau để loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến thực tế bi đát này: thật là thiếu sót khi chúng ta chỉ phản ứng trước tình trạng khẩn cấp hiện tại mà thôi, nhưng hơn hết, chúng ta cần phải xây dựng chính sách toàn diện chứ không chỉ là chính sách đơn phương. Trước hết, có một sự cần thiết phải xây dựng lại hòa bình ở những nơi chiến tranh đang gieo rắc những cái chết đau thương và sự tàn phá hủy diệt, đồng thời ngăn ngừa đại dịch này lây lan đến những nơi khác. Để thực hiện được điều này, chúng ta chắc chắn phải phản đối việc phổ biến và buôn bán vũ khí cũng như những âm mưu thâm hiểm của những kẻ làm việc đó; đồng thời, phản đối những kẻ gieo rắc sự hận thù và bạo lực. Việc hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các tổ chức nhân đạo cần được thúc đẩy không mệt mỏi, không phải bằng cách cô lập nhưng bằng cách hỗ trợ những người đang phải đối mặt với những tình trạng khẩn cấp. Từ quan điểm này, tôi hy vọng tha thiết Hội nghị thượng đỉnh thế giới của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức tại Istanbul vào tháng tới, sẽ thành công tốt đẹp”.

Việc Đức Thánh Cha cử Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đại diện cho Tòa Thánh một cách công khai để tham dự Hội nghị, cho thấy Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh lần này như thế nào. Từ 3 lần đề cập đến Hội nghị này trong vòng 5 tháng qua, trong thực tế, Đức Thánh Cha đã nói đến 3 vấn đề chính cần được Hội nghị giải quyết với lòng dũng cảm và một tầm nhìn xa: cứu sống con người, hỗ trợ những người đang phải đối mặt với những tình trạng khẩn cấp và loại bỏ những nguyên nhân thực sự của các cuộc xung đột.

Các con số và các xu hướng

Con số những người hiện đang phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp nhân đạo quả thực không tưởng tượng nổi. Trong vòng 3 năm qua đã có – và phần lớn vẫn chưa được giải quyết trên diện rông – hơn 400 cuộc xung đột khác nhau (chiến tranh, khủng bố, thảm họa môi trường, khan hiếm nước, xung đột sắc tộc và tôn giáo, áp lực về nhân khẩu, các cuộc đàn áp của nhà nước đối với các dân tộc thiểu số …) vẫn chưa được giải quyết, trái lại còn làm cho trầm trọng thêm những hệ quả của nạn đói nghèo vốn có của hàng trăm triệu người.

Chỉ riêng các trường hợp khẩn cấp liên quan đến thời tiết, cứ mỗi năm, đã có ít nhất 100 triệu người, tăng 250 triệu người trong tổng số những người nằm trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới; trong khi đó số lượng những người đang phải chịu cảnh nghèo nàn và thiếu thốn cùng cực đang gia tăng tại các quốc gia kém phát triển nhất, vốn là những quốc gia không thể đối phó với những tình huống này. Rồi trường hợp khẩn cấp của những người tị nạn và những người đang phải di cư, phải lẩn trốn từ nước này sang nước khác, từ lục địa này sang lục địa khác, hoặc trong phạm vi một quốc gia mà không phải vượt biên: trong những năm gần đây, đã có trên 60 triệu người đã bị buộc phải chạy trốn và tổng số hiện nay lại luôn luôn có chiều hướng gia tăng.

Dưới đây là những con số mới nhất (2014): các báo cáo hàng năm của tổ chức UNHCR Global Trends cho thấy đã có một sự gia tăng mạnh về số lượng những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ, với 59.500.000 người bắt buộc phải di cư vào cuối năm 2014 so với con số 51,2 triệu người vào năm ngoái và 37,5 triệu người cách đây 1 thập kỉ. Sự gia tăng chính bắt đầu vào đầu năm 2011, khi chiến tranh nổ ra ở Syria, đã trở thành nguyên nhân hàng đầu của cuộc di cư bắt buộc toàn cầu. Trong năm 2014, trung bình mỗi ngày có tới 42.500 người trở thành những người tị nạn, người xin tị nạn và buộc phải di tản, qua đó cho thấy một sự gia tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 4 năm.

Trên toàn thế giới, cứ mỗi 122 người thì có 1 người tị nạn, một người bị buộc phải di tản trong một quốc gia, hoặc một người xin quyền tị nạn.

Nếu con số 59,5 triệu người buộc phải di cư trên thế giới hợp thành một quốc gia, thì quốc gia này sẽ xếp thứ 24 trên thế giới tính theo dân số.

Những đề nghị của Liên minh châu Âu

Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần này, Liên minh châu Âu đã công bố một văn kiện tóm tắt những lập trường của mình về vấn đề này: “Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh nên thừa nhận những nguyên tắc cơ bản chung: các giá trị nhân phẩm, tính toàn vẹn và liên đới; các nguyên tắc nhân đạo; sự tôn trọng các nghĩa vụ được quy định bởi pháp luật nhân đạo quốc tế; cam kết tuân thủ các hoạt động nhân đạo phải minh bạch với những lợi ích chính trị”.

Quyền được giúp đỡ

Thứ hai, Liên minh châu Âu kêu gọi quyền của con người đó là họ cần được đảm bảo để có thể tiếp cận được với những viện trợ nhân đạo. Cụ thể, Liên minh châu Âu kêu gọi hành động để đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng có thể dễ dàng tiếp cận với những nhân viên cứu trợ nhân đạo, đây chính là điều kiện tiên quyết cơ bản khi thực hiện việc viện trợ.

Do đó, Liên minh châu Âu khẳng định: Các chính phủ nên cố gắng để đảm bảo một môi trường tin cậy đối với các hoạt động nhân đạo. Ngoài ra, họ cần phải có một khung pháp lý và chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho việc tiếp cận với viện trợ nhân đạo.

Các trường hợp khẩn cấp và dễ bị tổn thương

Thứ ba, đối với Liên minh châu Âu, một việc hết sức cần thiết đó là phải giới thiệu một vấn đề quan trọng mới trong các hoạt động nhân đạo: đưa việc bảo vệ con người trở thành trọng tâm của các phản ứng nhân đạo, bởi vì các cuộc khủng hoảng nhân đạo thường làm cho những người dễ bị tổn thương trở thành nạn nhân bị bóc lột và ngược đãi. Nói cách khác, đối với Liên minh châu Âu, việc thiếu tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo và luật nhân đạo quốc tế đã làm cho tình trạng bất an, nạn phân biệt đối xử, lạm dụng và các mối đe dọa đến cuộc sống trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Những người dễ bị tổn thương nhất thường là trẻ em, phụ nữ và các bé gái, những người cao tuổi và người tàn tật.

Luis Badilla – Francesco Gagliano

Minh Tuệ dịch (theo Vaticaninsider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết