Cách người cha nhân hậu bày tỏ tình yêu

Người con phung phá trở về, sau những tháng ngày đi hoang.

Tin-mung-Lc-15,1-32“Anh còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn anh thắm thiết” (Lc 15,20b).

Tất cả đều là sáng kiến của người cha.

Và tất cả đều cho thấy tình yêu nhưng không và mãnh liệt mà ông dành cho người con hoang đàng.

Ông thấy người con từ khi anh còn ở đằng xa; ông không đặt vấn đề tại sao cậu quay về, vì chưa bao giờ ông hết yêu thương cậu con trai thứ của mình, trái lại luôn luôn mong mỏi được gặp cậu.

Ông chạnh lòng thương cậu. Động từ “chạnh lòng thương” vốn là động từ đặc biệt để diễn tả tâm tình của chính YHWH đối với người nghèo và của chính Đức Giêsu đối với những con người khốn cùng (Mc 1,41; 6,34; 8,2; Lc 7,13; xem thêm Lc 10,33).

Ông chạy ra, cho dù đây là một hành động không phù hợp với tuổi tác, vị thế và uy quyền của ông.

Ông ôm cổ cậu con trai và vì vậy ông đã ngăn cản không cho cậu kịp quỳ mọp xuống dưới chân ông.

Ông hôn cậu thắm thiết, dấu chỉ của sự tha thứ và thông hiệp sâu xa, bất chấp tình trạng ô uế của một anh chàng chăn heo thường xuyên tiếp xúc với giống vật ô uế và với những người ngoại bị coi là không thanh sạch theo quan điểm của Lề Luật.

Qua hàng loạt chi tiết rất cảm động nơi hình ảnh và hành động của người cha nhân hậu, tác giả Lc muốn khắc hoạ cho chúng ta dung mạo đặc biệt của Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu mến những con người tội lỗi bằng một tình yêu tuyệt vời. Người như thể quên mất phẩm giá và tư thế uy nghi của Người. Sự nhân lành của Người đã được thi thố qua những dáng vẻ, thái độ và hành xử rất “yếu đuối”.

Thiên Chúa tuyệt đối tự do trong việc diễn tả sự siêu việt và tình yêu thẳm sâu của Người nơi những cách hành xử có vẻ yếu đuối ấy.

Nhưng chính tình yêu ấy đã là yếu tố quyết định làm cho người con hoang đàng “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Nguyễn Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết