Hình ảnh Thánh Gia được khắc hoạ trong bài Tin Mừng Lc 2,41-52 vừa mang dáng dấp của một gia đình êm ấm hài hoà, vừa mang dáng dấp của một gia đình đang phải trải qua những ngày tháng đau buồn vì những sự kiện xảy ra ngoài ý muốn: “Cha con và mẹ đây đang phải cực lòng…” (Lc 2,48).
Trong khung cảnh đó, thánh Giuse và Đức Maria phản ứng như thế nào? Bài Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một số chi tiết quý giá.
Đau khổ
Việc Đức Giêsu ở lại Đền Thờ mà không cho cha mẹ biết, đã tạo ra một hoàn cảnh lo buồn cho cha mẹ Người. Khi tìm con, Đức Maria nói: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!”(c. 48). Chắc chắn Đức Maria và thánh Giuse đã lo lắng nhiều trong ba ngày dài đằng đẵng ấy.
Chúng ta cảm thấy được an ủi rất nhiều khi suy niệm về nỗi đau này của Đức Mẹ và thánh Giuse. Có lẽ không gia đình nào tránh được những hoàn cảnh và tháng ngày đau buồn. Đức Maria và thánh Giuse chắc chắn sẽ luôn là chỗ dựa cho mọi gia đình đau khổ của chúng ta, vì các ngài cũng đã trải qua những kinh nghiệm đau thương ấy. Các ngài sẽ hiểu thấu nỗi đau của mọi gia đình.
Ngạc nhiên trước mầu nhiệm
Phản ứng thứ hai của Đức Mẹ và thánh Giuse được kể đến trong bài Tin Mừng là sự ngạc nhiên, sửng sốt: “Khi thấy con (đang ngồi đối đáp giữa các bậc thầy), hai ông bà sửng sốt” (c. 48).
Cần tránh hiểu sự ngạc nhiên ở đây chỉ ở bình diện tâm lý, dẫn đến cách giải thích lời Đức Maria nói với Đức Giêsu là một lời trách móc. Theo Lc, trong tâm tưởng của Đức Maria, Đức Giêsu là Con Đấng Tối Cao mà Mẹ đã cưu mang đồng trinh vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Làm sao tác giả Lc lại có thể nghĩ rằng Đức Mẹ trách móc Đức Giêsu? Đàng khác, trong suốt sách Tin Mừng, ông cố ý tránh không bao giờ để cho Đức Giêsu trách các đồ đệ lời nào. Vì thế, có lẽ ông không muốn trình bày lời của Đức Maria ở đây như là một lời trách mắng Đức Giêsu.
Khi kể lại sự ngạc nhiên của Đức Mẹ và thánh Giuse, thánh Luca muốn nói với chúng ta rằng đó là phản ứng của những con người đột ngột phải đối diện với một sự kiện vượt quá sự chờ đợi và khả năng hiểu biết của họ. Tư cách là Con Thiên Chúa của Đức Giêsu vẫn là một mầu nhiệm ngay cả đối với cha mẹ Người, bất chấp lời loan báo của thiên sứ và lời quả quyết của các ngôn sứ, bất chấp cả sự kiện mang thai đồng trinh của Đức Maria. Thực tại vô phương đạt thấu của mầu nhiệm Đức Giêsu luôn luôn và chắc chắn vượt quá sự chờ đợi và sự hiểu thấu của lòng tin, cho dù là lòng tin sâu xa và mạnh mẽ nhất.
Tác giả Tin Mừng nói rõ rằng Đức Maria và thánh Giuse không hiểu lời Đức Giêsu vừa nói với hai ông bà (c.50). Ngay cả ý nghĩa của biến cố, các ngài chắc cũng không hiểu.
Điều quan trọng là: một cách đau đớn, “tăm tối” và không thể quên được, thánh Giuse và Đức Maria phải trải qua một kinh nghiệm đặc biệt để hiểu rằng Đức Giêsu thuộc về một thẩm quyền cao cả và linh thiêng nhất, rằng mối tương quan độc nhất và siêu việt của Người với Thiên Chúa sẽ đưa Người tới chỗ có những hành động vuợt quá sự chờ đợi, sự nghĩ tưởng và sự hiểu thấu của các ngài, và thậm chí có thể tới chỗ chia cắt đau thương và bi thảm với các ngài.
Suy đi nghĩ lại trong lòng
Có lẽ nhất thời, Đức Mẹ và thánh Giuse không thể hiểu được điều đó. Nhưng Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều đã xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng (xem c.51). Sự giới hạn trong khả năng hiểu thấu không phải là một lý do để Mẹ vứt bỏ tất cả. Trái lại, Mẹ ghi nhớ, suy niệm, kính trọng và kiên nhẫn chờ đợi ơn soi sáng của Thiên Chúa để hiểu thấu những mầu nhiệm của Đức Giêsu – Con Mẹ. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể biết rõ những gì xảy đến cho gia đình của Mẹ và ý nghĩa của những sự kiện đó là gì. Mẹ tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu.
Thái độ đức tin đó của Mẹ cũng là gương mẫu cho mọi thành viên trong các gia đình của chúng ta:
Kiên nhẫn chờ đợi ơn Chúa.
Kính trọng các thực tại mà Chúa muốn.
Khiêm tốn đón nhận mọi sự xảy đến trong lòng tin….
Giuse Nguyễn Thể Hiện