ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm các vị Hồng Y đến từ những vùng đất xa xôi trên thế giới – chọn những ứng viên dường như đang cặm cụi với các công việc mục vụ, rất ít khi hoặc chẳng màng gì đến việc trở thành “những Hoàng tử của Giáo Hội”.
Tháng tới, trong suốt công nghị hay Cơ Mật Viện Hồng Y, ĐTC Phanxicô sẽ chính thức bổ nhiệm thêm năm vị vào Hồng Y Đoàn, đồng nghĩa với việc ĐTC Phanxicô bổ nhiệm gần một nửa số cử tri sẽ bỏ phiếu bầu chọn vị kế nhiệm mình.
Chính những vị Hồng Y này, vào một ngày nào đó chưa biết trước trong tương lai và nếu như họ còn dưới 80 tuổi, sẽ tiến vào vào Nhà nguyện Sistina trong Cơ Mật Viện tiếp theo. Trong những bộ phẩm phục đỏ tươi và trước bức bích họa đầy ấn tượng “Cuộc phán xét cuối cùng” của danh họa Michelangelo, họ sẽ bỏ phiếu để bầu chọn ra người lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội Công giáo.
Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng cho đến hiện nay, Hồng Y Đoàn không đại diện cho một Giáo Hội đã toàn cầu hoá nhanh chóng. 52% cử tri đoàn đã bầu chọn ra vị Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh vào năm 2013 là các Hồng Y người châu Âu (và thậm chí trong số họ, các vị người Ý còn chiếm con số khá áp đảo), cho dù có chưa đến một phần tư số người Công Giáo đến từ châu lục này.
ĐTC Phanxicô đã chia sẻ sự chỉ trích đó. Hôm 21 tháng 5 vừa qua, khi tuyên bố bổ nhiệm một nhóm 5 Hồng Y mới bao gồm, lần đầu tiên, các Giám Mục đến từ Lào, Mali, El Salvador và Thụy Điển, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng họ “đến từ nhiều khu vực khác nhau trên toàn thế giới, cho thấy bản tính Công Giáo của Giáo Hội”.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, hiện nay, ĐTC Phanxicô đã giảm số lượng các vị Hồng Y châu Âu xuống còn 45%, mặc dù họ vẫn còn khá nhiều. Mỹ Latinh, chiếm 39% dân số Công giáo, vẫn chỉ có 17% trên tổng số các Hồng Y.
Tuy nhiên, quan trọng hơn suy nghĩ về việc trao quyền bầu chọn Giáo Hoàng như thể ĐTC Phanxicô đang thực hiện một chiến lược tái cấu trúc cử tri đoàn, những lựa chọn của ĐTC Phanxicô đã được thực hiện theo chính sách “kẻ rốt hết sẽ nên trước hết”. Vào ngày 28 tháng 6 sắp, khi ĐTC Phanxicô trao những chiếc mũ đỏ mới, ngài sẽ nâng con số các quốc gia lần đầu tiên có Hồng Y (vì trước triều đại Phanxicô, các quốc gia ấy chưa bao giờ có Hồng Y) lên đến con số 13 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia Tonga, Haiti, và Myanmar.
Và đó không chỉ là những vùng ngoại vi về mặt địa lý, nhưng còn là những ưu tiên “hiện sinh” mà Ngài đang vươn tới. Bằng cách bổ nhiệm một Giám Mục Công Giáo gốc Thụy Điển đầu tiên kể từ Cuộc Cải Cách, ĐTC Phanxicô đang đưa vào Hồng Y Đoàn một vị đại diện đến từ một đất nước đã bị tục hóa, chỉ với 150.000 tín hữu Công Giáo, nơi mà cơ quan thuế còn được tin cậy hơn cả Giáo Hội.
Đức Cha Anders Arborelius, Địa phận Stockholm, một người gia nhập Công Giáo vào năm 19 tuổi, đã thừa nhận việc ngài được chọn là “một điều bất ngờ thực sự”.
Một cú sốc lớn khác chính là Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, Giám Mục Phụ Tá TGP San Salvador. Ngài là một người đã từng làm việc thân cận với Chân Phước Oscar Romero, NguyênTổng Giám Mục TGP San Salvador, một anh hùng tử đạo đã bị sát hại khi đang cử hành Thánh Lễ sau khi đã lên tiếng chống lại những bất công nơi đất nước mình.
Sau 35 năm làm việc như một Giám Mục Phụ Tá, sống trong một giáo xứ tưởng chừng như đã bị bỏ quên, Đức Cha Rosa đã không còn hy vọng được phụ trách riêng một Giáo Phận.
“Tôi như bị choáng ngợp,vô cùng ngạc nhiên và không biết phải phản ứng thế nào”, Đức Cha Rosa nói về cuộc điện thoại trước bình minh, trong đó ngài được thông báo về việc mình được bổ nhiệm làm Hồng Y. Không giống như những vị tiền nhiệm của mình, ĐTC Phanxicô muốn để các Tân Hồng Y mới được bổ nhiệm tự khám phá ra khi ngài tuyên bố từ ban công của Quảng trường Thánh Phêrô.
ĐTC Phanxicô cũng đã đảo lộn truyền thống của việc lựa chọn các Giám Mục phụ trách các Giáo phận có uy tín hoặc các Bộ của Vatican làm Hồng Y.
Tại Hoa Kỳ, năm ngoái ĐTC Phanxicô đã khiến cho nhiều người không khỏi kinh ngạc khi đồng thời vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Joseph Tobin DCCT trở thành vị lãnh đạo của Tổng Giáo Phận Newark vừa bổ nhiệm ngài trở thành Hồng Y. Các Tổng Giáo Phận như Los Angeles và Philadelphia – theo truyền thống là những nơi do một Hồng Y coi sóc – đều đã bị bỏ qua.
Điều mới mẻ trong cách thực hiện của ĐTC Phanxicô là ngài kéo tấm thảm khỏi chân những người có tham vọng được chuyển đến một Giáo Phận đặc biệt nào đó hoặc một công việc nào đó của Rôma với hy vọng rằng sau đó họ sẽ được trao chiếc mũ đỏ Hồng Y. Với vị Giáo Hoàng này, một vị Giám Mục dường như có thể trở thành “Hoàng tử của Giáo Hội” (một cách gọi các vị Hồng Y, theo truyền thống) nếu như vị này chẳng màng gì đến chuyện ấy.
Các nhà phê bình nói rằng ĐTC Phanxicô đã điền vào Hồng Y Đoàn với những sự lựa chọn mang tính quá cá nhân của mình, trong khi những vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, luôn tôn trọng các quy ước truyền thống và lựa chọn những vị Hồng Y có một tầm nhìn khác với các ngài.
Những người ủng hộ ĐTC Phanxicô đã không đồng ý với lời chỉ trích đó và lưu ý rằng Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI cũng có khuynh hướng lựa chọn những ứng viên bảo thủ có cùng quan điểm. Và họ lưu ý rằng ĐTC Phanxicô đã trao mũ đỏ cho những người bảo thủ như Đức Hồng Y Gerhard Mueller, một người Đức đứng đầu một cơ quan đầy quyền lực của Vatican về Giáo Lý.
Cũng có một sự nghi ngờ đáng kể về việc ĐTC Phanxicô có thể đi đến đâu để bảo đảm người kế nhiệm của mình được bầu lên theo đường hướng của mình. Sau 35 năm bổ nhiệm các Hồng Y bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đã có rất ít người dự kiến vị Giáo Hoàng có đầu óc cải cách hiện nay sẽ được lựa chọn.
ĐTC Phanxicô cũng phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi đã lựa chọn nhiều Hồng Y hơn. Cho đến nay, ĐTC Phanxicô đã chọn 49 trong số 121 vị dưới 80 tuổi và đủ điều kiện bỏ phiếu, có nghĩa là ĐTC Phanxicô đã vượt qua giới hạn con số 120 đã được Đức Phaolô VI thiết lập vào những năm 1960. Con số này được dựa trên trích đoạn Công vụ Tông đồ chương 1 câu 15 trong Tân Ước, trong đó có 120 môn đệ đã được quy tụ.
Những người Công Giáo cấp tiến muốn ĐTC Phanxicô thực hiện một bước đột phá mang tính bước ngoặt để di sản của ngài được bảo đảm. Họ chỉ ra rằng cho đến cuối năm tới, chỉ có sáu vị trí trống trong Cơ Mật Viện mà thôi, vì sẽ chỉ có sáu vị Hồng Y đến độ tuổi không còn được tham gia bầu chọn Giáo Hoàng.
Giáo lý Công Giáo dạy rằng chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các cuộc bầu cử Giáo Hoàng: với các vị Tân Hồng Y của mình, ĐTC Phanxicô đang cố gắng cộng tác để Chúa Thánh Thần thực hiện công việc đó.
Minh Tuệ (theo Crux)