Các xứ Đạo miền quê giữa cơn lốc “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

  • TIn tức
  • Thứ Sáu, 25-03-2016 | 01:00:31

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ít nhiều đã có những tác động tiêu cực tới đời sống đức tin của những giáo dân một nắng hai sương trong khung cảnh của những làng quê bấy lâu nay bị giới hạn bởi những lũy tre làng.

Nhà thơ Hà Xá

Nhà thờ Hà Xá

Chúng tôi về giáo xứ Hà Xá, một xứ đạo cổ kính tại vùng châu thổ sông Hồng với bề dầy hơn 200 năm lịch sử.

Ngay đầu cầu Triều Dương – cây cầu bắc qua sông Luộc, nối liền hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, đường quốc lộ 38 nham nhở đầy ổ trâu, ổ gà hiện lên hình ảnh của đất nước trong những năm tháng nghèo đói thời bao cấp.

Ngay đầu làng, cây cầu Hà cũ kỹ nhếch nhác, do ít ai quan tâm tu bổ, đang dần xuống cấp tạo cảm giác không an toàn cho những ai qua cầu.

Con đường bê tông dẫn vào làng Hà Xá vừa được làm gần đây do người dân đóng góp bằng cách hiến đất cho xã hội để thực hiện chương trình “nông thôn mới từ thành phố tới thôn quê”, mà không cần biết tiền dự án nhà nước trích ngân sách cho chương trình nông thôn mới là bao nhiêu, tiền đóng góp được sử dụng như thế nào. Người dân ở đây chỉ cần biết có đường để đi và tự hào treo lên tường nhà chỗ trang trọng một bằng khen “có công đóng góp” ghi rõ số tiền tương ứng với mảnh đất mà họ đã hiến tặng.

Nhiều người khi gặp chúng tôi đều hồ hởi bày tỏ lòng biết ơn “đảng và chính phủ” –  câu nói từ lâu đã trở thành phản xạ của những người vùng quê được chính quyền ban chút bổng lộc từ tiền đóng thuế của mình, mà lại cứ tưởng mình là những người quan trọng chỉ mình mới được nhà nước ưu ái quan tâm. Người khác biết chút ít những mánh lới của cán bộ thì bảo biết vậy, nhưng có còn hơn không, người ta không cho thì mình làm được gì (?!)

Cầu nguyện cho các bẹnh nhân trong tuần Đại Phúc

Cầu nguyện cho các bẹnh nhân trong tuần Đại Phúc

Thái độ chấp nhận ấy kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng cả tới việc thực hành đức tin. Có lẽ, vì nhiều năm sống dưới chế độ cộng sản, trải qua những kinh nghiệm đau thương do những chủ trương chính sách của nhà nước về tôn giáo quá hà khắc, do hậu quả của những tuyên truyền sai lạc, giống như đại đa số các xứ đạo vùng quê khác, người dân Hà Xá ít nhiều mang chút mặc cảm về niềm tin tôn giáo của mình. Trong thẳm sâu, chẳng ai muốn bỏ Đạo, nhưng trong cách thức thực hành, Đạo lại chỉ như một thứ trang điểm, một thứ áo mặc bên ngoài, một thứ “niềm tin vay mượn” của người khác, của tổ tiên chứ không phải của chính mình. Đạo không vào đời, trái lại Đạo đôi lúc trở thành gánh nặng, khiến nhiều người cảm thấy như thể Đạo là vật cản tiến thân cho cuộc sống mưu sinh quá nhiều vất vả. Nhiều người bỏ Đạo cũng chỉ vì lẽ ấy, hay bởi thói quen lâu ngày không đi nhà thờ, không đến với Chúa, nhất là không thấy Đạo mang lại những ý nghĩa thiết thực cho cuộc đời. Một thời, nhà thờ là nơi mang lại cho họ niềm vui, niềm vui ấy nay hình như cũng không còn sức hút như họ đã tìm thấy và tìm đến vào những thời khắc khó khăn của lịch sử.

Như những vùng quê Công giáo khác mà chúng tôi có dịp đi qua, sống và chia sẻ những kinh nghiệm đức tin trong các kỳ đại phúc, người dân Hà Xá chịu nhiều ảnh hưởng của một xã hội “thực dụng”, của một lối sống coi trọng đời sống vật chất hơn các giá trị đạo đức tinh thần. Nhiều người chia sẻ với chúng tôi, mỗi năm, nhiều lần bất cứ khi nào có thể họ lại hành hương tới các đền thánh, những nơi hành hương để cầu xin Chúa và các thánh ban ơn cho mình, trong khi tại chính nhà thờ quê hương, họ lại ít lần bước chân tới. Tình trạng bỏ lễ Chúa Nhật khá phổ biến và rất thường xuyên. Họ chỉ tới nhà thờ vào những ngày lễ hội, những lúc có Đức Giám mục Giáo phận về thăm viếng mục vụ hay mỗi khi gia đình có việc cần lãnh ơn huệ qua các bí tích. Họ không thấy nhu cầu tâm linh là một nhu cầu thật, cần thiết cho cuộc sống của mình, của gia đình. Với nhiều người, có Đạo hay không có Đạo, thì  đều như nhau, giữ Đạo hay không giữ Đạo cũng chẳng hơn nhau điều gì. Đạo chỉ là “thủ tục”. Họ biện luận: “Đạo tại tâm, dù không đi lễ nhưng chúng tôi tốt hơn ối người!”

Cầu nguyện cho tổ tiên trong tuần Đại Phúc

Cầu nguyện cho tổ tiên trong tuần Đại Phúc

Có thể thấy, những cách thực hành Đạo như vậy hiện nay khá phổ biến tại hầu hết các vùng quê Công giáo miền Bắc, ngay tại các giáo xứ có bề dày truyền thống. Có vẻ như, càng truyền thống, càng lâu đời, tình trạng dửng dưng tôn giáo càng gia tăng, kéo theo nhiều hệ quả: bạo lực gia đình, anh em bất hòa, thiếu trung thủy trong hôn nhân, gian dối trong làm ăn buôn bán…Những hệ quả ấy gây nhiều áp lực tạo sự căng thẳng, bất ổn, phá vỡ sự bình yên trong các gia đình và trong khắp thôn làng.

Những cách sống Đạo tạo bất ổn này đang là một trong những thách đố không nhỏ đối với những ai quan tâm tới tiền đồ của Hội Thánh. Thực tế, cho tới tận bây giờ, chưa có bất cứ một nghiên cứu xã hội học nào về tình trạng sống Đạo của các tín hữu Chúa trong cơn lốc thị trường với cái đuôi dài “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Những điểm tích cực mà cuộc sống hiện đại đem lại, cũng như những hậu quả khốc liệt của nó, vẫn cứ như các cơn bão tràn qua các vùng quê Công giáo. Tuy nhiên, điều mà ai cũng có thể nhận ra, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ít nhiều đã có những tác động tiêu cực tới đời sống đức tin của những giáo dân một nắng hai sương trong khung cảnh của những làng quê bấy lâu nay bị giới hạn bởi những lũy tre làng.

Điều dễ nhận thấy, ngày nay thôn làng không còn khung cảnh bình yên, bát cơm xẻ nửa. Tình làng nghĩa xóm đầm ấm tình người dần bị thay thế bằng những mối liên hệ được định lượng bằng vật chất. Đức tin chân chính dần được thay bằng một thứ “niềm tin thực dụng” đòi hỏi Chúa ban ơn phần hồn phần xác mà không muốn động tay vào làm bất cứ thứ gì. Sự dửng dưng tôn giáo lên ngôi như một

Bế mạc tuần Đại Phúc

Bế mạc tuần Đại Phúc

hệ quả tất yếu của một giai đoạn dài người dân phải sống và được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, trong đó, có quan niệm vật chất quyết định các giá trị tinh thần. Người dân đôi khi đã mang cả những quan niệm trần tục và sai lạc ấy vào trong việc thực hành Đạo, khiến Đạo chỉ còn là một phương tiện cầu may.

Hà Xá hôm nay đã đổi thay sau một tuần đại phúc.

Nhưng, câu chuyện về những giáo xứ vùng quê đang xoay vần nhằm thích ứng với những đổi thay đến chóng mặt của một xã hội hiện đại, đầy bấp bênh, nhiều rủi ro thì vẫn còn đó.

Một câu hỏi gợi lên trong đầu: “Công cuộc Tân Phúc âm hóa xã hội phải bắt đầu từ đâu?”

Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết