
Lãnh đạo các quốc gia G7, từ trái sang phải, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đang ổn định vị trí sau khi đặt vòng hoa, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình trong chuyến thăm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, miền tây Nhật Bản Thứ Sáu, ngày 19 tháng 5 năm 2023 (Ảnh: Kenny Holston/Pool Photo qua AP)
NEW YORK – Một “Cuộc hành hương vì Hòa bình” đến Nhật Bản do hai Tổng Giám mục của Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ sớm khởi hành, với việc ủng hộ việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và tạo ra một môi trường hòa bình toàn cầu là một trong những ưu tiên của họ.
Dẫn đầu bởi các Đức Tổng Giám mục John Wester Địa phận Santa Fe và Đức Tổng Giám mục Paul Etienne Địa phận Seattle, cùng với sự tham gia của các tổ chức và các quan chức thuộc Tổng Giáo phận chuyên vận động giải trừ vũ khí hạt nhân, phái đoàn cũng hy vọng sẽ tăng cường mối quan hệ với các Giám mục Nhật Bản.
“Trong chuyến Hành hương vì Hòa bình đến Nhật Bản này, tôi hy vọng sẽ khuyến khích đối thoại về giải trừ vũ khí hạt nhân phổ quát, có thể kiểm chứng và cùng nhau hướng tới một tương lai hòa bình mới, một miền đất hứa hòa bình mới, một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động mới, nơi tất cả chúng ta có thể học cách sống trong hòa bình như anh chị em trên hành tinh xinh đẹp này, ngôi nhà chung của chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Wester nói trong một tuyên bố.
Đức Tổng Giám mục Etienne, trong một tuyên bố của riêng mình, cho biết thêm rằng để xây dựng một cộng đồng nơi nhân loại có thể phát triển, điều quan trọng là phải “tiếp tục giáo dục bản thân, cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi giải trừ hạt nhân có thể kiểm chứng, vốn phản ánh Giáo huấn Công giáo và là đường hướng vì công ích”.
Phái đoàn sẽ khởi hành chuyến hành hương vào ngày 31 tháng 7, với hành trình bao gồm các điểm dừng tại Tokyo, Akita, Kyoto, Hiroshima và Nagasaki. Họ sẽ trở lại Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 8. Chuyến đi được tài trợ bởi các khoản trợ cấp và đóng góp cá nhân; theo các nhà tổ chức, không có quỹ nào của Giáo phận được sử dụng cho chuyến đi này.
Chuyến đi diễn ra sau một bức thư ngỏ vào hồi tháng 5 của Đức Tổng Giám mục Wester, Đức Tổng Giám mục Etienne, Đức Tổng Giám mục Peter Michiaki Nakamura Địa phận Nagasaki và Đức Giám mục Alexis Mitsuru Shirahama Địa phận Nagasaki, trong đó họ kêu gọi các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 thực hiện các bước cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân.
Bức thư được đưa ra khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Nhật Bản từ ngày 19-21 tháng 5. Trong cuộc họp đó, các nhà lãnh đạo từ các quốc gia G7 cam kết hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi Nga, Iran, Trung Quốc và Triều Tiên ngừng leo thang hạt nhân. Ngoài tuyên bố chung ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, các nhà lãnh đạo G7 không có bước cụ thể nào hướng tới mục tiêu đó.
Tính đến năm 2022, Nga và Hoa Kỳ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. Theo số liệu do Liên đoàn các nhà khoa học Hoa Kỳ công bố vào hồi tháng 3, Nga và Mỹ có lần lượt 5.899 và 5.244 đầu đạn hạt nhân. Đứng thứ ba trong danh sách là Trung Quốc với 410 đầu đạn hạt nhân, tiếp theo là Pháp (290), Vương quốc Anh (225), Pakistan (170) và Ấn Độ (164). Dữ liệu cho thấy không có quốc gia nào khác có kho vũ khí chứa hơn 90 đầu đạn hạt nhân.
Cả Tổng Giáo phận Santa Fe lẫn Seattle, do Đức Tổng Giám mục Wester và Đức Tổng Giám mục Etienne lãnh đạo, đều có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Tổng Giáo phận Santa Fe là Giáo phận của Hoa Kỳ chi tiêu nhiều nhất cho vũ khí hạt nhân trên đầu người, và có hai phòng thí nghiệm vũ khí và kho vũ khí hạt nhân lớn nhất quốc gia. Tổng Giáo phận Seattle là Giáo phận của Hoa Kỳ đã triển khai nhiều vũ khí chiến lược nhất.
Trong khi đó, hai trong số các Giáo phận mà phái đoàn sẽ viếng thăm trong chuyến hành hương này, Giáo phận Hiroshima và Nagasaki, là hai Giáo phận duy nhất trên thế giới đã hứng chịu các vụ tấn công nguyên tử khi Hoa Kỳ ném bom cả hai thành phố trong Thế chiến II.
Trong khuôn khổ chuyến hành hương đến Nhật Bản, phái đoàn sẽ thực hiện Tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho hòa bình từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 8, kỷ niệm ngày thả quả bom nguyên tử xuống Nagasaki vào năm 1945.
Đức Tổng Giám mục Wester đã đặc biệt phát biểu thẳng thắn về nhu cầu giải trừ vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi cả chuyến đi vào năm 2017 mà ngài đã thực hiện đến Nhật Bản lẫn thực tế về sự liên lụy của Giáo phận của ngài với kho vũ khí hạt nhân của quốc gia. Trong tuyên bố của mình về chuyến hành hương sắp tới, Đức Tổng Giám mục Wester nói rằng ngài hy vọng rằng một ngày nào đó các mối đe dọa hạt nhân sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
“Tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ ngừng chế tạo những loại vũ khí này, giải giáp quốc gia và thế giới của chúng ta, đồng thời bắt tay vào một tương lai mới mà không còn sợ hãi và kinh hoàng trước mối đe dọa hạt nhân”, Đức Tổng Giám mục Wester nói.
Minh Tuệ (theo Crux)