
Một người mẹ nhập cư đến từ Venezuela ôm lấy đứa con của mình khi họ đang chờ được Đội tuần tra biên giới chuyên chở sau khi băng qua Rio Grande vào Del Rio, Texas, ngày 27 tháng 5 năm 2021 (Ảnn: Go Nakamura / Reuters qua CNS)
Với hơn 5,5 triệu người chạy trốn khỏi Venezuela trong những năm gần đây vì thiếu cơ hội, các Tu sĩ Salêdiêng tại quốc gia Nam Mỹ đang cảnh báo rằng người dân không nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.
“Chúng tôi không nhìn thấy các phản ứng hiệu quả chống lại coronavirus, mặc dù tình hình đã rất phức tạp trước đây”, các Tu sĩ Salêdiêng cảnh báo. “Hơn nữa, người dân đang đánh mất dần hy vọng. Họ không nhìn thấy ánh sáng phái cuối đường hầm”.
Ước tính có khoảng 87% dân số 28,5 triệu người hiện đang sống trong cảnh nghèo đói và các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thuốc men đều khan hiếm.
“Người dân đang phải đương đầu với nhiều thứ. Nếu họ cảm thấy không ổn, họ phải bám víu vào thứ gì đó và tiếp tục, vì nhiều người không được chăm sóc y tế”, các nhà truyền giáo Dòng Salêdiêng làm việc tại Caracas cảnh báo khi nói về việc Venezuela không có khả năng đối phó với đại dịch COVID-19 hoặc được điều trị khi các triệu chứng phát sinh.
“Mức lương được trả thật hết sức vô lý”, các Tu sĩ Salêdiêng cho biết thêm, đồng thời lưu ý rằng một người về hưu nhận được chưa đến một đô la một tháng tiền lương hưu.
“Những người nghèo nhất không có khả năng mua thực phẩm và không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, các Tu sĩ Salêdiêng cho biết thêm.
Các nhà truyền giáo Dòng Salêdiêng ở Venezuela đã làm việc trong nhiều năm cùng với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, tập trung nỗ lực của họ trong việc cung cấp giáo dục và đào tạo cho trẻ em và thanh niên, đồng thời hợp tác với Hội đồng Giám mục sở tại trong nỗ lực đối thoại và hòa giải dân tộc.
“Ở Venezuela, chúng ta cần đối thoại, chúng ta cần tìm ra một biểu hiện của ý chí quần chúng”, các Tu sĩ Salêdiêng viết trong một tuyên bố phát hành tuần này trên tờ Religion Digital bằng tiếng Tây Ban Nha. “Những người đưa ra quyết định sau cùng phải là người dân, phải là công dân… Cần phải được đảm bảo sự an toàn để đưa ra sự lựa chọn, để lên tiếng”.
Lời cảnh báo từ các Tu sĩ Salêdiêng được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập được tổ chức ở Mexico để cố gắng đạt được một thỏa thuận cho phép đất nước bỏ lại các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội phía sau.
Người dân Venezuela dự kiến sẽ bầu cử các thống đốc và thị trưởng vào tháng 11, nhưng các lực lượng đối lập cho biết rằng các điều kiện bầu cử hoàn toàn không công bằng và vẫn chưa quyết định liệu họ có tham gia hay không. Trong các cuộc đối thoại được tổ chức ở Mexico, yêu cầu lớn nhất từ phe đối lập là Tổng thống Maduro phải đảm bảo sự tham gia của họ vào một quá trình bầu cử “tự do và minh bạch”. Mặt khác, chính phủ chủ yếu tập trung vào việc kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế.
Liên minh đối lập do Tổng thống tự xưng Juan Guaidó đứng đầu cho biết trong các cuộc đàm phán, họ nhằm mục đích thúc đẩy nhập khẩu vắc-xin COVID-19 và “Thỏa thuận cứu quốc” vốn sẽ bao gồm các cuộc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Maduro và các đồng minh địa phương, các tổ chức đối lập và cộng đồng quốc tế.
Ông Guaidó được Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia châu Âu công nhận là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, trong khi ông Maduro được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Iran và Cuba.
Theo Đại học Johns Hopkins, chưa đến 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19.
Các Tu sĩ Salêdiêng cũng viết rằng họ cần phải tìm ra “một cách thức để viện trợ mà chúng tôi nhận được sẽ đến được những nơi cần thiết”.
“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự liên đới, thậm chí ngay cả từ bên ngoài đất nước của chúng tôi. Có rất nhiều người muốn giúp đỡ… nhưng sẽ vô ích nếu nó vẫn còn trên đường đi”, các Tu sĩ Salêdiêng cảnh báo.
Không kể đến lời kêu gọi đối thoại giữa những người dân Venezuela, các Tu sĩ Salêdiêng không đề cập đến bất kỳ cuộc đàm phán nào của chính phủ với phe đối lập.
Vào cuối tháng 6, Đức Hồng y Baltazar Porras, Giám quản Tông Tòa Caracas và là Tổng giám mục Địa phận Mérida, đã bày tỏ sự sẵn sàng của Giáo hội trong việc tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Maduro và Guaidó: “Ở đây và ở Vatican đều biết về tiến trình đàm phán. Như mọi khi, vai trò của chúng tôi không phải là người hòa giải mà là người hỗ trợ”.
Đức Hồng y Porras cho biết rằng các cuộc đàm phán không nên tập trung vào các vấn đề của đất nước, vốn đã được biết đến, mà vào việc khuyến khích ý chí chính trị nhằm xác định “những điều chúng ta muốn nhắm tới và nơi chúng ta muốn đến”.
“Không thể chỉ đơn giản là với các biện pháp nửa vời vốn không giải quyết được vấn đề”, thay vào đó, “cần phải có một loạt quyền tự do cơ bản để các biện pháp trừng phạt cũng có thể được thương lượng và có thể tiếp cận rất nhiều thứ mà chúng ta cần”, Đức Hồng y Porras nói.
Tổng thống Maduro đã nhiều lần thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy đối thoại ở Venezuela, đề nghị Vatican đóng vai trò trung gian hoặc quan sát viên công bằng. Ví dụ, một lá thư như vậy đã được gửi đi sau khi Tổng thống tự xưng Guaidó được công nhận rộng rãi là quyền Tổng thống của Venezuela vào năm 2019, sau khi các cuộc bầu cử quốc gia bị cả người dân địa phương và cộng đồng quốc tế coi là gian lận.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, sau khi cánh tay phải của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y Pietro Parolin, người Ý, đã gửi một lá thư tới một cuộc họp của liên đoàn các phòng thương mại địa phương, trong đó cho biết rằng các cuộc đàm phán ở Venezuela “đòi hỏi ý chí chính trị từ phía những người có liên quan”, Tổng thống Maduro đã trả lời bằng cách gán mác bức thư của Đức Hồng y Pietro Parolin là “bản tóm tắt của sự căm thù”.
Minh Tuệ (theo Crux)