Người dân Rohingya ở phía bắc bang Rakhine của Myanmar được mô tả như là một nhóm dân thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới. Họ tự coi mình là hậu duệ của các thương nhân Ả Rập định cư ở khu vực này từ nhiều thế hệ trước. Các học giả đã tuyên bố rằng họ đã có mặt tại khu vực này kể từ thế kỷ 15. Tuy nhiên, họ đã bị từ chối quyền công dân từ chính phủ, Myanmar mô tả họ như những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Kể từ đó, người Rohingya đã thường xuyên trở thành các mục tiêu của việc đàn áp bởi chính phủ.
Những người đã chạy trốn khỏi Myanmar để thoát cuộc đàn áp đã báo cáo rằng phụ nữ bị hiếp dâm, nam giới bị giết chết, nhà nhà bị đốt phá, và trẻ em bị ném vào các ngôi nhà đang bốc cháy.Thuyền bè chở người tị nạn Rohingya trên sông thường bị bắn hạ bởi quân đội Myanmar.
Khoảng 200.000 gia đình tị nạn Rohingya sống ở Cox’s Bazar và trong khu vực Bandarban. Người ta ước tính có ít nhất 700 nghìn người tị nạn ở biên giới Bangladesh. Những người dễ bị tổn thương nhất là trẻ em, các em thường bị buộc phải ăn xin vì sự sống còn.
Đứng trước tình cảnh đau thương này, Caritas Bangladesh đã tham gia vào việc trợ giúp những người tị nạn. Hơn một trăm chỗ được gọi là “không gian thân thiện của trẻ em”, sáu trong số này được Caritas quản lý. Trong các trung tâm này, các giáo viên truyền đạt kiến thức cho các em bằng tiếng Anh và tiếng Myanmar. Và với hoàn cảnh phức tạp trong các trại tị nạn, các giáo viên không những truyền đạt cho các em về kiến thức cơ bản mà còn dạy các khái niệm về đạo đức để ước mong “có thể cứu các em thoát khỏi tội phạm”.
Người ta được chứng kiến những câu chuyện cảm động như được phục sinh sau khi được các trung tâm này đón tiếp. Ví dụ, năm ngoái (2017) khi Yousuf Ali mới tám tuổi, em đã đến trại tị nạn dành cho người Hồi giáo Rohingya ở Cox’s Bazar, Bangladesh. Em bị suy dinh dưỡng và luôn sống trong tình trạng lo sợ, tâm lý hoảng loạn vì em đã tận mắt chứng kiến cái chết của người cha; ông bị quân đội Myanmar giết chết. Và để sống sót người mẹ góa đã đưa em đi bỏ trốn. Nhưng bây giờ đối với em, và đối với nhiều trẻ em khác đang sống trong hoàn cảnh giống em, một hy vọng mới đã mở ra. Nó được gọi là “Không gian thân thiện cho trẻ em”, một trung tâm dành cho trẻ em do Trung tâm Phát triển cộng đồng địa phương điều hành.
Trung tâm dành cho các em không phải là trung tâm duy nhất thuộc loại này. Caritas Bangladesh cũng đã tạo dựng sáu “không gian thân thiện cho các em” và có kế hoạch mở thêm năm chỗ khác trong những tháng tới. Nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã tạo ra ít nhất một trăm cơ sở này trong quận. Ở đây, các nhà quản lý cố gắng giảm bớt sự đau khổ cho các em, vì họ nhận thấy rằng mặc dù tuổi còn nhỏ các em đã phải chứng kiến những cái chết đau thương và sự hủy diệt.
Các trung tâm này thực sự là một sự cứu rỗi cho các em. Mohammod Hasan, một trợ giảng nói rằng :”Các em tham gia các buổi học với sự nhiệt tình. Đối tượng các em được học là bảng chữ cái, thơ, đạo đức và toán học, bằng cả hai ngôn ngữ Anh và Myanmar”. Trong số các học sinh có Yousuf, cùng với 150 trẻ vị thành niên khác. Em nói: “Chúng em có một nền giáo dục tốt. Chúng em cũng có thể chơi, em có nhiều bạn và chúng em cũng có thức ăn”. Sikander Hossian, một người bạn cùng lớp, nói thêm: “Chúng em có thể học hỏi, hát và cầu nguyện cùng nhau. Họ cho chúng em thức ăn. Vì điều này, chúng em cảm ơn Bangladesh và các nhà tài trợ”
Amroze Gomes, quản lý các dự án “Không gian thân thiện cho trẻ em” cho Caritas Bangladesh báo cáo rằng kể từ khi người tị nạn là một ưu tiên hàng đầu cần phải được trợ giúp, hiệp hội Công giáo đã dành sự chăm sóc đặc biệt cho trẻ em. Ông nói: “Các trẻ vị thành niên Rohingya là đối tượng ưu tiên của chúng tôi. Các em bị bách hại tại quê hương của các em. Phần lớn bị thiếu dinh dưỡng, bị tổn thương và bị bệnh. Các em đã phải đấu tranh trong trại, nhưng từng chút một các em đang vượt qua mọi thử thách. Chúng tôi không chỉ cung cấp giáo dục, chúng tôi còn đối phó với việc giải quyết chấn thương tâm lý”. Các nhà điều hành nói rằng trong trại, tội phạm nhỏ là phổ biến ngay cả trong số trẻ em, bởi vì tổ chức phi chính phủ không được phép làm việc sau 4 giờ chiều”. Amroze Gomes kết luận: “Trong những điều kiện này, chúng tôi cố gắng chú trọng giáo dục về mặt đạo đức để cứu các em thoát khỏi tệ nạn tội phạm, với mong ước các em sẽ có một tương lai tươi sáng hơn”.(Asian News 08/6/2018)
Ngọc Yến Radio Vatican