Tuyên bố chung nhấn mạnh đến các yêu cầu luân lý và đạo đức đối với việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân
Ngày 28 tháng 3, các nhóm tôn giáo đã thúc đẩy các chính phủ trong việc đưa ra các quyết định hướng đến thiết lập một khuôn khổ để loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, trong một tuyên bố chung trong ngày thứ hai diễn ra cuộc hội đàm lịch sử của Liên Hợp Quốc, để bắt đầu đàm phán về chế tài pháp lý ngăn cấm các loại vũ khí hạt nhân.
Tiến sĩ Jasmin Nario-Galace thuộc tổ chức bảo vệ hòa bình Pax Christi Philipin, đã đọc một tuyên bố chung của nhóm các Cộng đồng Tín ngưỡng Quan ngại về Vũ khí Hạt nhân (Faith Communities Concerned about Nuclear Weapons) trước khi các đại diện của hơn 120 chính phủ tham gia đàm phán ở Trụ sở Liên Hợp Quốc đang tiếp tục diễn ra đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2017. Sau cùng, bà kết luận, “Với vai trò là các cộng đồng tín ngưỡng đấu tranh cho một thế giới không còn vũ khí hạt nhân, chúng tôi muốn nói lên rằng tất cả mọi người đều khao khát hòa bình và được sống trong một thế giới không sợ hãi.”
Những người ký tên bao gồm hơn hai mươi cá nhân đại diện cho các nhóm tín ngưỡng đa dạng từ tổ chức Pax Christi, Hội đồng các Hội thánh thế giới (World Council of Churches) cho đến các tổ chức Hồi giáo, Hiệp hội Phật giáo Soka Gakkai (SGI), Quakers ở Anh và tổ chức các Tôn giáo vì Hòa bình.
Các nhóm này nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân đã ngang nhiên gạt bỏ hết thảy những giá trị đạo đức chung của các đức tin tôn giáo. Họ lên án thuyết loại trừ và những thảm họa nhân đạo tàn khốc từ việc sử dụng bất kì vũ khí hạt nhân nào, và khẳng định rằng: “Chúng tôi phản đối sự phi luân của việc xem dân chúng như những con tin, và đặt họ vào nguy cơ đối mặt với cái chết tàn nhẫn và đau đớn. Chúng tôi hoan nghênh các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới đã thể hiện sự can đảm khi tồ chức những cuộc đàm phán như thế này.”
Bản tuyên bố cũng thúc đẩy các quốc gia không tham dự cuộc hội đàm lần này đánh giá lại vị thế của họ và cam kết tham gia vào kì họp vào tháng 6 đến tháng 7 với tinh thần thiện chí. Có thể đọc tuyên bố và danh sách những người ủng hộ ở đây.
Ông Kazuo Ishiwatari, Tổng Giám đốc của SGI về Hòa bình và các vấn đề Toàn cầu, đã nhận định, “để thành công, một hiệp ước về ngăn cấm vũ khí hạt nhân phải lưu ý, phản ánh và thể hiện được tiếng nói của gia đình nhân loại. SGI sẽ kêu gọi sự đóng góp lớn hơn nữa từ các nguồn sức mạnh lương tâm của những cá nhân và tập thể nhằm hỗ trợ, củng cố và làm phong phú thêm tiến trình đàm phán”.
Ông Mustafa Cerić, Đại giáo trưởng Hồi giáo ở Bosnia kiêm Chủ tịch đại hội Bosniak thế giới đã kí vào bản tuyên bố và nói thêm “Nếu một người có thể tín thác vào Thượng đế thì người đó cũng có khả năng đặt niềm tin nơi người khác. Bởi vậy, chúng ta không cần vũ khí hạt nhân khi chúng ta tín thác nơi Thượng đế. Hay nói cách khác là chúng ta tin tưởng nơi nhau”.
Tuyên bố của hội đồng liên tôn dựa trên những tuyên bố được đưa ra trước đó bởi cùng các cá nhân và tổ chức trên trong các cuộc đàm phán quan trọng, liên quan đến các thảm họa nhân đạo gây ra bởi vũ khí hạt nhân, được tổ chức ở Washington DC (tháng 4 năm 2014), ở Vienna (tháng 12 năm 2014), ở New York (tháng 5 năm 2015) và Geneva (tháng 5 năm 2016).
Văn bản tuyên bố cho rằng mục tiêu của việc đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân cần được hiểu là một phần của nỗ lực lớn hơn để làm phi quân sự hóa các mối quan hệ quốc tế và phát triển các khái niệm bất bạo động của nhà nước. Văn bản này cũng dẫn lời ông Daisaku Ikeda, Chủ tịch tổ chức SGI, nhấn mạnh rằng: “Sự phi nhân của vũ khí hạt nhân không chỉ nằm trong sức mạnh hủy diệt của nó, nhưng còn ở trong nguy cơ xóa bỏ ngay lập tức và làm cho các nổ lực của nhiều thế hệ con người trở nên vô nghĩa. Đó là sự bác bỏ và khước từ nhân tính của chúng ta”.
Soka Gakkai Inernational (SGI) là một tổ chức Phật giáo quốc tế kết nối hơn 12 triệu thành viên trên khắp thế giới. Tổ chức này đã có quá trình nổ lực trong việc ủng hộ bãi bỏ vũ khí hạt nhân trong 60 năm qua.
Huỳnh Phi (theo RNS)