Đại diện tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới đã gặp nhau tại Tokyo, Nhật Bản, để tham dự hội nghị bàn tròn về hòa bình do liên minh Các Tôn giáo vì Hòa bình Quốc tế tổ chức, thảo luận về các cách xây dựng lòng tin giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và hợp tác với các nhà lãnh đạo chính trị về các biện pháp ứng phó nhân đạo.

Hội nghị bàn tròn hòa bình Tokyo lần III do liên minh Các Tôn giáo vì Hòa bình Quốc tế tổ chức (Ảnh: Vatican News)
Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 7 năm 2025, các đại diện tôn giáo từ nhiều quốc gia đã tham dự hội nghị bàn tròn về hòa bình tại Tokyo, do liên minh Các Tôn giáo vì Hòa bình Quốc tế tổ chức.
Tham dự sự kiện có đông đảo lãnh đạo các hệ phái Kitô giáo, cùng với đại diện của Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Khổng giáo, Thần đạo, đạo Sikh, Đạo giáo và các tôn giáo truyền thống.
Nhiều vị đại diện đến từ các quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột. Tất cả các tham dự viên đều cùng nhau cất tiếng nói chung để lên án chiến tranh và nỗ lực xây dựng một xã hội hòa bình.
Một số chủ đề chính được thảo luận bao gồm: xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm hỗ trợ các nỗ lực hòa giải và xác định những khó khăn trong việc đạt được mục tiêu ấy; thúc đẩy đối thoại liên tôn đích thực dựa trên các nguyên lý nền tảng của từng truyền thống tôn giáo; cổ võ sự cộng tác đa tôn giáo với các nhà lãnh đạo chính trị nhằm xúc tiến các sáng kiến hòa bình ở cấp địa phương, đặc biệt nhấn mạnh việc phòng ngừa xung đột và các phản ứng nhân đạo; đồng thời củng cố các liên minh với các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức liên chính phủ và xã hội dân sự nhằm nâng cao nỗ lực xây dựng hòa bình toàn cầu.
Một diễn đàn quan trọng giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị
“Chúng tôi hy vọng thế giới đang bị chia rẽ bởi chiến tranh này có thể được chữa lành và trở về với thời kỳ của sự yên bình, hòa hợp và khoan dung. Chúng ta phải tin tưởng và hy vọng – nhất là trong Năm Thánh này”, ông Luigi De Salvia, Chủ tịch của tổ chức Các Tôn giáo vì Hòa bình tại Ý, phát biểu với Vatican News.
“Lòng tin và hy vọng luôn cần hiện diện. Giống như một bệnh nhân được điều trị – nếu người đó không tin vào hiệu quả của việc điều trị, thì mọi nỗ lực cũng trở nên vô ích. Tôi hy vọng một lối tiếp cận mới và một cách tư duy mới có thể nảy sinh từ hội nghị bàn tròn tại Tokyo. Tôi mong đợi một sự tái khẳng định về cam kết liên tục của tất cả chúng ta”.
Mục tiêu của sự kiện này là tạo ra một không gian cho đối thoại liên tôn và cộng tác đa tôn giáo với các nhà lãnh đạo chính trị, nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu ở mọi giai đoạn của xung đột – từ triển khai các biện pháp hòa bình cho đến các tiến trình hòa giải lâu dài.
Hoạt động của Các Tôn giáo vì Hòa bình
Được thành lập vào năm 1970 tại Kyoto, Các Tôn giáo vì Hòa bình cam kết cổ võ sự hợp tác đa tôn giáo vì hòa bình, dựa trên nguyên tắc tôn trọng sâu xa đối với sự khác biệt tôn giáo. Tổ chức này là một mạng lưới quốc tế quy tụ các cộng đồng tại hơn 90 quốc gia, hiện đang dấn thân vào các hoạt động giải quyết xung đột, hỗ trợ nhân đạo và các sáng kiến xây dựng hòa bình khác.
Các hoạt động ấy được thực hiện thông qua đối thoại và hợp tác liên tôn ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia trên tất cả các châu lục. Các Tôn giáo vì Hòa bình đặc biệt hoạt động tích cực tại những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Tại hội nghị bàn tròn lần này, đặc biệt có sự quan tâm dành cho Ukraine, Dải Gaza và Myanmar. “Myanmar là một quốc gia được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô cũng như Đức Thánh Cha Lêô XIV nhiều lần nhắc đến”, ông De Salvia nhấn mạnh.
Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon và điều phối viên của Các Tôn giáo vì Hòa bình tại Myanmar, cũng tham dự bàn tròn. “Một hội nghị đặc biệt sẽ được tổ chức trong tương lai để nâng cao nhận thức của công chúng về những sự việc đang diễn ra tại Myanmar”, ông De Salvia kết luận.
Thiên Ân (theo Vatican News)