Đại biểu cấp cao của PIME tại Thái Lan nói về chuyến Tông du sắp tới của ĐTC Phanxicô. Gần 70.000 người dự kiến sẽ tham dự Thánh lễ do ĐTC Phanxicô chủ sự tại sân vận động quốc gia Supachalasai ở Bangkok. Đối với Cha Arioldi, sự hiện diện của ĐTC Phanxicô sẽ dẫn đến những sự thay đổi lớn trong cộng đồng Công giáo. Đối với ngài, “Nếu chỉ có đức tin sùng kính không thôi thì sẽ không thể chống lại tác động của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tiêu dùng và toàn cầu hóa”.
Bangkok (AsiaNews) – Trong chuyến Tông du sắp tới của ĐTC Phanxicô (từ ngày 20-23 tháng 11), người Công giáo Thái Lan “sẽ có cơ hội trở thành Giáo hội sống đức tin mà họ đã được nhận và đồng thời tái khẳng định đức tin ấy khi cùng nhau quy tụ quanh Đức Giáo hoàng”, Linh mục Maurizio Arioldi, đại diện cấp cao của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (PIME) tại Thái Lan và Myanmar, phát biểu với AsiaNews.
Vị Giáo sĩ là Linh mục chính xứ Giáo xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh và Chân phước Chiara Luce Badano ở Ngao, thuộc tỉnh Lampang ở miền bắc (thuộc Giáo phận Chiang Rai). Công việc truyền giáo nơi đây phục vụ khoảng 15 ngôi làng của các bộ lạc (8 ngôi làng người Akha, 2 ngôi làng người Yao, 4 ngôi làng người Karen và 1 ngôi làng người Thái) với gần 3.500 người, bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Khẩu hiệu của chuyến Tông du: “Các môn đệ của Chúa Kitô, các môn đệ truyền giáo”, chuyến viếng thăm được chờ đợi từ lâu của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra vào dịp Giáo hội Thái Lan kỷ niệm 350 năm Hạt Đại diện Tông Tòa Xiêm, được thành lập vào năm 1669.
ĐTC Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm đất nước này sau chuyến Tong du của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1984. Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô dự kiến sẽ rất bận rộn, đỉnh điểm là Thánh lễ trọng thể được cử hành vào ngày 21 tháng 11 tại Sân vận động Quốc gia Supachalasai ở Bangkok trước 70.000 người tham theo như dự kiến.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 28 tháng 10, Hội đồng Giám mục Công giáo Thái Lan (CBCT) tuyên bố rằng “một số lượng lớn, kể cả người Thái Lan và người nước ngoài, đã đăng ký tham dự Thánh lễ”. Với khả năng hạn chế của sân vận động này, chỉ tiêu được áp dụng đối với mỗi Giáo xứ là giới hạn số lượng thành viên có thể tham dự.
“Khoảng 40 thành viên sẽ được lựa chọn tham dự đến từ cộng đồng nhỏ bé ở Ngao”, Cha Arioldi cho biết. “Khi lựa chọn các tham dự viên, Giáo phận Chiang Rai đã quyết định ưu tiên cho ‘các nhà lãnh đạo cầu nguyện’ và các anh chị em Giáo lý viên, tức là những người cổ võ và loan báo Tin Mừng mỗi ngày trong các cộng đồng của họ, bất chấp những khó khăn và gian khổ”.
Ngoài hai nhóm này, ở Ngao, chúng tôi quyết định mời các thành viên có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như một bà mẹ góa phụ có đứa con trai sống phụ thuộc vào amphetamine, và một thanh niên mà mẹ của anh vừa mới qua đời vì bệnh ung thư. Chúng tôi mong muốn bày tỏ sự hỗ trợ đối với những người này, đồng thời cung cấp cho họ một cơ hội mà họ có thể không bao giờ có được. Chúng tôi tin rằng sẽ tốt tốt đẹp biết bao họ khi tham dự Thánh lễ, chú ý và lắng nghe ĐTC Phanxicô, đức tin của Giáo hội”.
Người Công giáo đặt kỳ vọng rất cao đối với chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô. “Hiện tại, thật khó để dự đoán việc chuyến viếng thăm này sẽ thay đổi Giáo hội Thái Lan như thế nào”, vị Linh mục nói. “Tôi hy vọng và tin rằng nó sẽ tạo ra một động lực thúc đẩy cho việc trở nên nhân chứng cho Tin Mừng. Sự hiện diện của ĐTC Phanxicô sẽ làm thay đổi nhiều tình huống”.
“Giáo hội Thái Lan mang tính độc lập cao, theo chủ nghĩa dân tộc và đôi khi quá tự cao. Nó sẽ phụ thuộc vào chúng ta và Hội đồng Giám mục cũng như vào việc các thông điệp của Đức Thánh Cha sẽ được đón nhận như thế nào và cách thức chúng ta đưa vào trong những lựa chọn hàng ngày của mình. Tôi cho rằng ĐTC Phanxicô sẽ thúc giục chúng ta rời khỏi vùng an toàn của mình”.
“Là một cộng đồng thiểu số nhỏ bé (0,46%), có thể hiểu rằng có một xu hướng để ‘cảm nhận tốt về nhau’ trong cộng đồng Công giáo Thái Lan”, Tuy nhiên, nhiều người tin rằng chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô có thể thu hẹp khoảng cách giữa hai linh hồn của cộng đồng Công giáo Thái Lan: Giáo hội ‘Tân Tòng’ ở phía Bắc, dẫn đầu bởi việc trở lại đạo Công giáo của các cộng đồng bộ lạc, và Giáo hội tại Bangkok và các thành phố lớn, nơi mà Giáo hội Công giáo mang tính “thể chế” hơn và hội nhập sâu sắc vào bối cảnh Thái Lan.
Trước sự việc này, “Tôi hy vọng rằng sự xuất hiện của Đức Thánh cha Phanxicô sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hai cộng đồng này. Chúng tôi,PIME, cũng đã trải nghiệm tình huống này. ĐHY Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám mục Địa phận Bangkok, đã nhấn mạnh sự cần thiết của tinh thần truyền giáo trong môi trường đô thị, đồng thời cũng lưu ý rằng các trường học không thể là nơi duy nhất để thực hiện công việc truyền giáo. Đức TGM Kovithavanij mong muốn sẽ có thêm ‘những điểm truyền giáo mới’ trong thành phố, nơi mà công việc loan báo Tin Mừng được thực hiện với mục đích bác ái từ thiện và ủng hộ những người bị gạt ra bên lề xã hội, chứ không chỉ trong môi trường giáo dục”.
Do đó, Đức Hồng y TGM Kovithavanij đã thành lập ba Giáo xứ truyền giáo “thử nghiệm”, một Giáo xứ được ủy thác cho PIME (dưới sự coi sóc của Cha Adriano Pelosin), một cho các Tu sĩ Dòng Các Thầy Xaverian và một cho Hội Thừa Sai Paris (MEP).
Đồng thời, “Giáo hội miền Bắc cũng không được ăn không ngồi rồi. Mặc dù Giáo hội nơi đây mang tính chất truyền giáo trong định hướng, thế nhưng nó phải đi xa hơn. Người dân bộ lạc rất dễ bị ảnh hưởng với sự chăm chú và phản ứng tích cực với Tin Mừng được loan báo, thế nhưng, cần phải tránh nguy cơ chỉ dừng lại ở việc Bí tích hoá đức tin”.
Trên thực tế, “Có rất nhiều những mối nguy hiểm đối với cả hai Giáo hội, kể cả chúng ta ở miền Bắc. Nếu chỉ có đức tin sùng kính không thôi thì sẽ không thể chống lại tác động của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tiêu dùng và toàn cầu hóa”.
Minh Tuệ (theo Asia News)