Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã gửi một sứ điệp tới các Phật tử trên toàn thế giới nhân dịp Đại lễ Vesakh, kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Phật đản sinh, Phật giác ngộ và Phật Niết bàn.
Sứ điệp năm nay được lấy cảm hứng từ Thông điệp “Laudato si” của Đức Thánh Cha Phanxicô.
“Khi cuộc khủng hoảng của sự thay đổi khí hậu đang trở nên ngày càng trầm trọng do các hoạt động của con người. Chúng ta, các Kitô hữu và Phật tử, phải cùng cộng tác với nhau để đối diện với cuộc khủng hoảng này bằng ý thức về sinh thái học tâm linh”, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng viết.
“Sự gia tăng các vấn đề về môi trường toàn cầu đã tạo nên một sự cấp thiết phải hợp tác liên tôn”.
Đức Hồng Y Tauran kết luận bằng cách kêu gọi người Công giáo và các Phật tử “hãy hợp tác với nhau để giải phóng nhân loại khỏi sự đau khổ do việc biến đổi khí hậu gây ra, và đóng góp vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.
Dưới đây là tờn văn sứ điệp:
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG
VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Các Phật tử và các Kitô hữu:
Cùng nhau cổ vũ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường
SỨ ĐIỆP NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAKH 2016
Anh chị em Phật tử thân mến,
1. Thay mặt Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, chúng tôi xin được chân thành gửi đến quý vị lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Đại lễ Vesakh kỷ niệm 3 biến cố quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Phật đản sinh, Phật giác ngộ và Phật Niết bàn.
Chúng tôi cầu chúc quý vị luôn được bình an và nhiều niềm vui trong tâm hồn, nơi mỗi gia đình và nơi quê hương đất nước của quý vị.
2. Năm nay, chúng tôi viết cho quý vị gợi hứng từ Thông Điệp “Laudato Sì” của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Đức Thánh Cha nói rằng “các sa mạc nơi thế giới ngoài kia đang tăng lên, bởi vì các sa mạc nơi tâm hồn mỗi chúng ta đã trở nên quá lớn. Vì lý do này, cuộc khủng hoảng sinh thái cũng là lời kêu gọi mỗi người hãy hoán cải nội tâm một cách sâu sắc “(n. 217). Hơn nữa, Ngài cũng nói rằng “những nỗ lực của chúng ta trong việc giáo dục sẽ là không đầy đủ và thiếu tính hiệu quả, trừ khi chúng ta nỗ lực thúc đẩy lối suy nghĩ mới về con người, cuộc sống, xã hội và mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên” (n. 215). “Chỉ có như thế người ta mới có những hành động cam kết vì môi trường một cách vị tha (n. 211). Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất rằng “giáo dục mọi người về ý thức bảo vệ sinh thái có thể thực hiện nơi trường học, trong các gia đình, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong các bài giảng giáo lý và bất cứ nơi đâu” (n. 213).
3. Các anh chị em Phật tử thân mến, quý vị cũng đã bày tỏ quan ngại về sự xuống cấp của môi trường bằng tài liệu với nhan đề ‘Hiện đã đến lúc phải hành động’: đây là một bản Tuyên bố của các anh chị em Phật giáo quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu đã được gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới. Những dấu hiệu này là tâm điểm của cuộc khủng hoảng sinh thái, trong thực tế, một cái tôi khủng hoảng, được thể hiện bởi sự tham lam của con người, lòng ham muốn, sự ngạo mạn và thiếu hiểu biết. Do đó, chúng ta phải thay đổi lối sống cũng như những dự định để khắc phục sự suy thoái của môi trường xung quanh chúng ta. “Trau dồi sự hiểu biết sâu sắc về tương tức và lòng từ bi, chúng ta sẽ có thể hành động vì tình yêu, mà không sợ hãi, để bảo vệ hành tinh của chúng ta” (Bản Tuyên bố của các anh chị em Phật giáo quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu đã được gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới). Nếu không, “Khi Trái Đất bị tàn phá, chúng ta cũng sẽ bị đe dọa về sức khỏe, bởi vì chúng ta đang chung sống trong hành tinh ấy” (‘Hiện đã đến lúc phải hành động’).
4. Khi cuộc khủng hoảng của sự thay đổi khí hậu đang trở nên ngày càng trầm trọng bởi các hoạt động của con người, chúng ta, là những Kitô hữu và Phật tử, phải cùng cộng tác với nhau để đối diện với cuộc khủng hoảng này bằng những ý thức của sinh thái học tâm linh. Sự gia tăng các vấn đề về môi trường toàn cầu đã tạo nên một sự cấp thiết của việc hợp tác liên tôn. Việc giáo dục ý thức trách nhiệm đối với môi trường và tạo ra những “công dân yêu chuộng môi trường” đòi hỏi phải làm sao cho người ta ý thức được việc tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên. Có một nhu cầu cấp bách đối với các tín hữu thuộc tất cả các tôn giáo khác nhau đó là phải vượt qua mọi rào cản để cùng chung tay xây dựng một trật tự xã hội mới biết ý thức trách nhiệm về môi trường sinh thái mà mình đang hưởng dùng. Ở những quốc gia mà các Phật tử và các Kitô hữu cùng chung sống và làm việc bên cạnh nhau, chúng ta có thể hành động để bảo vệ sự phát triển bền vững của hành tinh này thông qua các chương trình giáo dục chung nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy các sáng kiến chung.
5. Anh chị em Phật tử thân mến, chúng ta có thể hợp tác với nhau để giải thoát con người khỏi những đau khổ do biến đổi khí hậu gây ra, và góp phần vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Với tinh thần đó, chúng tôi kính chúc quý vị Đại lễ Phật đản bình an và tràn đầy niềm vui.
Hồng Y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư kí
Minh Tuệ dịch