Các tín hữu Công giáo và Chính thống giáo tại Antioch cùng mừng kính Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Năm nay, các tín hữu Công giáo và Chính thống giáo tại Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng nhau cử hành lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại “nhà thờ hang động Thánh Phêrô” – một ngôi nhà thờ hang động cổ xưa trên ngọn núi Silpius đã được mở cửa trở lại cho du khách tham quan vào năm 2015, sau nhiều năm tu bổ và sửa chữa.

Hang động thánh Phê-rô

Hang động thánh Phê-rô

Vào ngày 29/6 tới đây, với sự hiện diện của Đức Giám Mục Phaolô Bizzeti, SJ. – Đại Diện Tông Tòa tại Anatolia – và vị đại diện Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp thành Antioch, các Kitô hữu địa phương sẽ hân hoan mừng kính lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô với những bài thánh ca, những lời nguyện và những bài đọc trích từ Tân Ước. Đức Tổng Giám Mục Paul Fitzpatrick Russell – Sứ thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ hiện diện trong Thánh lễ này.

Ngôi nhà thờ đá vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn cho tới nay kể từ khi Thập tự chinh đánh bại quân Antioch cổ trên sông Orontes năm 1098. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm  Đế chế Byzantine đã coi ngôi nhà nguyện này là nơi đầu tiên mà các Kitô hữu được rửa tội trong thời gian bị bách hại, cũng là nơi mà lần đầu tiên các môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu và nơi Thánh Phêrô trở thành Giám Mục trước khi đến Rome.

Công trình trùng tu gần đây đã chấm dứt tình trạng hang động Thánh Phêrô bị bỏ bê sau nhiều năm. Trong những năm qua, các Thượng Phụ và Giám mục thường xuyên hiện diện nơi đây nhân mỗi dịp Đại Lễ Kính Thánh Phêrô và Phaolô.

“Nhưng thật không may, tình hình chính trị xã hội ở đây đã trở nên đáng lo ngại, và người dân nơi đây trở nên sợ hãi …. nhiều khách hành hương đã không đến đây nữa. Vào năm 2011, con số khách hành hương đến Antakya là hơn 80.000, thế nhưng năm 2015, con số này giảm xuống dưới 10.000… Ở phía đông của quốc gia này, các cuộc tấn công đang trở nên ngày một ác liệt hơn. Trong khu vực của chúng tôi, những tháng gần đây, đã có tới 21 người thiệt mạng, và chỉ riêng Hatay, con số những người tị nạn, chủ yếu là người Syria,  đã lên tới con số 400.000 người. Chúng tôi vẫn phải luôn kêu khấn sự chở che Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và Đức Trinh Nữ Maria” – Cha Domenico Bertogli OFM- Linh mục tại môt Giáo xứ thuộc cộng đồng Công giáo địa phương cho biết.

Minh Tuệ (theo Fildes)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết