Các tín hữu Công giáo Trung Quốc phản ứng trước vụ bắt giữ Đức Hồng y Zen: "Đó là một cách thức khiến người ta sợ hãi"

Đức Hồng y Joseph Zen Ze-kiun, nguyên Gám mục Địa phận Hồng Kông (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Hồng y Joseph Zen Ze-kiun, nguyên Gám mục Địa phận Hồng Kông (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Các tín hữu Công giáo Trung Quốc tại đại lục coi việc bắt giữ Đức Hồng y Joseph Zen ở Hồng Kông trong tuần này là một hành động đe dọa và là một tín hiệu từ các nhà chức trách về tình trạng tồi tệ hơn sắp xảy ra.

“Đó là một cách thức khiến người ta sợ hãi”, Peter, một người Công giáo Trung Quốc, phát biểu với CNA vào ngày 11 tháng 5.

Peter, người đã được thay đổi tên để bảo vệ danh tính của mình, chia sẻ rằng anh coi việc bầu chọn John Lee làm tân Giám đốc điều hành của Hồng Kông vào ngày 8 tháng 5 là lý do chính đằng sau vụ bắt giữ vị Hồng y Công giáo 90 tuổi và những người ủng hộ dân chủ khác.

Peter gợi ý rằng đó là một cử chỉ từ ông Lee “cho thấy rằng ông ấy trung thành với đảng và ông ta sẽ cứng rắn với các lực lượng chống lại đảng”.

“Vì vậy, ông Lee muốn chứng tỏ rằng ông ấy trung thành” với Bắc Kinh và đồng thời,  “ông ấy là một người hành động”, Peter nói, đồng thời lưu ý rằng có một câu tục ngữ Trung Quốc đại loại như “một vị thủ lãnh mới phải thể hiện cơ bắp và sức mạnh của mình”.

Ông Lee, một người Công giáo đã được rửa tội, trước đây từng là giám đốc an ninh của Hồng Kông và “đóng vai trò hàng đầu trong việc đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ”, theo Eurasia Group.

Ông sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình vào ngày 1 tháng 7. Ông Lee kế nhiệm bà Carrie Lam, cũng là một người Công giáo, người giữ chức vụ này từ năm 2017.

“Điều này có thể báo trước rằng trong tương lai Hồng Kông sẽ trở nên ít tự do hơn, bị kiểm soát nhiều hơn”, Peter nói. “Và Giáo hội Công giáo ở Hồng Kông với tư cách là một thể chế có tổ chức sẽ bị theo dõi một cách cẩn trọng và chặt chẽ”.

Những người Công giáo Trung Quốc khác đã bày tỏ cả sự sợ hãi lẫn buồn bã trước việc Đức Hồng y Zen bị bắt giữ.

“Đức Hồng y Zen được biết đến như một tiếng nói của sự thật”, một người Công giáo Trung Quốc khác chia sẻ với CNA với yêu cầu giấu tên.

Nguồn tin cho biết rằng vị Hồng y được coi là người không ngại chia sẻ những sự việc đang xảy ra với cộng đồng Công giáo, đặc biệt là liên quan đến cộng đồng hầm trú trên đất liền, thay vì “lặp lại những gì người khác đã bảo ngài phải nói”, như trường hợp có thể xảy ra với các giáo sĩ khác.

Đức Hồng y Zen sinh ra trong một gia đình Công giáo ở Thượng Hải vào năm 1932 trong những năm Đảng Cộng sản Trung Quốc nổi dậy chống lại chính phủ Quốc dân đảng của Trung Quốc.

Năm 16 tuổi, ngài trốn khỏi Thượng Hải đến Hồng Kông một năm trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1949.

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, nhiều người Công giáo đã bị bắt vì từ chối tuân thủ các chiến dịch của chính phủ nhằm loại bỏ ảnh hưởng của nước ngoài và quốc hữu hóa các trường tư thục. Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1951.

Tu sĩ Zen được truyền chức Linh mục trong Dòng Salêdiêng vào năm 1961 và sau đó phục vụ với tư cách Bề trên Tỉnh Dòng Salêdiêng ở Trung Quốc, giảng dạy triết học và thần học trong các chủng viện ở nước này từ năm 1989 đến năm 1996.

Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá Địa phận Hồng Kông vào năm 1996, một năm trước khi người Anh bàn giao thuộc địa Hồng Kông cho Trung Quốc. Cha Zen trở thành Giám mục Địa phận Hồng Kông vào năm 2002, chức vụ mà ngài nắm giữ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2009.

Với tư cách là nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, Đức Hồng y Zen là người có tiếng nói thẳng thắn khi vừa là người ủng hộ mạnh mẽ đối với nền dân chủ và tự do dân sự ở Hồng Kông, vừa là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận tạm thời của Vatican với chính quyền Trung Quốc được ký vào năm 2018.

Trong một bài đăng trên blog vào năm 2018, vị Hồng y người Trung Quốc đã gọi thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc là một hành động “tự sát” và là một “sự đầu hàng vô liêm sỉ” đối với Bắc Kinh về phía Vatican.

Sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia của họ đối với Hồng Kông vào tháng 6 năm 2020, Đức Hồng y Zen phát biểu với CNA rằng những người Công giáo bị bắt giữ theo quy định của luật mới “chỉ đơn giản là thực hiện Giáo huấn Xã hội của Giáo hội”.

“Vào thời điểm này, dân chủ đồng nghĩa với tự do và nhân quyền, phẩm giá con người”, Đức Hồng y Zen nói.

Đức Hồng y Zen đã được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5, vài giờ sau khi có tin tức về việc ngài đã bị bắt giữ.

Eric Yan-ho Lai, một nhà nghiên cứu Công giáo đến từ Hồng Kông, hiện là nghiên cứu sinh tại Trung tâm Luật Châu Á Georgetown, đã viết trên mạng xã hội rằng vụ bắt giữ Đức Hồng y Zen gợi nhớ đến cuộc đàn áp các giáo sĩ Công giáo sau cuộc Cách mạng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Lai cho biết rằng việc bắt giữ Đức Hồng y Zen “giống với việc bắt giữ Đức Hồng y Ignatius Kung Pin-Mei (Ignatiô Cung Phẩm Mai), người bị Đảng Cộng sản cầm tù vì từ chối đầu hàng nhà nước kiểm soát Giáo hội vào những năm 1950”.

Vào thời điểm đó, Đức Giáo hoàng Piô XII đã nhấn mạnh sự đau khổ của các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc trong Thông điệp “Evangelii Praecones” năm 1951 của ngài.

Đức Piô XII viết: “Chúng ta đã biết rằng nhiều anh chị em tín hữu và cả các Nữ tu, các nhà truyền giáo, các Linh mục bản xứ, và thậm chí cả các Giám mục đã bị trục xuất khỏi nơi cư trú của họ, bị cướp đoạt tài sản và tiều tụy trong cảnh túng thiếu với tư cách là những người sống lưu vông hoặc bị bắt giữ, bị tống vào tù hoặc vào các trại tập trung, hoặc đôi khi bị xử tử một cách tàn nhẫn, bởi vì họ hết lòng trung thành với đức tin của mình”.

“Trái tim của chúng ta tràn ngập đau buồn khi chúng ta nghĩ đến những khó khăn, đau khổ và cái chết của những người con thân yêu của chúng ta”.

Tại Hồng Kông, một người đang cầu nguyện tại nhà thờ vào thời điểm Đức Hồng y Zen bị bắt giữ phát biểu với AFP rằng các tín hữu Công giáo lo sợ rằng tự do tôn giáo có thể bị đàn áp ở Hồng Kông trong tương lai.

AFP dẫn lời nhà truyền giáo người Ý tại Hồng Kông, Franco Mella cho biết rằng: “Việc bắt giữ Đức Hồng y Zen là một cú giáng vào toàn bộ Giáo hội ở Hồng Kông, Trung Quốc cũng như thế giới”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết