Các tín hữu Công giáo tìm kiếm câu trả lời sau nhiều tháng Trung Quốc bắt giữ Đức Giám mục Zhang thuộc Phủ Doãn Tông Tòa Tân Hương

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Thư ký Quan hệ với các Quốc gia của Tòa thánh, gặp Vương Nghị, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, tại Munich, ngày 14 tháng 2 năm 2020./ (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, gặp ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tại Munich, ngày 14 tháng 2 năm 2020 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Đức Giám mục Giuse Trương Duy Trụ (Joseph Zhang Weizhu) vài tháng sau khi các quan chức Trung Quốc bắt giữ ngài cùng với các giáo sĩ và chủng sinh, những người phản đối việc gia nhập tổ chức Công giáo chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Đức Giám mục Zhang, 63 tuổi, là Giám mục Phủ Doãn Tông Tòa Tân Hương thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc từ năm 1991. Ngài được Tòa Thánh công nhận chứ không phải chính phủ Trung Quốc. Theo báo cáo của UCA News, có khoảng 100.000 tín hữu Công giáo trong giáo phận của ngài.

Khoảng 100 cảnh sát đã tham gia vào các chiến dịch từ ngày 20-21 tháng 5 nhằm vào các Giám mục và các giáo sĩ khác, những người từ chối tuân thủ các quy định mới của Trung Quốc cho phép các hoạt động tôn giáo chỉ trong các tổ chức được đăng ký với chính phủ và do chính phủ kiểm soát.

Một cuộc đột kích nhắm vào Chủng viện ở Thương Châu, được tổ chức trong một nhà xưởng nhỏ do một người Công giáo làm chủ. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 10 Linh mục, bao gồm các giáo sư và những người tham gia vào công việc mục vụ, và 10 chủng sinh. Ba sinh viên trốn thoát khỏi cuộc đột kích Chủng viện nhưng sau đó cũng đã bị bắt giữ.

Các chủng sinh được thả về gia đình nhưng bị cấm không được tiếp tục học thần học.

Cả vị Giám chức và các giáo sĩ đều phải trải qua các buổi giáo dục chính trị. Mặc dù các giáo sĩ sau đó cũng đã được trả tự do, những số phận của Đức Giám mục Zhang hiện vẫn chưa rõ ràng.

Theo UCA News, các quy định mới về tôn giáo của Trung Quốc đã có hiệu lực vào tháng 5. Các Giám mục Công giáo phải được sự chấp thuận và được tấn phong bởi Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc được nhà nước ủng hộ. Các giáo sĩ phải ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và phải thường xuyên được tái xác nhận để tiếp tục công việc mục vụ của họ. Các giáo sĩ có thể điều hành các hoạt động tôn giáo, bao gồm cả các Chủng viện, chỉ trong các cơ sở được đăng ký với chính phủ và do chính phủ kiểm soát.

Trước đây, Đức Giám mục Zhang đã nhiều lần bị bắt giữ và được thả vì bị cáo buộc vi phạm luật pháp Trung Quốc. Vị Giám chức đã bị cấm giám sát vấn đề tài chính và các nguồn lực của Giáo phận của mình. Năm 2010, chính phủ bổ nhiệm một quản trị viên để giám sát Giáo phận và báo cáo cho các cơ quan nhà nước.

Các nhà chức trách cũng đã đóng cửa các trường học và các nhà trẻ Công giáo ở Tân Hương vào năm ngoái vì lệnh cấm lĩnh vực giáo dục của các nhóm tôn giáo.

Giáo phận của Đức Cha Zhang được thiết lập trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố. Giáo phận này không bao giờ được công nhận bởi Hội đồng Giám mục liên kết với nhà nước và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, UCA News đưa tin.

Một báo cáo vào ngày 22 tháng 7 trên ấn phẩm Bitter Winter đã phân tích các vụ bắt giữ trong bối cảnh của việc phản đối theo lương tâm.

“Vatican không khuyến khích sự phản đối theo lương tâm dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng họ đã nhiều lần tuyên bố rằng những người phản đối theo lương tâm vẫn là người Công giáo giữ đạo tốt, và Vatican hy vọng họ có thể được chính quyền Trung Quốc đối xử ‘một cách tôn trọng’”, báo cáo cho biết. “Thay vào đó, họ bị tống vào tù”.

Bitter Winter là một ấn phẩm của Trung tâm Nghiên cứu về Tôn giáo Mới có trụ sở tại Turin, tập trung vào vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền, ở cả Trung Quốc và trên thế giới. Báo cáo về Trung Quốc được viết bởi Wu Xiuying, người sử dụng bút danh “vì lý do an ninh”.

Báo cáo cho biết, sự phản đối theo lương tâm đã trở thành một hiện tượng quan trọng, trích lời một Linh mục giấu tên ở tỉnh Hà Nam, người nói rằng: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ kết quả tích cực nào của thỏa thuận với Vatican”.

“Chúng tôi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha mỗi ngày, nhưng chúng tôi tin rằng Đức Thánh Cha đã nhận được những thông tin sai lệch về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không tham gia Hiệp hội Yêu nước”, vị Linh mục giấu tên nói.

Theo quan điểm của báo cáo của Bitter Winter, các sự kiện gần đây được thúc đẩy bởi xác quyết của các quan chức rằng những biểu hiện của sự bất đồng tôn giáo sẽ biến mất trong bối cảnh chuẩn bị cho kỷ niệm 1 tháng 7 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một báo cáo vào ngày 15 tháng 7 từ Asia News, ấn phẩm của Viện Giáo hoàng về Truyền giáo Hải ngoại, cho biết vụ bắt giữ Đức Giám mục Zhang là “một minh chứng thêm rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục đã không thay đổi động lực trước đây, với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các nhân viên tôn giáo”.

Asia News cho biết các tín hữu Công giáo đã truyền tay nhau lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho Đức Giám mục Zhang. Trích lời cầu nguyện này như sau: “Chúng con cầu xin Chúa ban cho Đức Giám mục Zhang sức mạnh và lòng can đảm để đối mặt với những khó khăn phải đương đầu trong sứ vụ; chúng con cầu xin Chúa ban cho ngài sự bình an về thể chất và nội tâm. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.

Vụ việc của Đức Giám mục Zhang cũng đã nhận được sự ủng hộ trên toàn cầu.

Vào tháng 6, Đức Tổng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort Địa phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã lên tiếng bỳ tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ Đức Giám mục Zhang cùng với các giáo sĩ khác và các chủng sinh.

Đức Tổng Giám mục Moulins-Beaufort đã gửi “lời chào huynh đệ của các tín hữu Công giáo Pháp” đến Đức Giám mục Zhang và những người bị giam giữ khác, đồng thời gọi vụ giam giữ là “một thử thách đặc biệt khắc nghiệt và bất công”, UCA News đưa tin.

Katharina Wenzel-Teuber, biên tập viên của ấn phẩm China Today do Giáo hội điều hành có trụ sở tại Đức, cho biết chính quyền cộng sản trước đây khoan dung với các giáo sĩ không được chính phủ chính thức công nhận, nhưng chính quyền đang ngày càng thẳng tay đàn áp.

“Kể từ khi sắc lệnh mới có hiệu lực vào ngày 1/5, các linh mục là thành viên của nhà thờ ngầm Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn trong việc đăng ký với nhà thờ yêu nước chính thức được nhà nước công nhận”, bà Wenzel-Teuber phát biểu với hãng tin Công giáo Đức KNA.

Vào tháng 10 năm 2020, Vatican và Trung Quốc đã gia hạn thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục thêm hai năm.

Vào ngày 28 tháng 7, Linh mục Anthony Li Hui trở thành vị Giám mục thứ năm được truyền chức theo thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc năm 2018. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá của Giáo phận Bình Lương ở miền trung bắc Trung Quốc, nơi có dân số đô thị hơn 2 triệu người.

Đức Giám mục Li, 49 tuổi, là cựu Thư ký của Hội đồng Giám mục Trung Quốc được nhà nước công nhận.

Những người chỉ trích thỏa thuận cho rằng nó thể hiện sự phản bội đối với những người Công giáo “hầm trú”, những người vẫn tiếp tục trung thành với Đức Giáo hoàng bất chấp sự đàn áp. Họ cho rằng thỏa thuận này đã ngăn cản Vatican tố cáo những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn ở Trung Quốc.

Trong bài phát biểu vào ngày 3 tháng 10 tại Milan, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã bảo vệ thỏa thuận này “chỉ là một điểm khởi đầu” cho các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Đức Hồng y Parolin cho biết rằng các nhà phê bình đã hiểu sai về thỏa thuận này và gán cho nó những mục tiêu không chính xác. Thỏa thuận “chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục”. Thừa nhận nhiều vấn đề khác mà hơn 10 triệu người Công giáo trong nước hiện đang phải đối mặt, Đức Hồng y Parolin nói rằng “không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề một lượt, và chúng ta biết rằng con đường dẫn đến sự bình thường hóa hoàn toàn sẽ còn rất dài, như Đức Bênêđíctô XVI đã dự đoán vào năm 2007”.

Một thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám mục quả là hết sức quan trọng để ngăn chặn các cuộc bổ nhiệm Giám mục bất hợp pháp hơn nữa, Đức Hồng y Parolin nói, đồng thời giải thích rằng Vatican quyết định “đương đầu và giải quyết vấn đề tế nhị này một cách hoàn toàn triệt để”.

Mục tiêu mục vụ, Đức Hồng y Parolin tiếp tục, đó là “giúp các Giáo hội địa phương được hưởng các điều kiện về tự do, tự chủ và tổ chức cao hơn, để họ có thể hiến thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và góp phần vào sự phát triển toàn diện của con người và xã hội”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết