Các tín hữu Công giáo Nga suy tư về sự kiện kỉ niệm 100 năm cuộc cách mạng đẫm máu của Lenin

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 01-06-2017 | 09:20:58

Khi người Nga đánh dấu kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười của họ vào mùa thu này, đây sẽ là cơ hội để chứng kiến những thành công cũng như những thất bại của một thế kỷ với những biến cố đầy tàn bạo. Tuy nhiên, đối với các Giáo Hội Kitô giáo tại đất nước Nga, biến cố kỷ niệm này sẽ tạo nên một sự cộng hưởng đầy bi thảm – nhắc lại một bi kịch của những khó khăn cũng như đau khổ vốn đã được giải thoát hàng chục năm.

CNS-RUSSIA-CITYSCAPE c 

“Giáo hội của chúng ta xem các sự kiện lịch sử như thế này dưới ánh sáng của đức tin – và sau cùng là ơn cứu độ dành cho nhân loại”, Đức Cha Igor Kovalevsky – Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Nga, giải thích. “Bằng cách suy tư với tinh thần này, chúng ta cũng có thể bắt đầu hiểu được ý nghĩa của những kinh nghiệm tiêu cực đối với cuộc bách hại và công cuộc tử đạo. Nhưng chúng ta cần tiếp cận chúng với tư cách là những người Kitô hữu chứ không phải là các nhà sử học hay các nhà khoa học chính trị”.

Bolsheviks dưới quyền Vladimir Ilich Lenin đã lên nắm quyền vào năm 1917, chấm dứt hi vọng về một chế độ dân chủ, tám tháng sau khi lật đổ Sa hoàng Tsar Nicholas II, xảy ra vào tháng Ba theo niên lịch hiện đại của Nga.

“Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga”, ngày nay được đánh dấu vào ngày 7 tháng 11, không còn là một kỳ nghỉ lễ công cộng ở Nga nữa, và chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin sẽ không đánh dấu kỷ niệm 100 năm với những sự kiện giống như những lễ hội thường được giữ gìn đối với “Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại” của Nga vào những năm 1941-1945.

Nhưng điều này sẽ đối diện với những vấn đề khó xử chẳng hạn như phải giải thích thế nào về cuộc cách mạng, vốn đã thúc đẩy các sự kiện trong lịch sử Nga góp phần tích cực vào công cuộc thống nhất quốc gia đồng thời giảm thiểu những biến động có thể gây ra sự hủy hoại, đe doạ đến sự ổn định quốc gia.

Những người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga đã tranh luận về biến cố kỷ niệm 100 năm của cuộc cách mạng này tại một hội nghị chuyên đề quốc tế vào tháng Một và từ đó đã nói về di sản của cuộc cách mạng đối với ngày hôm nay. Phát ngôn hồi tháng Ba, Đức Thượng Phụ Kirill đã quy [trách nhiệm] vấn đề bạo lực của cuộc cách mạng trên giới trí thức Nga – và “những tội ác khủng khiếp gây ra bởi giới trí thức chống lại Thiên Chúa, các tín hữu, người dân cũng như đất nước của mình”.

Nhưng với các cuộc điều tra ý kiến cho thấy công dân Nga vẫn tiếp tục chia rẽ đối với những thành tựu của cuộc cách mạng – Đức Thượng Phụ Kirill cho biết – chỉ đơn giản là thúc giục họ đánh dấu biến cố kỷ niệm 100 năm bằng “một sự suy tư sâu sắc và lời cầu nguyện chân thành” chứ không phải là “những dịp lễ lạc không phù hợp”.

Đó chính là thông điệp từ một hội nghị giữa các giáo hội được tổ chức tại St. Petersburg hôm ngày 26 tháng 4 vừa qua, đồng chủ tọa bởi Chủ tịch Ngoại vụ của Giáo hội Chính thống – Giám mục trưởng Hilarion Alfeyev địa phận Volokolamsk, và các vị Tổng Giám mục Công giáo và Lutheran tại Nga, vốn kêu gọi cuộc cách mạng phải được tranh luận với “tinh thần hòa giải, hòa hợp và tình huynh đệ”.

“Những biến cố thảm khốc” của đầu thế kỷ 20 – tuyên bố ghi nhận – cho thấy “một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc”, vốn cho phép “những ý tưởng chính trị chuyên chế” gây ra “cảnh huynh đệ tương tàn cũng như việc đàn áp dân chúng”.

Đó cũng có thể chính là lập trường của Giáo hội Công giáo Nga, vốn rất muốn biến cố 100 năm như một cơ hội để lớn mạnh về mặt tâm linh. 

“Dĩ nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết xung quanh cuộc cách mạng cũng như những hậu quả của nó – nhưng những vấn đề về công lý cũng như quá trình phục hồi dường như không còn được xem như là một điều cấp thiết nơi xã hội Nga vào thời điểm này”, Đức Cha Kovalevsky phát biểu với NCR. “Đó là lý do tại sao chúng ta đang tập trung nhấn mạnh vào việc suy tư khi nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga – cũng như đối với việc học hỏi những bài học và đồng thời tinh chỉnh độ nhạy cảm về luân lý của chúng ta”.

Phần thiểu số Công giáo bị bách hại

Dân số Công giáo của Nga, theo Niên giám Tòa Thánh năm 2017, chỉ chiếm 0.5% tổng dân số, tương đương 773.000 tín hữu, có lý do chính đáng để cần phải thận trọng đối với việc kỉ niệm sự kiện 100 năm này. Mặc dù chế độ Bolshevik đã được một số lãnh đạo Giáo hội đón nhận một cách thận trọng khi nó đánh dấu việc chấm dứt cuộc đàn áp của chế độ Sa hoàng và sự trổi vượt của Chính thống giáo, [nhưng] bất kỳ sự lạc quan ban đầu nào cũng đã nhanh chóng tan rã.

Theo số liệu của chính phủ Nga, ít nhất 21 triệu người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp và “nạn đói khủng khiếp” sau năm 1917, trong đó có hơn 106.000 giáo sĩ Chính Thống giáo đã bị bắn chết chỉ trong giai đoạn Đại Thanh Trừng khoảng những năm 1937-1938. Trong số 60.000 nhà thờ Chính Thống giáo, chỉ có duy nhất 100 ngôi thánh đường vẫn còn mở cửa vào năm 1939, với chỉ bốn Giám mục còn sống sót, trong khi hàng chục ngàn người Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái và các Kitô hữu phi Chính thống khác cũng đã bị tàn sát.

Tổng cộng có 422 linh mục Công giáo đã bị hành hình, bị sát hại hoặc bị tra tấn đến chết, cùng với 962 tu sĩ, nữ tu và giáo dân, trong số 1.240 nhà thờ Công giáo ở Nga, chỉ trừ 2 nhà thờ, còn lại tất cả bị buộc phải đóng cửa và đồng thời bị biến thành các cửa hàng, nhà kho, nhà ở nông trại và nhà vệ sinh công cộng.

Các tổ chức tôn giáo đăng ký chính thức đã nhận được sự bảo vệ từ những năm 1940 trở lại đây, khi nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin tìm cách sử dụng họ như là những công cụ yêu nước trong Thế chiến II. Tuy nhiên, dưới thời Nikita Khrushchev trong những năm 1950, các vụ tịch thu và bắt giữ đã bắt đầu tiếp tục trở lại.

Trong khi việc tuyên bố rằng vấn đề tự do tôn giáo cũng như sự tách biệt giữa Giáo hội và chính phủ được quy định trong hiến pháp, thế nhưng chế độ Xô Viết không bao từ bỏ mục đích xoá bỏ tín ngưỡng, tôn giáo và đồng thời liên tục nhắm mục tiêu đối với việc họ cho là “mê tín dị đoan và cuồng tín” như là một bước ngoặt cho các giá trị Xô Viết dựa trên lý trí và cấp tiến. Thậm chí ngay cả ngày nay, với Tổng Giáo phận có trụ sở tại Matxcơva và ba Giáo phận tại Saratov, Irkutsk và Novosibirsk, các cộng đồng Công giáo Nga vẫn tìm kiếm việc trở lại những ngôi thánh đường đã bị tịch thu và gặp phải những vấn đề đối với việc thực hiện quyền lợi của họ ở cấp địa phương. 

Linh mục Kirill Gorbunov – Giám đốc truyền thông có trụ sở đặt tại Matxcơva, cho rằng một số người Công giáo, sẽ có những cảm xúc lẫn lộn đối với những cách tiếp cận sự kiện kỉ niệm 100 trăm của cuộc cách mạng. Chính phủ Xô viết đã gây ra rất nhiều đau khổ, đặc biệt trong suốt 30 năm độc tài của chế độ Stalin. Thế nhưng nhiều người cũng rất muốn thừa nhận nó cũng đã có [công trong] những tiến bộ khoa học và công nghệ, y tế và giáo dục, cũng như vai trò hàng đầu trong việc đánh bại Đức quốc xã.

Một sự kiện không đáng để ăn mừng 

Khi linh mục Gorbunov trở thành một người Công giáo vào đầu những năm 1990, vẫn có nhiều giáo sĩ và giáo dân đó đây đã từng trải nghiệm việc phải sống cảnh tù đày cũng như trong các trại cải tạo lao động, trong khi, đối với những người gia nhập Giáo hội ngày nay, những câu chuyện như thế vốn chỉ thuộc về lịch sử.

Một cuộc khảo sát vào tháng Tư của Trung tâm Levada tại Matxcơva cho thấy sự nổi tiếng của Lenin đang ngày càng tăng, với 56% người dân Nga nêu bật “những đóng góp tích cực của ông đối với lịch sử của đất nước” – so với con số 40% cách đây một thập kỷ – và chưa đến một phần tư đánh giá vai trò của ông là tiêu cực, so với con số 36% trước đó.

“Chắc chắn, có những điều ích lợi cần phải ghi nhớ từ Liên bang Xô viết – nó không phải chỉ là sự đàn áp và một sự bất mãn”, linh mục Gorbunov phát biểu với NCR. “Là một Giáo hội, chúng ta phải chấp nhận mọi quan điểm chính trị cũng như việc phải đối diện với những thách đố về mục vụ, đó chính là việc cởi mở đối với tất cả mọi người. Thế nhưng, chúng ta cũng phải đảm bảo rằng thế hệ những người Công giáo mai sau cần phải biết và hiểu được chân lý”.

Viktor Khroul – một giáo sư Công giáo tại Đại học Tổng hợp Matxcơva, đã đồng tình với quan điểm trên. 

Ông cho biết rằng ông biết có những người Công giáo thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống lại các chính sách của Putin, cũng như những người Công giáo đã phục vụ trong lực lượng cảnh sát chống bạo loạn ngăn chặn các cuộc biểu tình. Và mặc dù trong khi nó được giả định ở nước ngoài rằng người Công giáo sát cánh với phe đối lập tự do, có một số người đã có những lập trường có ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh, và đã ủng hộ Putin.

Nhưng không một người Công Giáo nào lại có thể ủng hộ những cuộc đàn áp vốn đã lan rộng chống lại Giáo hội – và điều đó giúp giải thích đối với vấn đề tại sao sẽ có rất ít các hoạt động kỷ niệm cuộc cách mạng vào mùa thu này. 

“Chúng ta sẽ ăn mừng gì bây giờ – sự sụp đổ của đế quốc chăng, hay cuộc nội chiến, hay là các sự kiện đẫm máu và các cuộc tử đạo sao?” Đức Ông Sergei Timashov – Tổng Đại Diện của Tổng Giáo phận Mẹ Thiên Chúa, đã chất vấn trong một cuộc phỏng vấn với NCR. “Thật khó để có thể tìm thấy bất cứ nơi nào cho chính chúng ta dưới thời chính phủ này tại Nga. Vì vậy, điều tốt nhất chúng tôi có thể làm đó chính là tưởng nhớ các nạn nhân của chúng ta”.

Giáo hội Chính thống Nga đã tuyên Thánh 1.765 vị tử đạo thời cộng sản trong một hội nghị vào tháng 8 năm 2000.

Trong khi đó, một Ủy ban của Giáo hội Công giáo, được thành lập năm 2002, đang trong tiến trình phong Chân Phước cho 16 vị tử đạo, trong đó có hai Giám mục: Đức Cha Antoni Malecki địa phận Leningrad, sinh tại Ba Lan, chịu phúc tử đạo sau khi bị trục xuất sang Ba Lan vào năm 1934 và linh mục người Đức Edward Profittlich thuộc dòng Tên, Ngài đã chịu phúc tử đạo vào năm 1941 trong khi đang chờ hành quyết tại nhà tù Kirov.

Danh sách này cũng bao gồm Anna Abrikosova – một giáo dân tại một nhà thờ Công giáo Hy Lạp hay Đông phương tại Nga, đã chịu phúc tử đạo tại nhà tù Butyrka tại Matxcơva vào năm 1936, Đức Cha Konstantin Budkievicz – Tổng Đại Diện một Giáo phận Công giáo, đã bị hành quyết tại Lubyanka nhân dịp lễ Phục Sinh năm 1923, cũng như một thanh niên đã trở lại đạo Công giáo – Kamila Krushelnitskaya -người đã bị bắn chết trong thời gian chịu bản án 10 năm tù vì bị cáo buộc liên quan đến một âm mưu.

Theo Anastasia Romanova – người đứng đầu Ủy ban thúc đẩy việc tuyên phong Chân Phước cho các vị tử đạo tại St. Petersburg, tiến tình cho việc phong Chân Phước đã chậm lại một cách đáng thất vọng. Các tài liệu lưu trữ của cảnh sát Bộ Dân Ủy Nội Vụ (NKVD) và Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) đã chỉ được mở ra cho các nhà nghiên cứu một thời gian ngắn sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991 – vì vậy việc thu thập thông tin quả là rất khó khăn, trong khi nguồn kinh phí cũng như các nguồn lực đều bị thiếu hụt.

Nhưng linh mục Gorbunov cho rằng việc chú ý đến những nạn nhân của cuộc bách hại vẫn còn thu hút những người Công giáo, những người rất quan tâm đến tiến trình tuyên phong Chân Phước và mong rằng tiến trình này sẽ nhanh chóng được hoàn tất. 

“Đó chính là niềm hy vọng rất mãnh liệt đối với việc các vị tử đạo của chúng tôi mau chóng được tôn vinh, nhưng điều này đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, vì chúng tôi thường biết rất ít về họ, hoặc thậm chí chúng tôi cũng không hề được biết đến việc họ đã chịu tử đạo ở đâu hay đã được mai táng nơi nào”, linh mục Gorbunov phát biểu với NCR. “Mặc dù có thể có các nhà tư tưởng học trong chính phủ với ý tưởng của họ nhằm cổ súy cho cuộc cách mạng, tôi hy vọng các Giáo hội thiểu số như chúng tôi sẽ được yên ổn để đánh dấu kỷ niệm sự kiện 100 năm này theo cách riêng của mình”.

Tình hình Tôn giáo hiện nay tại Nga

Hơn một phần tư thế kỷ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, những mâu thuẫn về quá khứ và hiện tại vẫn còn hiển hiện ở khắp mọi nơi tại Nga. Một số nhà quan sát cho rằng chính phủ của ông Putin hiện nay đã ủng hộ Chính Thống giáo như là một điều gì đó giống hệt với một hệ tư tưởng mới, được trợ giúp bởi một “khúc nhạc giao hưởng” đã được tái sinh, hay là ‘một sự hợp quần’, giữa Giáo hội và chính phủ. 

Tuy nhiên, việc đưa ra lời phủ nhận vào tháng Tư đối với ‘Nhân chứng Jehovah’ của Nga, vốn hiện đang bị tịch thu tài sản trên toàn quốc, cho thấy cách tuyên truyền thời Xô viết chống lại các tín ngưỡng thiểu số, hoặc là “những nhà ly giáo”, vẫn đang được sử dụng để biện minh cho những hạn chế.

Trong khi sa hoàng Nicholas II và gia đình được kể như là những vị thánh Chính Thống giáo, ông là người đã tiến hành một cuộc hành quyết vào năm 1918 tại Yekaterinburg, Pyotr Voykov, hiện vẫn còn lưu giữ một trạm tàu điện ngầm Matxcơva được đặt theo tên của ông ta. 

Và mặc dù Lenin vẫn được tôn vinh qua các bức tượng cũng như tên của nhiều địa danh trên toàn quốc, những biểu tượng của chủ nghĩa tư bản và tôn giáo mà ông đã tìm cách hủy hoại có thể được phục hồi ở những nơi như những cửa hàng bách hóa sang trọng mới cũng như sự phong phú qua quá trình tái thiết lập của Giáo Hội Chính Thống tại Nga – ước tính cứ mỗi ngày lại có đến ba cơ sở thờ tự được khánh thành trong ba thập kỷ qua, đưa tổng số các ngôi thánh đường lên 36.000 so với con số chỉ 6.000 nhà thờ vào cuối thời kì của chế độ Liên Xô.

Các nhà lãnh đạo Chính Thống giáo đã tái lập lại lời kêu gọi trong năm nay để các hài cốt của Lenin phải được đưa ra khỏi lăng mộ bằng đá granit tại quảng trường Đỏ ở Matxcơva và phải được chôn cất riêng.  Các nhà lãnh đạo Chính Thống chỉ ra mặc dù đã gây ra rất nhiều khủng bố người sáng lập ra Liên Xô là một Kitô hữu đã chịu phép Thanh Tẩy, và đã chưa từng bao giờ bị Giáo hội ra vạ tuyệt thông hay chúc dữ. Việc chôn cất ông sẽ chấm dứt một thế kỷ đau khổ đối với linh hồn ông, trong khi cuối cùng Nga cũng đã hòa giải với căn tính Kitô giáo của nó.

Tuy nhiên, trong khi 58% dân chúng hiện nay hầu như đồng tình, theo cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm Levada, ý tưởng này đã bị Đảng Cộng sản Nga hiện vẫn nhiều quyền thế phản đối dữ dội, trong khi chính Putin đã lập luận rằng “sự đồng thuận xã hội” cần phải đạt được trước tiên.

Vào tháng Tư, một dự luật di dời hài cốt của Lenin đã lắng xuống tại Duma Quốc gia Nga  khi các thành viên của Đảng Nước Nga Đoàn Kết của Putin đã rút lại sự ủng hộ. Kovalevsky – Tổng thư ký Công giáo, nhấn mạnh rằng Giáo Hội “không có lập trường” nào đối với việc tái chôn cất của Lenin và đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng động thái này sẽ có tác động đáng kể đến những vấn đề của Nga. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Chính Thống giáo có những dấu hiệu lùi bước.

“Các con đường không nên được đặt tên của những tay đao phủ giết người – cũng vậy, những đền đài kỷ niệm cũng không nên để những tên đồ tể như vậy đứng trên các quảng trường của chúng tôi”, một người dân thủ đô tên Hilarion – Giám đốc quan hệ ngoại giao thuộc Giáo Hội Chính Thống, phát biểu với kênh truyền hình Rossiya-24 TV vào tháng Tư. “Nhưng chẳng ai muốn khơi lại những vết thương cũ, cũng như gây ra những khuấy động xã hội và đồng thời kích động sự chia rẽ. Chúng ta nên làm điều này cách đây một phần tư thế kỷ trước, và hiện nay chúng ta cần chờ đợi cho đến khi có sự đồng thuận của công chúng đối với vấn đề này”.

Theo hãng thông tấn Interfax, Giáo hội Chính thống sẽ đánh dấu kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng bằng cách cung nghinh những Thánh tích của các vị anh hùng tử đạo trong một cuộc hành hương đến những địa điểm thiêng liêng nhất của nước Nga. Giáo hội Chính thống cũng sẽ kỷ niệm sự kiện hoàn trả lại Tòa Thượng Phụ Matxcơva vào tháng 11 năm 1918 của nó dưới thời kì bách hại dữ dội nhất của Đức Thượng Phụ Tikhon, người đã được phong Thánh vào năm 1989 cùng với các thành viên khác sau thời kỳ cách mạng.

Trong khi đó, người Công giáo sẽ tưởng nhớ sự kiện này với các Thánh Lễ – cũng như với cuộc hành hương quốc gia vào tháng Bảy này tới thánh địa Fatima tại Bồ Đào Nha, nơi Đức Mẹ đã hiện ra sáu tháng trước cuộc đảo chánh Bolshevik.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến hoài nghi, về kỷ niệm một biến cố đau thương vốn đã chẳng góp phần gì vào sự đổi mới của Kitô giáo, sau một thế kỷ mà các nước láng giềng dân chủ Tây phương đã đạt được những tiến bộ vượt xa về thời hoà bình lâu dài – không có chủ nghĩa độc tài, cũng chẳng có những vụ hành quyết tập thể, những trại cải tạo lao động cũng như các cộng đồng bị tản mác khắp nơi.

“Tất nhiên, người ta có thể hoài cổ về những khía cạnh tích cực của quá khứ Xô Viết – thế nhưng tất cả các hình thức độc tài, kể cả ‘chế độ độc tài của giai cấp vô sản’, đều không tương thích với những giáo huấn của Giáo hội”, Khroul – một giáo sư Công giáo, phát biểu với NCR. “Chúng ta cần phải tập trung lại những hồi ức của chúng ta, thẩm vấn lại lương tâm của chính mình cũng như dành thời gian để xem xét những sự ác đã xảy ra cách đây một thế kỷ”. 

Minh Tuệ chuyển ngữ 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết