Các tín hữu Công giáo Nga hy vọng chuyến viếng thăm của ĐHY Parolin sẽ cải thiện tình hình của Giáo hội địa phương

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 26-08-2017 | 22:02:27

Phần lớn sự chú ý đều được dành cho Đức Hồng y Pietro Parolin tới Nga xung quanh các cuộc gặp gỡ của Ngài với Tổng thống Vladimir Putin và Đức Thượng Phụ Moscow Kirill, vị lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Nga. Nhưng cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Nga hy vọng chuyến viếng thăm của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ giúp họ lấy lại những ngôi thánh đường Công giáo đã bị chiếm dụng trong kỷ nguyên Xô Viết và đồng thời thuyết phục các nhà lãnh đạo Công giáo cần phải mạnh mẽ lên tiếng hơn nữa trong nước.

MOSCOW, Nga – Những người Công giáo Nga đang hết sức phấn khởi bởi chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tới Nga.

Nhiều người cho biết họ “chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ” rằng những căng thẳng trước đây với các nhà chức trách chính phủ và các Kitô hữu Chính Thống sẽ chỉ còn lại trong quá khứ.

Ước tính số người Công giáo ở Nga có phần thay đổi, nhưng có khoảng từ 150.000 đến 775.000 (chưa đầy 1% dân số), phần lớn thuộc các dân tộc thiểu số.

DSC09955-690x450Hai vấn đề chính đã gây ra căng thẳng kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ: Việc lấy lại những tài sản của Giáo hội Công giáo đã bị tịch thu trong thời Xô viết chẳng hạn như những ngôi thánh đường, nhà nguyện, và nhiều tòa nhà khác; và những cáo buộc đối với “việc gia nhập đạo” – những trường hợp bị buộc phải cải đạo của những người không tín ngưỡng hoặc các Kitô hữu khác dưới sự ép buộc của Giáo hội Chính Thống nắm ưu thế lúc bấy giờ.

ĐHY Parolin đã chẳng giấu diếm chương trình nghị sự của chuyến thăm của mình, và những ưu tiên có vẻ hứa hẹn với những người Công giáo.

“Trước hết, tôi muốn gặp gỡ cộng đồng Công giáo địa phương. Tôi đã mang đến cho những người Công giáo tại đất nước này lòng yêu mến, sự gần gũi và phép lành của ĐTC Phanxicô”, ĐHY Parolin cho biết hôm thứ hai trong một cuộc phỏng vấn với Gaudete.Ru.

ĐHY Parolin cũng cho biết thêm hai lý do để thực hiện chuyến thăm Nga: Các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đứng đầu Bộ Ngoại giao Sergey Lavrov để thảo luận về mối quan hệ giữa chính phủ và Giáo hội Công giáo; và các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo của Giáo hội Chính Thống Nga, cụ thể là Đức Thượng Phụ Kirill, và người đứng đầu Ban đối ngoại Giáo hội của Tòa Thượng Phụ Moscow, Tổng Giám mục Hilarion, Tổng Giáo phậnVolokolamsk – với mục đích “tăng cường các mối quan hệ này và nỗ lực cùng cộng tác với nhau trên con đường của sự hợp tác theo giới luật và Thánh ý Thiên Chúa”. 

Vẫn chưa rõ ràng đến mức độ mà chuyến viếng thăm của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ hữu ích cho những người Công giáo địa phương, thế nhưng những mong đợi của họ quả là mạnh mẽ – thậm chí ngay cả khi đó là một phản ứng tình cảm hơn là dựa trên lý trí.

“Tôi hiểu rằng sẽ hết sức khó khăn như thế nào để lấy lại những ngôi thánh đường của chúng ta, nhưng sự trợ giúp của Đức Hồng Y Parolin, người đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô nơi đây, là điều cực kỳ quan trọng đối với chúng ta”, Alexander – người đã không cho biết tên   họ của mình – một người đã nghỉ hưu tham dự Thánh Lễ hôm thứ Hai do ĐHY Parolin chủ sự tại nhà thờ Công giáo ở Matxcơva, cho biết.

“Ba mươi năm trước, trong thời Liên Xô, tôi đã phải đi đến Lithuania để được bí mật chịu Phép Rửa Tội trong Giáo hội Công giáo.  Ngày nay, chúng ta có ba ngôi thánh đường tại Matxcơva – trong đó có một ngôi thánh đường vẫn chưa được trả lại cho Giáo hội – nhưng người Công Giáo ở Smolensk, Kaliningrad và các thành phố khác của Nga đã phải vật lộn để đòi lại ngôi thánh đường này trong vòng 20 năm qua, những vẫn chưa thành công”, ông Alexander cho biết. 

Ông Alexander hy vọng ĐHY Parolin tìm ra những lời lẽ đúng đắn để thuyết phục chính phủ Nga đưa ra các quyết định “chính đáng và khôn ngoan”. 

“Hôm nay tôi đã gặp gỡ và nói chuyện với vị Sứ Thần Tòa Thánh, với các Giám mục, và tôi biết rằng đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Mỗi cộng đồng tôn giáo đều cần một nơi thích hợp, họ cần một ngôi thánh đường, một ngôi đền thờ, để có cơ hội tuyên xưng đức tin của mình”, ĐHY Parolin phát biểu với Gaudete.Ru, đồng thời hứa hẹn sẽ đề khởi vấn đề này.

“Chúng ta hãy hy vọng rằng mỗi chuyến viếng thăm, và đặc biệt là chuyến thăm hiện tại ở cấp của Quóc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Có một nguyên tắc cơ bản của vấn đề tự do tôn giáo, theo đó mọi cộng đồng tôn giáo có quyền có những cơ sở cần thiết để có thể thực hành đức tin của họ, sống đời sống đức tin của mình và làm chứng cho đức tin ấy”, ĐHY Parolin nói.

Đã có một số phát triển tích cực – gần đây Giáo hội Công giáo đã giành chiến thắng trong một phiên toà chống lại chính phủ Mátxcơva để đòi lại một số tòa nhà xung quanh ngôi thánh đường kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, nhưng quyết định đã được kháng cáo.

Trong khi đó, những cáo buộc liên quan đến “việc gia nhập đạo” từ Giáo hội Chính Thống Nga hiện nay đã trở nên im hơi lặng tiếng hơn so với những năm 90 và 2000.

Những lời cáo buộc này đã gây ra một “sự im lặng” trong chính các cấu trúc chính thức của Giáo hội Công giáo, và trong suốt thập kỷ qua, Giáo hội hầu như không có tiếng nói, và dường như không muốn bình luận về các vấn đề trong nước.

Olga – một phụ nữ 40 tuổi không cho biết tên họ – là người tổ chức một số sáng kiến cơ sở Công giáo ở Moscow. 

Bà hy vọng rằng sau chuyến thăm của ĐHY Parolin, các Giám mục Công giáo Nga sẽ thẳng thắn hơn đối với những vấn đề xã hội. 

“Tôi cũng tin rằng ĐHY Parolin đã khuyến khích các Giám mục và các linh mục của chúng ta chủ động hơn trong việc truyền giáo, trong công cuộc loan báo Tin Mừng, bằng cách nhìn nhận rõ ràng hơn với một lập trường luân lý vững chắc trong các phương tiện truyền thông Nga và trong lĩnh vực công”, bà Olga cho biết. 

Bà cho biết bà coi những lời của ĐHY Parolin tại nhà thờ Moscow vào hôm thứ hai là “việc tiêm chủng chống lại ‘chứng proselitophobia'” – nỗi sợ bị cáo buộc liên quan đến việc gia nhập đạo.

“Bất chấp tất cả mọi vấn đề, tất cả những đau khổ mà anh chị em phải đối diện trong cuộc đời này, là việc làm chứng về Chúa Kitô nơi xã hội này, nơi mà di sản của quá khứ gần đây – chủ thuyết vô thần, sự thờ ơ tôn giáo – vẫn còn hoạt động”, ĐHY Parolin chia sẻ trong bài giảng của mình.

ĐHY Parolin cho biết Kitô giáo đang phát triển không phải do nhiều người gia nhập đạo, mà là do sức cuốn hút của Giáo hội. 

 “Vì vậy – hãy tiến lên phía trước, đừng ngại để giúp cho người dân tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của họ cũng như những vấn đề trong cuộc sống của họ, để cảm nhận được rằng anh chị em gần gũi với Đức Thánh Cha, với Giáo Hội Hoàn Vũ, và cố gắng đưa ra những chứng ngôn hoàn hảo về đức tin và tình yêu nơi xã hội của anh chị em”, ĐHY Parolin nói.

Đối với một vị giám chức Công giáo cần phải nói điều này nổi bật trong bối cảnh của Nga, nơi mà các chính sách của chính phủ chỉ công nhận bốn tôn giáo “truyền thống” trong nước: Kitô giáo Chính Thống, Hồi Giáo, Phật Giáo và Do Thái giáo.

Theo sự hiểu biết này, người Công giáo – bất kể lịch sử ở Nga bắt nguồn từ thời trung cổ – được coi là thuộc về một tôn giáo “phi truyền thống”, vốn có thể có những hậu quả không hề dễ chịu chút nào.

Đầu năm nay, Tòa án Tối cao Nga đã ra lệnh cấm đối với giáo phái Nhân Chứng Jêhôva (Jehovah’s Witnesses), gây lo ngại cho các tín ngưỡng thiểu số khác, trong đó có Giáo hội Công giáo.

“Tình hình tại Nga hiện tại vô cùng phức tạp và khó khăn. Người Công giáo hiện đang hết sức lo ngại rằng chúng ta cũng có thể phải đối mặt, nếu không phải là với việc bách hại thì ít nhất là với những biểu hiện mới của các hành động phân biệt đối xử và hạn chế quyền tự do tín ngưỡng của chúng ta”, linh mục Igor Kovalevsky, Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo Nga, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service. 

Linh mục Kovalevsky cũng cho biết thêm rằng mặc dù không có những dấu hiệu nào cho thấy Giáo hội Công giáo sẽ bị đối xử như giáo phái Nhân Chứng Jêhôva, “chính phủ cần phải đảm bảo với các công dân của mình rằng quyền tự do lương tâm hiện vẫn còn nguyên vẹn”.

Hiện tại, mối quan hệ Chính Thống – Công giáo tại Nga được quy định bởi các Nguyên tắc chung của Ủy ban Giáo Hoàng “thân Nga” và các Nguyên tắc Thực tiễn đối với việc điều phối Hoạt động Truyền giáo và Cam kết Toàn cầu của Giáo hội Công giáo tại Nga và các quốc gia khác thuộc Khối Thịnh vượng chung của các Quốc gia Độc lập (CIS), được ban hành năm 1992.

Ủy ban Giáo Hoàng “thân Nga” hướng dẫn các Giám mục Công giáo cần phải thông báo cho các Giám mục Chính Thống địa phương về tất cả các sáng kiến mục vụ quan trọng của họ, đặc biệt là việc thành lập các giáo xứ mới.

Nhưng phía Giáo hội Chính Thống trong nhiều trường hợp lại hiểu từ “thông báo” đồng nghĩa với việc phải “xin phép”. 

Đỉnh cao của sự hiểu lầm này đã xảy ra vào năm 2002, khi Đức Gioan Phaolô II thành lập bốn Giáo phận ở Nga. Tòa Thượng Phụ Moscow đã được thông báo trước về việc thành lập các Giáo phận mới, nhưng điều này được coi là không đầy đủ, và đồng thời đã gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ Chính Thống Nga – Công giáo.

Người Công Giáo Nga hy vọng rằng tất cả những điều này sẽ chỉ còn trong quá khứ, và chuyến viếng thăm của ĐHY Parolin tới Mátxcơva sẽ mở ra một trang mới trong mối quan hệ giữa các cộng đồng Kitô hữu khác nhau tại Nga.

Victor Khroul là nhà báo Công giáo Nga và đồng thời cũng là cựu biên tập viên của tờ Svet Evangelia, tuần lễ Công giáo duy nhất của Nga, trước khi tờ báo này đóng cửa vào năm 2007. Nhà báo Khroul cũng giảng dạy ngành báo chí tại Đại học Mátxcơva.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết