Các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Công giáo ở Hàn Quốc đã tham gia cuộc tuần hành trên toàn quốc và cử hành Thánh lễ trên đường phố hướng đến công lý cho những người phải chịu đau khổ vì vấn đề biến đổi khí hậu trong nước và trên toàn thế giới.
Cuộc tuần hành vì khí hậu, được tổ chức bởi 350 tổ chức xã hội dân sự bao gồm các nhóm khí hậu Công giáo, đã thu hút khoảng 4.000 người từ khắp quốc gia Đông Á này vào ngày 14 tháng Tư.
Cuộc tuần hành mang tên “Biểu tình vì Công lý Khí hậu” (Climate Justice Strike) được tổ chức tại thành phố Sejong, một thành phố tự trị và là thủ phủ hành chính trên thực tế.
Khoảng 300 người Công giáo nằm trong số những người tham gia cuộc tuần hành do nhóm Hành động vì Khí hậu Công giáo dẫn đầu.
Một số lượng đáng kể những người tham gia sự kiện là các cư dân địa phương, nông dân và ngư dân sống ở các làng chài và nông nghiệp nơi môi trường bị hủy hoại do vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như những người lao động chính và hợp đồng phụ sẽ mất việc làm do việc đóng cửa các nhà máy điện, và những người khuyết tật, những người di cư và người nghèo bị loại khỏi quá trình ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Những người biểu tình đã trình bày một hiến chương yêu cầu chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường cũng như hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Họ kêu gọi đảm bảo các quyền về năng lượng cơ bản bằng cách tăng cường phân phối năng lượng; thu hồi lợi nhuận bổ sung từ các công ty năng lượng và thúc đẩy các chính sách loại bỏ than và hạt nhân; mở rộng giao thông công cộng để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu; đảm bảo việc hỗ trợ cho công nhân, nông dân và người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.
Họ cũng yêu cầu một quá trình chuyển đổi công bằng liên quan đến các nhóm thiểu số trong xã hội; đình chỉ việc xây dựng sân bay mới, cáp treo và đường sắt miền núi, đồng thời rút lại nỗ lực chuyển giao quyền nâng cấp vành đai xanh cho chính quyền địa phương.
Cha Blasio Park Hyun-dong, Đan Viện phụ và Giám quản Tông Toà Tokwon, Chủ tịch Ủy ban Sinh thái và Môi trường của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc đã dâng Thánh lễ trên đường phố cùng với các tín hữu Công giáo trong cuộc biểu tình và đồng thời nhắc nhở họ rằng các tín hữu không thể làm ngơ trước tiếng nói của các anh chị em đang đau khổ và công trình sáng tạo.
“Để cùng chung sống trên trái đất này, ‘ngôi nhà chung’ của chúng ta, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của những anh chị em đau khổ và công trình sáng tạo, đồng thời tích cực thay đổi cuộc sống của mình”, Cha Park nói.
“Khi chúng ta cho thế giới thấy cam kết của chúng ta trong việc sát cánh cùng với anh chị em nghèo và với mọi tạo vật trên trái đất, chúng ta có thể đặt nền móng cho một tương lai bền vững”, Cha Park nói.
Cuộc khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng khí hậu có mối liên hệ với nhau, Cha Stephen Yang Ki-suk, Chủ tịch Ủy ban Môi trường và Sinh thái của Giáo phận Suwon, cho biết.
Cha Stephen chỉ ra rằng các nước phát triển thải ra khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và nó gây đau khổ cho người dân ở các nước kém phát triển.
Xã hội Hàn Quốc cũng phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng vì “chính phủ và các công ty lãnh đạo các dự án phát triển không chịu trách nhiệm về việc hủy hoại môi trường”, Cha Stephen nói.
“…kết quả là người dân mất sinh kế, việc làm và sinh kế của họ bị đe dọa”, Cha Stephen cho biết thêm.
Cha Joseph Kang Seung-soo, đại diện của nhóm Hành động vì Khí hậu Công giáo, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ những người nghèo khổ phải chịu thiệt hại do vấn đề biến đổi khí hậu.
“Nếu thảm họa khí hậu xảy ra, những người có tiền có thể duy trì cuộc sống hàng ngày, nhưng người nghèo không còn cách nào khác ngoài việc gánh chịu thiệt hại”, Cha Stephen nói.
“Sự sống của ai đó có thể bị đe dọa. Chúng ta cần suy nghĩ về việc người Kitô hữu nên làm gì trong hoàn cảnh hiện tại”.
Bán đảo Triều Tiên đã trải qua những thay đổi khốc liệt về thời tiết do vấn đề biến đổi khí hậu, gây ra sự gia tăng nhiệt độ, nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên và các thảm họa thiên nhiên khác như lũ lụt, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết vào năm ngoái.
Cơ quan này cho biết tác động của cuộc sống hàng ngày và các hoạt động công nghiệp đang dần gây ra những thay đổi môi trường ở mức độ nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên.
Báo cáo lưu ý rằng Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc, đã trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục và mưa lớn gây ra sự tàn phá nghiêm trọng trong khu vực.
Trong nhiều năm, Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc đã đi đầu trong chiến dịch thúc giục các hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và suy thoái môi trường.
Hưởng ứng Thông điệp Laudato Si về môi trường của Đức Thánh Cha Phanxicô, các Giáo phận Công giáo đã áp dụng các kế hoạch mục vụ dài hạn tập trung vào việc bảo vệ môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu.
Minh Tuệ (theo UCA News)