Các quy tắc mới nhằm mục đích tước bỏ thẩm quyền của các Giám mục và các Linh mục và đồng thời đặt Giáo hội dưới sự kiểm soát của Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các nhà lãnh đạo Kitô giáo cho biết.
Cộng sản Trung Quốc đã đẩy nhanh chính sách “Hán hóa” đối với tôn giáo, với việc thực hiện một bộ quy tắc biến dạng mới mà các nhà lãnh đạo Kitô giáo cho biết rằng sẽ gây nguy hiểm chính người dân của họ, đặc biệt là đối với cộng đồng Công giáo hầm trú.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố vào năm ngoái rằng các biện pháp hành chính sửa đổi đối với các tôn giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 trên cả nước, bao gồm tất cả các tôn giáo.
Trong số những điều khác, các quy tắc quy định rằng mỗi tôn giáo sẽ được lãnh đạo bởi một hội nghị do nhà nước chỉ định, vốn sẽ hoạt động như cơ quan đưa ra quyết định tối cao cho các nhóm tôn giáo tương ứng.
“Liệu có phải mục đích này là để nhằm xóa bỏ mô hình Giáo hội truyền thống do các Giám mục đứng đầu và thay thế họ bằng các hội nghị nhóm? Nếu không có người Công giáo đứng đầu một nhà thờ, thì liệu đó có còn là Giáo hội Công giáo không?”, Linh mục Li ở tỉnh Hà Bắc chất vấn.
Cha Li phát biểu với UCA News rằng các linh mục Công giáo và các thành viên Giáo hội đã phản đối các biện pháp này nhưng không thể ngăn chặn chúng.
“Mục đích của ĐCSTQ rất rõ ràng. Đó là thay đổi Giáo hội Công giáo trở thành một nhóm thuộc về họ. Những luật lệ này sẽ đẩy Giáo hội vào những nguy hiểm nghiêm trọng”, Cha Li cảnh báo.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một bài phát biểu quan trọng năm 2016 đã nhấn mạnh rằng việc Hán hóa các tôn giáo nhằm mục đích thích ứng các tôn giáo với xã hội Trung Quốc. ĐCSTQ phải “hướng dẫn sự thích nghi của các tôn giáo với xã hội xã hội chủ nghĩa”, Cha Li nói.
ĐCSTQ đã đưa ra Quy định về các vấn đề về Tôn giáo vào tháng 2 năm 2018 nhưng đã sửa đổi và một lần nữa công bố các quy định vào năm ngoái, đồng thời thông báo rằng chúng sẽ được thực thi toàn diện từ tháng 2 năm nay.
Các biện pháp sửa đổi, được kết hợp thành 6 chương và 41 điều, yêu cầu tất cả các tổ chức tôn giáo “phải tuân thủ hiến pháp, luật pháp, quy định, pháp lệnh và chính sách, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự trị, tuân thủ các chỉ thị về tôn giáo ở Trung Quốc, thực hiện các giá trị của chủ nghĩa xã hội”.
Chúng bao gồm việc tổ chức, hoạt động, các văn phòng, sự giám sát, các dự án và việc quản lý tài chính đối với các cộng đồng tôn giáo ở cấp quốc gia và địa phương.
Cha Li phát biểu với UCA News rằng “kể từ khi các quy tắc được ban hành, cộng đồng Kitô giáo ở Trung Quốc đã chứng kiến cuộc đàn áp không ngừng nghỉ, với việc các nhà thờ bị phá hủy, lệnh cấm được áp dụng đối với việc bán Kinh Thánh trực tuyến và hàng trăm Kitô hữu đã bị bắt bớ vì bị vu tội lật đổ chính quyền”.
Hau Baolu, một lãnh đạo Giáo xứ đến từ Thiểm Tây, một tỉnh đã phải chịu sự đàn áp nghiêm trọng trong những năm qua, cho biết những người vô thần đã đến để quản lý Giáo hội và tự hỏi làm thế nào chính phủ có thể có thẩm quyền tuyên bố trổi vượt hơn Thiên Chúa và Vatican trong các vấn đề về đức tin và luân lý.
Cộng đồng Giáo hội hầm trú phớt lờ các quy tắc
Wang Baoen, một Kitô hữu khác đến từ tỉnh Thiểm Tây, phát biểu với UCA News rằng Giáo hội trong khu vực của ông đã phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng trong quá khứ nhưng các quy tắc mới sẽ tiếp tục đàn áp cộng đồng nơi đây.
“Phương pháp mới này nhằm tước quyền của các Giám mục và Linh mục và đồng thời đặt Giáo hội dưới sự kiểm soát hoàn toàn của nhà nước. Một khi Giáo hội nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền, nó sẽ đàn áp Giáo hội mạnh mẽ hơn”, ông Wang Baoen nói.
Một Nữ tu Công giáo đứng đầu một Tu viện ở tỉnh Hà Bắc phát biểu với UCA News rằng các quy tắc mới “không có nghĩa lý gì” đối với Tu viện và các Nữ tu của mình.
“Những quy tắc này không áp dụng đối với chúng tôi bởi vì chúng tôi có cách quản lý và các quy tắc riêng. Nếu chúng tôi tuân theo các quy tắc và phương pháp quản lý này, chúng tôi sẽ không còn là một nhóm Nữ tu Công giáo nữa. Chúng tôi không thể thay đổi bản sắc của mình”, vị Nữ tu nói.
Cao Ruoser, một tín hữu Công giáo đến từ cộng đồng Giáo hội hầm trú ở miền nam Giang Tô, cho biết các quy tắc mới sẽ không có hiệu lực đối với họ.
“Chúng tôi đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp. Họ không coi nhà thờ là nơi để thờ phượng Thiên Chúa và họ cũng không chấp nhận sứ vụ của các Linh mục. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó. Các thành viên của chúng tôi đều hiệp nhất với nhau. Chúng tôi vẫn cùng nhau quy tụ và tham dự Thánh lễ, vì vậy phương pháp này không có tác dụng đối với chúng tôi”, ông Cao Ruoser nói.
Ông Cao Ruoser cho biết rằng các quy định tôn giáo của ĐCSTQ là “vô tác dụng” đối với họ. Ông cho biết rằng chính quyền cộng sản không thể đóng cửa và niêm phong nhà thờ “bởi vì chúng tôi không có nhà thờ nào cả”.
Tuy nhiên, ông Cao Ruoser nói, đối với những cộng đồng hầm trú vẫn còn nhà thờ, “có thể có một số tác động. Tuy nhiên, các cộng đồng hầm trú đã trải qua một đời sống tôn giáo không có nhà thờ trong nhiều năm, và bất quá thì họ lại trở về tình trạng ban đầu của họ”.
Minh Tuệ (theo UCA News)