Tại Đông Timor, một quốc gia có 98% dân số theo đạo Công giáo, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã được các giáo sĩ và tu sĩ địa phương chào đón nồng nhiệt vào hôm thứ Ba.
Khoảng 600 giáo sĩ và tu sĩ tề tựu chật kín bên trong Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và 1.500 tín hữu khác đã đổ xô đến khu vực bên ngoài nhà thờ khi các Nữ tu, Linh mục và Giám mục bày tỏ lòng biết ơn đối với đông đảo ơn gọi và đời sống tu trì sôi nổi của đất nước Công giáo này.
Trong số những người tham dự có các Nữ tu phục vụ người nghèo ở các vùng núi của quốc gia đang phát triển.
Phát biểu tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Dili vào ngày 10 tháng 9, Đức Giáo hoàng đã khuyến khích những người có ơn gọi tu trì hãy gìn giữ đức tin của đất nước Công giáo bằng cách đừng bao giờ lơ là việc rao giảng Tin Mừng.
“Giáo hội tồn tại là để truyền giáo, và chúng ta được mời gọi mang đến cho người khác… cuộc sống mới của Tin Mừng”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.
“Tin Mừng của Chúa Giêsu có sức mạnh biến đổi… và tạo ra một xã hội mới”, Đức Giáo hoàng cho biết thêm.
Đức Giáo hoàng đã hạ cánh tại Đông Timor, còn gọi là Timor-Leste, vào ngày 9 tháng 9 cho chặng thứ ba của chuyến Tông du kéo dài 11 ngày tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Truyền giáo là chủ đề thiết yếu của chuyến viếng, đã đưa ngài từ các quốc đảo Indonesia đến Papua New Guinea.
Nằm ngoài khơi bờ biển phía bắc của Úc tại ranh giới giữa châu Á và châu Đại Dương, Đông Timor là một trong những quốc gia non trẻ nhất trên thế giới — nơi này đã trở thành một quốc gia có chủ quyền vào năm 2002.
“Vì chúng ta biết rằng trong trái tim của Chúa Kitô, các vùng ngoại vi hiện sinh thực sự là trung tâm. Một Giáo hội không nhìn thấy các vùng ngoại vi và ẩn mình trong trung tâm là một Giáo hội bệnh hoạn. Nhưng nếu một Giáo hội nghĩ đến các vùng ngoại vi và gửi các nhà truyền giáo đến, các vùng ngoại vi sẽ trở thành trung tâm”, Đức Giáo hoàng nói.
Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin phục vụ người nghèo
Cha Luan Le, một Tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin và là nhà truyền giáo đến từ Úc, đã phục vụ tại Đông Timor trong 10 năm. Ngài nói với CNA rằng các Tu sĩ Capuchin chủ yếu làm việc với người nghèo, đến thăm các ngôi làng để cử hành các Bí tích và chăm sóc bệnh nhân.
“Giáo dục cơ bản và chăm sóc sức khỏe vẫn là những thách thức lớn, đặc biệt là ở các vùng núi”, Cha Luan Le giải thích. “Nhiều nơi thiếu phòng khám, bác sĩ, y tá và thuốc men. Người dân thường chỉ dựa vào thuốc thảo dược khi bị bệnh”.
Mô tả sự háo hức xung quanh chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng, Cha Luan Le nói: “Đó quả là một phước lành cho họ. Họ coi Đức Giáo hoàng là đại diện của Chúa Kitô, và sự hiện diện của ngài mang lại phước lành và ân sủng cho gia đình họ”.
Cha Luan Le bày tỏ hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ thúc đẩy hòa bình, sự hòa hợp và phát triển trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ngài cũng nhấn mạnh nhu cầu về cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi.
Suy ngẫm về kinh nghiệm truyền giáo của mình, Cha Luan Le so sánh cuộc sống ở Úc với Đông Timor: “Ở đây, chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ vật chất, nhưng đó là một phước lành vì chúng tôi gần gũi hơn với người dân. Bạn sẽ thấy niềm vui của Tin Mừng trên khuôn mặt họ khi bạn gặp gỡ họ”.
Các Dòng tu hỗ trợ phát triển và giáo dục
Nhiều Dòng tu hiện diện ở Đông Timor làm việc với người nghèo ở quốc gia đang phát triển, nơi có hơn 40% dân số vẫn sống dưới mức nghèo khổ.
Nữ tu Nunzia Da Silva Pachero là một trong 8 Nữ tu đến từ Đông Timor gia nhập Dòng Thừa sai Bác ái kể từ khi Hội Dòng của Mẹ Têrêsa đến đất nước non trẻ vào năm 2008.
“Hoạt động tông đồ của chúng tôi là thăm viếng mọi người và gia đình, thánh hiến họ cho Trái Tim Vô Nhiễm, Thánh Tâm và Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Chúng tôi cũng hỗ trợ các gia đình bệnh tật, đưa họ đến thành phố để điều trị y tế. Khi có thể, chúng tôi giảng dạy giáo lý, chuẩn bị cho mọi người lãnh nhận các Bí tích. Ngoài ra, chúng tôi thăm viếng các tù nhân và những người mắc bệnh tâm thần”.
Khi các Nữ tu Dòng Nữ Tu Trợ Thế Lòng Thương Xót đến Đông Timor, các chị em nhận thấy rằng một số bé gái sống ở vùng núi phải đi bộ ba đến bốn giờ đồng hồ để đến trường. Các bé gái sẽ đi bộ một chặng đường dài, đến trường trong hai giờ, rồi đi bộ ba đến bốn giờ về nhà.
Mặc dù các Nữ tu Dòng Nữ Tu Trợ Thế Lòng Thương Xót phải đến hòn đảo nghèo đói này để chăm sóc những đứa trẻ bị bệnh và suy dinh dưỡng, Sơ Paola Lacovone giải thích rằng họ biết rằng họ cũng cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ những bé gái này, vì vậy họ đã mở một ký túc xá để giúp các bé gái theo đuổi việc học mà không cần phải đi bộ hơn sáu giờ đòng hồ mỗi ngày.
Dòng Nữ Tu Trợ Thế Lòng Thương Xót, có nguồn gốc từ Ý, có 25 Nữ tu ở Đông Timor và đã hiện diện ở đây từ năm 2011.
Đức Giáo hoàng đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo Giáo hội sau khi lắng nghe bài diễn văn chào mừng của Đức Giám mục Norberto de Amaral, Chủ tịch Hội đồng Giám mục địa phương, cùng lời chứng từ một Nữ tu, Linh mục và giáo lý viên.
Sơ Rosa Sarmento, một Nữ tu Dòng Canossian, đã nhấn mạnh tình trạng của Đông Timor với tư cách là quốc gia Công giáo nhất ở Đông Nam Á và là “một nơi trù phú màu mỡ của ơn gọi Linh mục và tu sĩ”.
Nữ tu Sarmento lưu ý rằng các tu sĩ Timor hiện đang phục vụ ở nhiều nơi khác trên thế giới, đảo ngược xu hướng lịch sử của các nhà truyền giáo châu Âu đến Timor.
Nữ tu Sarmento đã xin Đức Giáo hoàng ban phép lành “cho trẻ em, thanh thiếu niên, các bạn trẻ, đàn ông, phụ nữ, những người cao niên và đặc biệt là những người khuyết tật, những người chiếm con số rất đông đảo”.
Các nhà truyền giáo đầu tiên đã mang đức tin Công giáo đến đảo quốc Timor vào năm 1515. Nửa phía đông của hòn đảo, khu vực sau này trở thành Đông Timor, là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong nhiều thế kỷ trước khi bị quốc gia láng giềng Indonesia xâm lược và chiếm đóng vào năm 1975. Sau gần ba thập kỷ đấu tranh, Đông Timor đã giành được độc lập vào năm 2002.
Được cứu bởi chiếc áo chùng
Cha Sancho Amaral, một Linh mục Giáo phận 68 tuổi với 39 năm phục vụ, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi giúp đỡ phong trào giành độc lập của người Timor. Vị Linh mục kể lại một khoảnh khắc quan trọng vào năm 1991 khi ngài hỗ trợ Tổng tư lệnh Kay Rala Xanana Gusmão — người hiện đang giữ chức Thủ tướng — trong chuyến đi từ Dili đến làng Ossu. Hai người đàn ông đã tránh được sự phát hiện của quân đội Indonesia trong gang tấc khi bị chặn lại tại một trạm kiểm soát.
“Lúc này, khi tôi đang mặc áo chùng, tôi hạ cửa sổ xe xuống và giơ cánh tay trái ra, khuôn mặt buồn bã và không thân thiện, và hỏi: ‘Ada apa?’, tức là: ‘Tại sao các anh lại chặn chúng tôi lại?’. Nhưng khi những người lính nhận ra tôi là một linh mục, họ để chúng tôi đi qua. Vì vậy, chiếc áo chùng, với tư cách là trang phục của căn tính của một Linh mục, đã cứu chúng tôi khỏi nguy hiểm”, Cha Amaral nói.
Vị Linh mục đã nhấn mạnh việc Thiên Chúa bảo vệ những người được kêu gọi lên đường truyền giáo, ngay cả trong thời chiến, và nói thêm: “Hôm nay tôi có thể hiện diện ở đây để làm chứng về cuộc sống của mình, bởi vì Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc tôi”.
Nhân chứng thứ ba, ông Florentino de Jesus Martins — một Giáo lý viên 89 tuổi — đã chia sẻ cam kết trọn đời của mình với Giáo hội. Ông bắt đầu trở thành Giáo lý viên vào năm 1956 và phục vụ trong suốt 56 năm, bao gồm cả ở các điểm truyền giáo và các địa điểm khác, cho Giáo phận Dili.
Vì không có phương tiện đi lại hiện đại, ông Martins kể lại rằng ông “thường phải đi bộ từ 6 đến 10 km để dạy Giáo lý”.
“Trên đường đi, đôi khi tôi phải đối mặt với những thách thức như mưa và gió lốc mạnh, hoặc phải nghỉ qua đêm trong suốt hành trình. Bất chấp những thách thức, tôi không bao giờ nản lòng và tôi tiếp tục làm việc với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và sự tận tụy cao nhất”.
Mặc dù đã nghỉ hưu vào năm 2017 vì lý do sức khỏe, ông Martins vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho những anh chị em Giáo lý viên khác.
Gỗ đàn hương và hương thơm của Chúa Kitô
Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng giống như Maria thành Bêtania – chị gái của Mác-ta và Lazarô – đã xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu, người Công giáo được kêu gọi gìn giữ và lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.
“Anh chị em thân mến, anh chị em chính là hương thơm của Chúa Kitô”, Đức Giáo hoàng nói, đề cập đến sự phát triển dồi dào của đất nước này về gỗ đàn hương thơm, có giá trị cao và liên hệ nó với “bonum odor Christi” (hương thơm của Chúa Kitô).
“Giống như cây đàn hương, xanh tươi và mạnh mẽ, lớn lên và kết trái, anh chị em là những môn đệ truyền giáo mang hương thơm của Chúa Thánh Thần để ‘làm say đắm’ cuộc sống của người khác”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.
Đức Giáo hoàng cảnh báo cộng đoàn hiện diện đừng để mình rơi vào “sự tầm thường hờ hững về mặt tâm linh”, mà thay vào đó trung thành gìn giữ hương thơm của Chúa Kitô.
“Chúng ta [các tín hữu Công giáo] có lý khi nhìn lại với lòng biết ơn về lịch sử trước đây của mình, về hạt giống đức tin đã được gieo trồng ở đây”, Đức Giáo hoàng nói, đồng thời ca ngợi những nhân chứng vừa phát biểu trước cộng đoàn.
“Nhưng liệu điều này có đủ không? Trên thực tế, chúng ta phải luôn thổi bùng ngọn lửa đức tin”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh, giải thích rằng điều này đồng nghĩa với việc đào sâu kiến thức về Giáo lý Kitô giáo, sự thanh luyện dưới ánh sáng Tin Mừng và sự tăng trưởng thiêng liêng.
Đông Timor, “có nguồn gốc từ lịch sử Kitô giáo lâu đời, cũng cần một động lực mới hướng tới công cuộc truyền giáo, để hương thơm của Tin Mừng có thể đến với mọi người, hương thơm của sự hòa giải và hòa bình sau nhiều năm chiến tranh; hương thơm của lòng trắc ẩn, giúp người nghèo vực dậy và truyền cảm hứng cho một cam kết mới nhằm phục hồi phúc lợi kinh tế và xã hội của đất nước; hương thơm của công lý chống lại vấn nạn tham nhũng”, Đức Giáo hoàng cho biết thêm.
“Hãy cẩn thận với vấn nạn tham nhũng”, Đức Giáo hoàng nói.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi các tín hữu Công giáo địa phương chống lại sự đau khổ do tình trạng nghiện rượu và bạo lực cũng như vượt qua mọi sự thiếu tôn trọng đối với phẩm giá của phụ nữ bằng hương thơm của Tin Mừng.
“Tin Mừng của Chúa Giêsu có sức mạnh biến đổi những thực tại đen tối này và tạo ra một xã hội mới”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi tất cả cộng đoàn hiện diện tại Nhà thờ Chính Tòa Dili rằng: “Đừng nản lòng! Như Cha Sancho đã nhắc nhở chúng ta hôm nay trong lời chứng cảm động của ngài, ‘Thiên Chúa biết cách làm thế nào để chăm sóc những người mà Ngàii đã kêu gọi và sai đi thực hiện sứ mệnh của Người’”.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Minh Tuệ (theo CNA)