
Đức Cha Eric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám mục Địa phận Reims và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp (Ảnh: BRUNO LEVY / CIRIC)
Một Giám mục hàng đầu của Pháp chia sẻ rằng các tín hữu có thể tích cực thực hành đức ái Kitô giáo và thể hiện tinh thần liên đới của con người thậm chí ngay cả trong thời gian bị cách ly vì coronavirus.
Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort đã trở thành Linh mục được gần 30 năm, 11 năm với tư cách là Giám mục.
Vị Tổng Giám mục người Paris, 58 tuổi, đã lãnh đạo Giáo phận Reims lâu đời kể từ tháng 8 năm 2018 và sắp hoàn thành năm đầu tiên với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.
Ngài nhấn mạnh rằng các tín hữu Công giáo cần duy trì sự liên đới trong giai đoạn hạn chế này để chống lại sự lây lan của COVID-19.
Trong cuộc phỏng vấn với Arnaud Bevilacqua, cộng tác viên của tờ La Croix, Đức Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort đã giải thích những điều Giáo hội tại Pháp đang thực hiện nhằm giúp các tín hữu Công giáo vượt qua thời gian thử thách này.
La Croix: Tổng thống Macron đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chúng ta hiện đang trong cuộc chiến với COVID-19, và các biện pháp chưa từng có đang được thực hiện. Giáo hội có thể gửi đi thông điệp gì cho đất nước trong tình huống đầy những ưu tư này?
Đức Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort: Trước hết, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về vệ sinh và sự hạn chế tối đa bởi vì chúng ta có trách nhiệm với nhau. Sống tinh thần bác ái là để hiểu rằng những cử chỉ đó, ngay cả những điều đơn giản từ phía chúng ta, đóng góp cho thiện ích chung.
Ngoài ra, chúng ta cần cẩn thận coi chừng việc đầu hàng sự sợ hãi hoặc hoảng loạn. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đã thực hiện điều này với dịch bệnh ở nước ta. Nhưng giờ đây, chúng ta nhận thức rõ hơn rằng chúng ta thuộc về cùng một đại gia đình nhân loại, mà cả hai đều vô cùng mạnh mẽ và đồng thời cũng rất mong manh.
Chúng ta cũng cần phải ý thức về quy mô của nó. Rõ ràng, chúng ta cần phải kềm chế đại dịch, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần phải nhớ rằng có những quốc gia phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn chúng ta; những nơi đang có chiến tranh, những nơi đang trải qua nạn đói kém, v.v.
Điều quan trọng là chúng ta không được tự co cụm lại trong chính mình trong thời gian hạn chế này, nuôi dưỡng những sự lo lắng của chúng ta, nhưng chúng ta luôn nhìn vào thế giới rộng lớn và nghĩ đến những người đang gặp khốn cùng.
Trong thời gian của những sự sợ hãi và bị cô lập áp đặt này, làm thế nào người Công giáo có thể đóng góp và đưa ra lời chứng?
Tôi muốn mời gọi tất cả các Kitô hữu nhiệt thành cầu nguyện cho những người sẽ bị tấn công bởi sự đau buồn và những người sẽ phải chịu sự cách ly. Vì chúng ta không thể ôm nhau hoặc nắm tay nhau khi đối diện với sự đau đớn, ít nhất chúng ta cũng hãy làm như vậy về mặt tinh thần.
Chúng ta phải cầu nguyện đặc biệt cho những người sẽ chết trong sự cô đơn hoặc gần như cô độc, cho những gia đình sẽ phải mất những người thân yêu của họ mà không thể cùng đồng hành với họ tại bệnh viện. Tang lễ cũng bị hạn chế. Tất cả điều này là vô cùng đau đớn.
Liệu đây có phải là lý do tại sao Hội đồng Giám mục Pháp đã quyết định đưa ra một sáng kiến mang tính biểu tượng?
Vào thứ Tư, ngày 25 tháng 3, trên thực tế, các Giám mục đang đề xuất việc kéo chuông nhà thờ vào lúc 7:30 tối và mọi người sẽ thắp nến và đặt chúng bên cửa sổ.
Chúng tôi cũng đề nghị các tín hữu Công giáo cầu nguyện với tràng chuỗi Mân côi, đặc biệt cho những người đã qua đời, những người nhiễm bệnh, những người chăm sóc cho họ đang nỗ lực làm việc với tinh thần quả đảm và quảng đại, và tất cả những người mà giừ đây đang gặp phải những khó khăn.
Trong Mùa Chay, điều cần thiết là phải giữ cho tâm hồn của chúng ta luôn luôn rộng mở. Tôi cũng đang nghĩ về những người đang lo lắng về thu nhập của họ. Chúng tôi sẽ phải thể hiện tinh thần liên đới xã hội và trong gia đình. Sẽ có nhiều cách để trở thành môn đệ của Chúa Kitô và đem tình yêu thương những người thân cận vào thực tế.
Làm thế nào chúng ta có thể duy trì sự gắn kết của sự liên đới bất chấp những hạn chế?
Bạn luôn có thể gọi hoặc viết hoặc gửi một gói cứu trợ cho những người lớn tuổi hoặc bị cách ly. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể tìm ra những phương cách để trợ giúp. Các sáng kiến đã được đưa ra.
Sự hạn chế không được trở thành một sự ích kỷ. Các Kitô hữu, những người có thể tìm chỗ ẩn náu ở nông thôn, không được quên những người nhiễm bệnh hoặc các gia đình đang đau buồn. Ơn gọi của chúng ta đó là khóc cùng với những người than khóc.
Tuy nhiên, trong các bệnh viện và các nhà tù, sứ mạng của các Linh mục Tuyên úy đó là trở thành một nguồn sức mạnh. Chúng tôi sẽ theo dõi để xem điều này được triển khai thế nào.
Trong khi các Thánh lễ công cộng đã bị đình chỉ, làm thế nào để người Công giáo có thể giữ Mùa Chay tốt hơn?
Các Giáo phận và các Giáo xứ đang rất sáng tạo, đặc biệt là nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại. Các cuộc tụ họp ảo hàng ngày hoặc hàng tuần cũng được tổ chức để hỗ trợ đời sống tâm linh của các tín hữu. Chúng ta có nghĩa vụ phải sống một Mùa Chay một cách sốt sắng, như trong quá khứ.
Tất nhiên, chúng ta có thể dành thời gian này ở nhà để theo dõi các chương trình truyền hình, nhưng sẽ có ích lợi hơn khi đọc các bài đọc tâm linh và dành thời gian để cầu nguyện một mình hoặc cùng với gia đình. Chúng ta phải xem thời gian này, có thể kéo dài và làm mất phương hướng, như một lời kêu gọi để tập trung vào các yếu tố cần thiết và kín múc từ các nguồn lực nội tại của chúng ta.
Làm thế nào chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của thử thách này từ góc độ đức tin? Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những điều này? Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cầu xin Thiên Chúa ‘chấm dứt dịch bệnh’.
Đây là một câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người trong mỗi dịch bệnh lớn trong lịch sử của chúng ta. Khi Chúa Giêsu được kể về vụ tàn sát những người Galilê và sự sụp đổ của tháp Si-lô-ác (Luca chương 13), Ngài giải thích rằng những người đó không phải là những người mắc tội nặng hơn bất kỳ ai khác.
Chúa Giêsu đã không làm cho các môn đệ của mình thoát khỏi số phận chung của nhân loại, nhưng đảm bảo với chúng ta rằng những ai trải qua niềm vui và thử thách của họ qua việc yêu mến Thiên Chúa và những người thân cận đã được đưa vào đời sống vĩnh cửu. Ân sủng của Thiên Chúa đã được ban vì điều này.
Vấn đề không phải là nghĩ rằng Thiên Chúa đang trừng phạt chúng ta, mà là tự hỏi tôi có thể thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình để sống tình yêu của Thiên
Chúng ta có thể làm gì để tận dụng tốt hơn thời gian đầy những sự hạn chế này, vốn đang khiến cho cuộc sống bình thường của chúng ta bị đảo lộn?
Thời gian của sự thiếu thốn này có thể cho phép chúng ta tại khám phá cuộc sống gia đình: niềm vui của việc cùng nhau vui chơi, cùng nhau cầu nguyện, dành thời gian cho nhau để cùng nhau dùng bữa. Chúng ta buộc phải sống cuộc sống của mình thông qua cầu nguyện, thinh lặng và lắng nghe nhau hầu làm cho cuộc sống của chúng ta luôn thú vị.
Giai đoạn này đang buộc tất cả chúng ta phải chậm lại.
Đức Cha có nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này có thể giúp chúng ta đón nhận tốt hơn sự mong manh yếu đuối và thân phận phải chết của chúng ta?
Với mỗi dịch bệnh, nhân loại tự hứa với mình rằng nó sẽ không còn làm như trước đây.
Trong Kinh Thánh, đó là một câu hỏi về sự chân thành của việc ăn năn hoán cải. Tôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng này sẽ là cơ hội để chúng ta đặt câu hỏi cho các lựa chọn cá nhân và tập thể của chúng ta.
Chúng ta biết rằng chúng ta phải chấp nhận những thay đổi mạnh mẽ trong cách sống của chúng ta, đặc biệt là với những sự hạn chế ràng buộc về sinh thái.
Hành tinh của chúng ta đang trở nên cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm không còn có thể chịu đựng được, sự bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng. Liệu chúng ta sẽ có thể học được điều gì từ hậu quả của việc này ở cấp độ tập thể?
Minh Tuệ (theo La Croix)