
Đức cố Giáo hoàng Phanxicô hôn chân Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir, và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar vào ngày 11 tháng 4 năm 2019 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Sau khi qua đời, Giáo hội Châu Phi cho biết Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã đóng vai trò đặc biệt đối với các tín hữu Công giáo tại lục địa này.
Trong khi Giáo hội đang chờ đợi Mật nghị Hồng y khai mạc vào ngày 7 tháng 5, nhiều tín hữu Công giáo châu Phi hy vọng một Hồng y trong khu vực của họ có thể trở thành Giám mục Rôma.
Khi các tín hữu Công giáo ở Châu Phi cầu nguyện, hai hình ảnh mang tính biểu tượng của Đức Phanxicô vẫn được khắc ghi trong trái tim người dân Châu Phi qua nhiều thế hệ.
Bức ảnh đầu tiên được chụp vào ngày 11 tháng 4 năm 2019. Vào cuối kỳ tĩnh tâm kéo dài hai ngày tại Vatican dành cho các nhà lãnh đạo chính trị đối địch của Nam Sudan, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã yêu cầu Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir và nhà lãnh đạo phe đối lập Riek Machar tiến hành thỏa thuận hòa bình bất chấp khó khăn ngày càng gia tăng. Sau đó, ngài quỳ xuống và hôn chân từng nhà lãnh đạo một.
“Với ba nhà lãnh đạo đã ký hiệp định hòa bình, tôi xin quý vị với tư cách là một người huynh đệ: Hãy giữ gìn hòa bình”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nói với các nhà lãnh đạo của quốc gia châu Phi nghèo đói này.
“Tôi kêu cầu xin quý vị bằng cả trái tim mình. Chúng ta hãy tiến về phía trước. Sẽ có rất nhiều vấn đề, nhưng chúng sẽ không chiến thắng chính mình. Hãy tiến về phía trước, tiến về phía trước, và giải quyết các vấn đề. Các bạn đã bắt đầu một tiến trình. Cầu mong rằng nó sẽ kết thúc cách tốt đẹp”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nói.
“Sẽ có những sự tranh đấu và bất đồng giữa quý vị nhưng hãy để điều này diễn ra trong cộng đồng – bên trong văn phòng, chẳng hạn – nhưng trước mặt mọi người, hãy nắm tay nhau, đoàn kết; để với tư cách là những công dân bình thường, quý vị sẽ trở thành những người cha của đất nước”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nói thêm.
Bức ảnh về sự kiện đó đã được đăng trên trang Facebook của Đài truyền hình Azande vào sáng sớm Chúa Nhật ngày 21 tháng 4 – cùng buổi sáng Đức cố Giáo hoàng Phanxicô qua đời, kèm theo một thông điệp ngắn gọn: “Chúng tôi cầu nguyện để mọi nỗ lực của ngài nhằm đạt được hòa bình tại Nam Sudan sẽ trở thành hiện thực”.
Hình ảnh đó và thông điệp đi kèm đã khơi dậy dòng cảm xúc tuôn trào. Một người theo dõi tự nhận là Thomas Kenya cho biết đó là “khoảnh khắc mà thế giới không bao giờ quên được”.
Ông mô tả đó là “một hành động yêu thương mạnh mẽ và khiêm nhường, cầu xin họ theo đuổi hòa bình và thống nhất vì lợi ích của những người dân đang đau khổ. Đây không chỉ là một cử chỉ—mà là tiếng kêu từ trái tim của một người tôi trung của Thiên Chúa. Gửi đến các nhà lãnh đạo Nam Sudan: Nếu các vị tiếp tục phớt lờ lời thỉnh cầu này của Đức Giáo hoàng, đại diện của Thiên Chúa trên trần gian, hãy ý thức rằng các vị sẽ phải chịu sự phán xét của Ngài. Ngài đã quỳ xuống trước các vị, không phải trong sự yếu đuối, mà trong sức mạnh của lời kêu gọi hòa giải của Chúa Kitô. Mong các vị ghi nhớ khoảnh khắc đó. Cầu mong nó xuyên thấu trái tim các vị. Và cầu mong các vị cuối cùng chọn con đường hòa bình, vì lợi ích của người dân của quý vị và trước mặt Thiên Chúa”.
Một người theo dõi khác, Orancet Mwangala, cho biết điều đó thật “cảm động”.
“Lãnh đạo Nam Sudan nên thể hiện sự tôn kính đối với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô bằng cách khôi phục hòa bình tại đất nước của họ”.
Một người theo dõi thứ ba, Austin Chika Obichere, đã kêu gọi Tổng thống Salva Kiir và nhà lãnh đạo phe đối lập Riek Machar “hãy bảo vệ sự uy quyền của họ ngay bây giờ vì nền hòa bình bền vững ở Nam Sudan”.
Với tâm tình tri ân cảm động đối với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, Tổng thống Kiir đã nhớ lại ngày Đức cố Giáo hoàng hôn chân mình.
“Không cần phải nói cũng biết rằng Nam Sudan chiếm một vị thế đặc biệt trong trái tim của Đức Thánh Cha Phanxicô”, ông Kiir phát biểu trong lời tri ân Đức cố Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 21 tháng 4.
“Hành động ân cầnvà khiêm nhường của ngài thể hiện trong chuyến thăm Rôma năm 2019, khi ngài quỳ xuống hôn chân chúng tôi là bước ngoặt đối với chúng tôi, những đối tác hòa bình”, Tổng thống Kiir nói.
Sau đó, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm Nam Sudan vào tháng 2 năm 2023 với cùng thông điệp hòa bình.
“Nhân danh Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta đã cùng nhau hiệp ý cầu nguyện tại Rôma, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Thiên Chúa mà người dân của đất nước thân yêu này tin tưởng phó thác, giờ đây là lúc phải nói ‘Không còn chuyện này nữa’, chúng ta đừng để những chuyện như vậy xảy ra nữa, không có ‘nếu’ hay ‘nhưng’”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nói trong bài phát biểu trước Tổng thống Kiir và các nhà lãnh đạo chính trị khác của đất nước tại Juba, thủ đô của Nam Sudan vào ngày đầu tiên của chuyến thăm.
“Đừng gây ra sự đổ máu nữa”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô khẩn cầu, và ngài nói them: “Đừng xung đột nữa, đừng gây thêm bạo lực nữa và đừng đổ lỗi cho nhau về việc ai phải chịu trách nhiệm nữa; đừng để cho người dân của quý vị còn phải mòn mỏi khát khao hòa bình nữa”.
Tuy nhiên, đất nước này vẫn bị chia rẽ sâu sắc, với các cuộc giao tranh mới bùng phát sau vụ bắt giữ các nhân vật chính trị, bao gồm cả phó Tổng thống Riek Machar bởi chính quyền của Tổng thống Kiir.
Tuy nhiên, Tổng thống Kiir tin rằng với sự gần gũi và lời cầu nguyện của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, hòa bình vẫn có thể đạt được ở Nam Sudan.
“Những nỗ lực của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nhằm thúc đẩy hòa bình ở đất nước chúng tôi đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử đất nước chúng tôi”, Tổng thống Kiir phát biểu trong lời tri ân dành cho Đức cố Giáo hoàng.
“Những lời cầu nguyện và sự khích lệ của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã duy trì quyết tâm của chúng tôi trong việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận hòa bình bất chấp những thách thức. Ngài không dừng lại ở đó; ngài luôn luôn mở rộng cánh tay và nhắc nhở chúng tôi về tầm quan trọng của hòa bình bất cứ khi nào chúng tôi đi chệch hướng”, Tổng thống Kiir nhắc lại.
Hình ảnh thứ hai nói lên cam kết của Đức Phanxicô đối với hòa bình và xóa đói giảm nghèo ở châu Phi bị chiến tranh tàn phá là khi ngài mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Đức Bà ở Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi vào ngày 29 tháng 11 năm 2015. Sự kiện này nhằm chào đón sự khởi đầu của Năm Thánh Lòng Thương Xót Ngoại thường, chính thức khai mạc vào ngày 8 tháng 12 năm 2015.
“Ngày nay, Bangui trở thành thủ đô tinh thần của thế giới”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô phát biểu.
“Năm Thánh Lòng Thương Xót đến sớm hơn dự kiến đối với đất nước này – một đất nước đã phải chịu đựng nhiều năm chiến tranh và hận thù, hiểu lầm và thiếu hòa bình. Nhưng đất nước đau khổ này cũng bao gồm tất cả những quốc gia mang thập giá chiến tranh. Bangui sẽ là thủ đô tinh thần của lời cầu nguyện khẩn nài Lòng thương xót của Chúa Cha. Tất cả chúng ta cầu xin hòa bình, lòng thương xót, sự hòa giải, sự tha thứ, tình yêu. Đối với Bangui, đối với toàn bộ Cộng hòa Trung Phi, đối với toàn thế giới, đối với các quốc gia đang phải chịu đựng chiến tranh, chúng ta cầu xin hòa bình!”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo Crux)