
Những người biểu tình tấn công một chiếc xe thuộc sở cứu hỏa trong cuộc diễu hành Ngày Quốc tế Phụ nữ tại quảng trường chính của Mexico City, Zocalo, Chúa nhật, ngày 8 tháng 3 năm 2020. Các cuộc biểu tình chống bạo lực giới ở Mexico đã gia tăng trong những năm gần đây trong bối cảnh của tình trạng gia tăng việc giết phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh: Rebecca Blackwell/ AP)
Trên khắp Mexico, bao gồm cả thủ đô Mexico City, những người biểu tình đã tấn công các nhà thờ Công giáo, chủ yếu bằng cách ném sơn vào nhà thờ, nhưng một số với các thiết bị gây cháy nổ, bao gồm cả bom xăng Molotov.
Tại Mexico City, một nhóm nhỏ bao gồm các nữ cảnh sát đã nhanh chóng bị khống chế bởi một nhóm phụ nữ đầy bạo lực, những người đã tấn công vào các bức tường nhà thờ. Cũng liên quan đến việc một số ít tín hữu đang cố gắng bảo vệ nhà thờ khỏi sự phá hoại, một sự xuất hiện phổ biến trong các cuộc biểu tình nữ quyền ở Mỹ Latinh.
Cuộc biểu tình diễn ra trong một “cuộc đình công toàn quốc” được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 để phản đối tình trạng bạo lực gia tăng đối với phụ nữ ở Mexico. Cuộc đình công xảy ra một ngày sau Ngày Quốc tế Phụ nữ Liên Hợp Quốc, được tổ chức vào ngày 8 tháng 3.
Cuộc tấn công nhằm vào tài sản của Giáo hội đã xảy ra bất chấp sự hỗ trợ của một số giám mục đã đưa ra để ủng hộ chiến dịch nhằm bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ Mexico.
Vào ngày 8 tháng 3, Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes Địa phận Mexico City cho biết rằng chủ nghĩa nam quyền (machismo) hay chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism) là nguồn gốc của tình trạng bạo lực gia tăng đối với phụ nữ trong nước.
“Tại Mexico, chủ nghĩa nam quyền đã gây ra nhiều vụ giết hại phụ nữ”, Đức Hồng Y Aguiar nói, sử dụng một thuật ngữ vốn đã trở nên phổ biến trong khu vực để mô tả các vụ giết hại phụ nữ bạo lực bởi các đối tác nam hoặc người phối ngẫu trước đây của họ. “Đây là điều không thể dung thứ, và do đó, chúng tôi không chỉ muốn thể hiện sự liên đới và đồng hành cùng với những người phụ nữ phải chịu đựng bạo lực, nhưng chúng tôi còn tôn vinh bất kỳ sáng kiến hay chính sách công nào giúp xóa bỏ văn hóa độc hại xâm chiếm chúng ta”.
Những chia sẻ của Đức Hồng Y Aguiar đã được công bố trên tạp chí Tổng giáo phận hàng tuần, Tạp chí Desde la Fe.
Đức Hồng Y Aguiar cũng viết rằng nhân loại có “một khoản nợ không thể tính được và không thể giải quyết được” đối với phụ nữ và việc chấm dứt bạo lực giới không chỉ là một hành động của công lý mà còn là một điều cần thiết bởi vì “món quà của phụ ngày càng cấp bách trong việc xây dựng các quy trình nhân văn đòi hỏi trong tất cả các lĩnh vực của xã hội”.
Đức Hồng Y Aguiar không phải là vị Giám mục duy nhất bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với phụ nữ, và một số người thậm chí còn đề nghị các Nữ tu tham gia cuộc đình công của phụ nữ quốc gia hôm thứ Hai, với lời cảnh báo rằng Giáo hội Công giáo là một tổ chức không thể ủng hộ “một số quyền” mà các nhóm nữ quyền đòi hỏi vốn vượt xa việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, cụ thể là yêu cầu việc phá thai hợp pháp và được cung cấp công khai.
Nhà thờ Công giáo ở Mexico bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cuộc biểu tình nữ quyền đó là Nhà thờ Chính Tòa Hermosillo, thuộc bang Sonora. Khoảng 80 tín hữu có mặt trong nhà thờ khi những người biểu tình bắt đầu tấn công nhà thờ phải được lực lượng bảo vệ quốc gia sơ tán, rời khỏi hiện trường thông qua cửa phụ và trong các nhóm nhỏ để tránh bị tấn công. Những kẻ bạo loạn đã phá vỡ các tấm kính trên cửa nhà thờ sau khi thất bại trong việc phá cửa.
Vụ tấn công bắt đầu trong khi Thánh lễ Chúa nhật đang được cử hành bên trong nhà thờ, và sau vụ việc, những người biểu tình sơn vẽ đầy những slogan như “phá thai hợp pháp”, “ấu dâm” và “nó sẽ sụp đổ” nguệch ngoạc trên tường nhà thờ. Không rõ liệu slogan cuối cùng có liên quan đến Giáo hội Công giáo hay điều mà phong trào nữ quyền tin là một hệ thống “mang tính gia trưởng”, vì slogan thường dùng bằng tiếng Tây Ban Nha là “hệ thống này rồi sẽ sụp đổ”.
Trong khi đó ở Colombia, những người biểu tình nữ quyền cực đoan cũng phá hoại một số nhà thờ trong các cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, bao gồm Nhà thờ La Sagrada Pasion ở Bogota, nơi mà những người biểu tình vẽ những slogan ủng hộ phá thai trong khi hô vang: “Nếu như Giáo hoàng là phụ nữ, việc phá thai sẽ là hợp pháp” và “Chúng tôi cần phải hủy bỏ hệ thống gia trưởng này”.
Thậm chí ngay cả ở quê hương của Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Argentina, những hình ảnh có sẵn trên Twitter cho thấy việc phụ nữ sử dụng cửa chính của Nhà thờ Chính Tòa ở thủ đô Buenos Aires như một phòng tắm công cộng trong các cuộc biểu tình vào ngày 8 tháng 3.
Các cuộc biểu tình đã xảy ra ngay sau khi tổng thống đắc cử của Argentina, ông Alberto Fernández, tuyên bố vào ngày 2 tháng 3 rằng ông dự định hợp pháp hóa việc phá thai ở nước này.
Cuộc tranh luận về việc phá thai thường mang những âm mưu chống giáo sĩ ở Argentina, nơi mà một động thái nhằm hợp pháp hóa hành động này đã bị đánh bại trong gang tấc bởi Thượng viện của quốc gia này vào năm 2018. Vào thời điểm đó, một số thượng nghị sĩ nữ đứng trước Quốc hội hô vang: “Nếu như việc phá thai không được hợp pháp, chúng tôi sẽ thiêu hủy nhà thờ của quý vị”.
Các cuộc tuần hành chống giáo sĩ khác trong các cuộc biểu tình ủng hộ phá thai ở Argentina bao gồm việc đốt một hình nộm ĐTC Phanxicô khổng lồ và một cuộc biểu tình liên quan đến một người phụ nữ trong trang phục giống như Đức Trinh Nữ Maria mô phỏng việc chấm dứt thai kỳ với Chúa Giêsu.
Hoàng Thịnh (theo Crux)