Các nhà thờ bị tấn công trên hòn đảo thuộc Pháp trong bối cảnh phong trào ‘bài Kitô giáo’ gia tăng

Một người biểu tình ủng hộ độc lập người Kanak tại một chốt kiểm soát ở Houailou trên bờ biển phía đông của vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương, ngày 1 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: THEO ROUBY/ AFP/ Getty Images.)

Một người biểu tình ủng hộ độc lập người Kanak tại một chốt kiểm soát ở Houailou trên bờ biển phía đông của vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương, ngày 1 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: THEO ROUBY/ AFP/ Getty Images.)

Từ Israel đến Ấn Độ đến Ai Cập, các vụ tấn công nhắm vào nhà thờ và các biểu tượng khác của Kitô giáo ở phương Đông đã trở nên thường xuyên đến mức giờ đây, theo lời của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, là điều “phổ biến”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một hiện tượng mới đã xuất hiện: việc xúc phạm các nhà thờ phương Tây ở châu Âu và Bắc Mỹ, một xu hướng mà một số người gọi là hành vi “bài Kitô giáo” (Christianophobia).

Một báo cáo đầu năm nay của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình đã nhấn mạnh sự gia tăng đáng báo động các hành vi đốt phá và phá hoại nhà thờ tại Hoa Kỳ vào năm 2023; có 436 hành vi như vậy, gấp đôi số vụ việc được ghi nhận vào năm 2022.

Đây là một cuộc tấn công trên toàn quốc, bao gồm 48 tiểu bang, chỉ có Hawaii và Wyoming là không bị ảnh hưởng.

California báo cáo số vụ tấn công lớn nhất, 33 vụ, có lẽ là manh mối về thủ phạm của hành vi báng bổ; Golden State là cái nôi của Chủ nghĩa Tiến bộ cấp tiến, kẻ thù của Giáo hội, vốn là hiện thân của các nguyên tắc về “đức tin, gia đình và quốc kỳ” mà phe cánh tả cấp tiến cực kỳ căm ghét.

Canada cũng đã trải qua một làn sóng bài Công giáo kể từ sau tuyên bố vào năm 2021 rằng các ngôi mộ tập thể của trẻ em bản địa đã được tìm thấy tại Trường nội trú dành cho người da đỏ Marieval, một phần của hệ thống trường nội trú dành cho người da đỏ Canada tại Marieval, Saskatchewan.

Không có ngôi mộ nào như vậy từng được phát hiện nhưng cuộc tranh cãi đi kèm với tuyên bố này – và vẫn chưa được chính thức phủ nhận bởi các phương tiện truyền thông và chính phủ đã nhảy vào cuộc – đã gây ra một làn sóng căm thù dữ dội đối với Kitô giáo, đặc biệt là Giáo hội Công giáo, trong hầu hết các trường hợp chịu trách nhiệm điều hành các trường học nội trú.

Trong hai năm qua, 96 nhà thờ đã bị phóng hỏa, phá hoại và phá hủy ở Canada. Thủ phạm được cho là sự kết hợp giữa những kẻ cực đoan cánh tả và những thanh niên hư hỏng từ các khu vực dành riêng cho người bản địa.

Một trong những nhà thờ đầu tiên bị thiêu rụi vào tháng 7 năm 2021 là Nhà thờ St Gregory ở British Columbia. Thủ lĩnh người Mỹ bản địa Clarence Louie thuộc nhóm người da đỏ Osoyoos đã lên án vụ tấn công và nói: “Tôi không nghĩ người da trắng đến đây và phóng hỏa nơi này”.

Điều này cho thấy rằng ngôi nhà thờ đã bị phá hủy, rất có thể, vì với một số người, nó là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân, đây chính là động cơ bị nghi ngờ đằng sau làn sóng tấn công đốt phá nhà thờ mới nhất xảy ra trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương.

4 nhà thờ đã bị phóng hỏa vào mùa hè năm nay tại vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia của Pháp. Bạo lực nổ ra vào tháng 5 năm nay khi người Kanaks bản địa phát động phong trào đòi độc lập.

Vụ tấn công đốt phá gần đây nhất xảy ra vào ngày 14 tháng 8, khi một loạt vụ phóng hỏa xảy ra tại một nhà thờ ở thị trấn Poindimé, phá hủy phòng thánh, bàn thờ, nhà nguyện và đồ đạc.

Các vụ tấn công đã bị phong trào độc lập của người Kanaks lên án. Hơn 52% trong số 270.000 dân số của New Caledonia đã được rửa tội, bao gồm nhiều người Kanaks, những người cũng thường xuyên đi nhà thờ.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các địa điểm thờ phượng thuộc Giáo hội Tin Lành trên hòn đảo lại không bị nhắm đến. Các tín hữu Tin Lành từ Hội Truyền giáo London là những người đầu tiên đến New Caledonia vào giữa thế kỷ 19, tiếp theo là các tu sĩ thuộc Dòng Các Thầy Maria (Marist Brothers) của Giáo hội Công giáo.

Kể từ những năm 1970, Giáo hội Tin lành chính của New Caledonia, với gần 40.000 thành viên là người Kanak, đã ủng hộ nền độc lập; Giáo hội Công giáo vẫn luôn giữ thái độ trung lập.

Một số người cũng tin rằng những kẻ đốt phá các nhà thờ Công giáo ở New Caledonia đang làm như vậy nhờ sự khuyến khích của các thế lực bên ngoài, đáng chú ý là Azerbaijan, quốc gia không hề che giấu chiến lược làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp trong khu vực sau khi chính quyền Paris ủng hộ Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan.

Nhưng mặc dù các vụ tấn công gây lo ngại đối với công chúng Pháp khi họ đọc về những tin tức đó ở Pháp, thì họ cũng đã quá quen với các hành động chống Công giáo.

Những hành vi như vậy đã gia tăng trong nhiều năm, từ 857 vụ vào năm 2021 lên 1.000 vụ vào năm ngoái trên khắp nước Pháp.

Điều mà các chính trị gia cánh hữu người Pháp gọi là “bài Kitô giáo” đã trở thành sự kỳ thị tôn giáo phổ biến nhất ở Pháp trong thế kỷ này, mặc dù cũng có một làn sóng bài Do Thái gia tăng kể từ khi Hamas thảm sát hơn 1.000 người Israel vào tháng 10 năm ngoái.

Ngược lại, các vụ tấn công nhắm vào các tín đồ Hồi giáo và các địa điểm thờ phượng Hồi giáo là điều ít phổ biến nhất trong số các hành vi được coi là chống tôn giáo ở Pháp.

Chủ nghĩa bài Hồi giáo có thể trở thành tiêu đề trên các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây, nhưng “chủ nghĩa bài Kitô giáo” chỉ mới đang gia tăng.

Minh Tuệ (theo Catholic Herald)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết