Các nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã mô tả tình hình là “thảm khốc” và đồng thời viện dẫn các vấn đề ở các quốc gia đa dạng như Ấn Độ, Nigeria và Nicaragua tại một phiên điều trần nơi những người ủng hộ tự do tôn giáo thông báo cho các thành viên Quốc hội về điều kiện tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện về Y tế Toàn cầu, Nhân quyền Toàn cầu và Các Tổ chức Quốc tế đã tổ chức phiên điều trần vào ngày 18 tháng 7 với tiêu đề “Tình trạng Tự do Tôn giáo Tàn khốc trên Toàn thế giới” và các nhà lập pháp đã xác định một số quốc gia nơi tự do tôn giáo đang “bị tấn công nghiêm trọng”. Phiên điều trần do Hạ nghị sĩ Chris Smith, R-New Jersey, và là một người Công giáo, chủ trì.
“Đáng buồn thay, hàng tỷ người trên khắp thế giới – một nửa dân số thế giới – không thể thực hành đức tin của họ một cách tự do”, Hạ nghị sĩ Smith nói tại phiên điều trần. “Nhiều người bị đàn áp bởi các chính phủ áp bức hoặc các nhóm cực đoan – bị tấn công, tra tấn, bỏ tù và thậm chí tàn sát dã man vì niềm tin của họ”.
Nigeria
Một số quốc gia được các nhà lập pháp xác định trong hội thảo bao gồm Nigeria, nơi Hạ nghị sĩ Smith cho biết ông đã “tận mắt chứng kiến hậu quả của việc Boko Haram phá hủy các nhà thờ và thánh đường“. “Mặc dù trên giấy tờ, Nigeria có những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ đối với tất cả các tôn giáo, nhưng những vi phạm về tự do tôn giáo đang leo thang”, Hạ nghị sĩ Smith nói.
“Các nhóm cực đoan như Boko Haram và ISIS Tây Phi thực hiện hành vi bạo lực bừa bãi chống lại những người mà chúng coi là ngoại đạo. Ở Vành đai Trung tâm, những kẻ cực đoan Hồi giáo Fulani nhắm mục tiêu và giết hại chủ yếu là nông dân Kitô giáo trong các vụ tấn công tàn bạo”, Hạ nghị sĩ Smith cho biết thêm.
Theo Giáo sĩ Abraham Cooper, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) “Ở Nigeria, các điều kiện tự do tôn giáo vẫn còn rất tồi tệ, với việc các chủ thể nhà nước và phi nhà nước thực hiện những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với cả các Kitô hữu lẫn các tín đồ Hồi giáo”.
“Mặc dù một số quan chức đã nỗ lực làm việc để giải quyết các hành vi vi phạm tự do tôn giáo phổ biến, những người khác tích cực xâm phạm quyền tự do tôn giáo của người Nigeria, bao gồm cả việc thực thi ‘luật báng bổ'”, Giáo sĩ Cooper nói.
Ấn Độ
Giáo sĩ Cooper cũng nói về Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới. “Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới và từ lâu đã là một trong những nền dân chủ năng động nhất, đã tiếp tục sa vào chủ nghĩa dân tộc tôn giáo phân biệt đối xử và làm suy giảm tự do tôn giáo”, Giáo sĩ Cooper nói.
“Các hành động của chính phủ bao gồm việc thông qua và thực thi các chính sách phân biệt đối xử như cấm khăn trùm đầu, luật chống cải đạo và luật chống giết mổ bò đã tạo ra một nền văn hóa miễn trừng phạt đối với các mối đe dọa và bạo lực của các nhóm đội viên dân phòng, đặc biệt nhắm vào các tín đồ Hồi giáo và các Kitô hữu”, Giáo sĩ Cooper nói với tiểu ban.
“Trong khi đó, chính phủ ngày càng đàn áp những tiếng nói chỉ trích, đặc biệt là các nhóm thiểu số tôn giáo và những người ủng hộ họ thông qua việc giám sát, sách nhiễu và truy tố”, Giáo sĩ Cooper nói.
Những người Ấn Độ tự nguyện chuyển đổi từ Ấn Độ giáo sang các tôn giáo khác sẽ bị phạt tiền và bị ngồi tù theo luật chống cải đạo trên toàn quốc. Chính phủ không hề hay biết gì về bạo lực đám đông đang diễn ra nhắm vào các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo, báo cáo năm 2023 của USCIRF tuyên bố, cũng như việc phá hủy nhà cửa, nhà thờ và các tài sản khác của họ.
Nicaragua
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Florida Maria Salazar chỉ ra rằng “đã có hơn 400 vụ tấn công nhắm vào Giáo hội Công giáo ở Nicaragua trong 4 năm qua”. Bà Salazar tập trung chủ yếu vào việc giam giữ Đức Giám mục Rolando Álvarez, người đã bị kết án tùy tiện hơn 26 năm tù vì tội phản quốc.

Đức Giám mục Rolando Alvarez tại Nhà tù Jorge Navarro ở ngoại ô Managua, Nicaragua, ngày 25 tháng 3 năm 2023 (Ảnh: EL 19 DIGITAL/AFP)
Hạ nghị sĩ Smith cũng đã nói về “cuộc đàn áp tàn bạo của chế độ Ortega đối với Giáo hội ở Nicaragua” và cuộc đàn áp chống Công giáo của Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega. “Tôi vẫn vô cùng lo lắng cho Đức Giám mục Álvarez, người gần đây đã được trả tự do nhưng rồi lại tiếp tục bị giam giữ vì đã dũng cảm từ chối rời khỏi đất nước của mình”, Hạ nghị sĩ Smith nói.
“Chế độ Ortega đang nỗ lực bịt miệng Giáo hội Công giáo với tư cách là tổ chức độc lập quan trọng nhất còn tồn tại ở Nicaragua, nhưng nó sẽ không thành công”, Hạ nghị sĩ Smith nói. “Tôi cam kết làm mọi thứ có thể để thúc giục trả tự do cho tất cả những người Nicaragua bị cầm tù vì đức tin của họ”.
Hạ nghị sĩ Susan Wild, D-Pa cho biết, “Thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay rất rõ ràng: bảo vệ và mở rộng quyền tự do lương tâm, khả năng tự do tin hoặc không tin, trước các thế lực của chủ nghĩa độc đoán và loại trừ”.
“Khi các thế lực độc tài nỗ lực sử dụng tôn giáo như một vũ khí để nhắm vào các nhóm người cụ thể, hoặc nhắm vào chính nền dân chủ đa văn hóa, đa chủng tộc của chúng ta”, Hạ nghị sĩ Wild nói, “chúng ta hãy bác bỏ các thế lực đó bằng một tiếng nói về phạm vi tôn giáo, chính trị và xã hội”.
Minh Tuệ (theo La Croix)