Các nhà lãnh đạo tôn giáo và người dân bản xứ tìm cách cứu các khu rừng nhiệt đới

Theo tinh thần Thông điệp của Đức Thánh cha Phanxicô về môi trường, ‘Laudato Si”, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân bản xứ từ hàng chục quốc gia đã gặp nhau ở Na Uy để thảo luận về nguy cơ phá rừng và thay đổi khí hậu. Sáng kiến này tìm kiếm cách thế mới để bảo vệ hành tinh và người dân bản địa bằng sự hợp tác liên tôn.

Bien doi khi hau

ROME – Các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân bản xứ đến từ 21 quốc gia đã tập trung tại Na Uy hôm thứ Hai để khởi động một dự án mới nhằm cứu vãn các khu rừng mưa nhiệt đới của thế giới do ảnh hưởng của nạn phá rừng và thay đổi khí hậu.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành, Do Thái, Phật Giáo và các tôn giáo khác cùng với các nhà lãnh đạo bản xứ từ Brazil, Peru, Indonesia, Colombia và Cộng hòa Dân chủ Congo kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ rừng.

Lấy cảm hứng từ lập trường thẳng thắn của Đức Thánh cha Phanxicô về hiện tượng ấm lên toàn cầu và sự phát triển quá mức trong thông điệp Laudato Si năm 2015, sự kiện mang tính đột phá này đã được tổ chức tại Oslo và được Vua Harald V ủng hộ.

“Nếu không có rừng chúng ta không có cuộc sống; Chúng ta sống nhờ rừng”, Đức ông Marcelo Sanchez Sorondo, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Tòa Thánh Vatican, nói tại hội nghị: “Nếu chúng ta tiếp tục phá rừng, thì cũng giống như tự sát. Chúng ta cần hành động cùng nhau để bảo vệ ngôi nhà chung của mình”.

Hội nghị được báo cáo về quy mô rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ, tiểu vùng Sahara Châu Phi và Châu Á đang giảm mạnh do sản xuất dầu cọ, đậu nành và cây trồng, và các hoạt động khai phá và khai thác mỏ rộng lớn với tổn thất hàng năm tương đương với diện tích của nước Áo (83.870 km2).

Vicky Tauli-Corpuz, một nhà lãnh đạo bản xứ cho những người Kankanaey Igorot ở Philippines, là người báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền của người bản địa, nói rằng các cộng đồng lâm nghiệp đã đặt cuộc sống mình trên con đường chăm sóc rừng nhiệt đới của hành tinh và hội nghị là bước đầu tiên hướng tới sự hợp tác quan trọng.

Bà cũng nói với Religion News Service rằng: “Nhiều tôn giáo chủ chốt liên quan đến việc thuộc địa hoá các cộng đồng của chúng ta. Điều quan trọng là họ đến với nhau để hỗ trợ người dân bản địa là những người bảo vệ chính của rừng.”

Tauli-Corpuz, lãnh đạo cộng đồng chống lại việc mở rộng khai thác gỗ dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, cho biết nạn phá rừng và khai thác khoáng sản đã gây thiệt hại cho cộng đồng 1 triệu người ở bắc Luzon và một số khác ở Philippines. “Chúng ta sẽ không có gì nếu không có rừng”, bà nói. “Văn hoá, tâm linh, sinh kế của chúng ta, thu nhập và sức khoẻ của chúng ta bị ràng buộc với rừng”.

Tauli-Corpuz nói bà hy vọng các cuộc đàm phán ở Oslo sẽ dẫn tới sự hợp tác nhiều hơn với người dân bản địa và ngăn chặn việc vi phạm các quyền của họ: “Đây là những điều cụ thể có thể xảy ra”.

Din Syamsuddin là giáo sư Hồi giáo, người cũng đứng đầu trung tâm thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh ở Jakarta, Indonesia. Ông nói rằng việc tôn trọng thiên nhiên đã được bao gồm trong các giáo lý của Qur’an và đã đến lúc để giáo dục một thế hệ mới về việc cứu rừng.

“Bảo tồn rừng nhiệt đới là hợp thời; Sự bền vững là trách nhiệm của tất cả, trước khi quá muộn”, ông nói với hội nghị Oslo. “Tại sao chúng ta không bắt đầu bây giờ?”

Rabbi David Rosen, giám đốc quốc tế về các vấn đề liên tôn tại Ủy ban Người Mỹ gốc Do Thái, nói thế giới là “một sự sáng tạo tuyệt diệu” và ông cũng tin rằng bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai là một trách nhiệm đạo đức.

Hội nghị Oslo được tổ chức bởi Tổ chức Sáng kiến Rừng và Khí hậu Quốc tế của Na Uy, Tổ chức Rừng nhiệt đới Na Uy và Chương trình Phát triển của LHQ, phối hợp với Diễn đàn về Tôn giáo và Sinh thái tại Đại học Yale, Hội đồng Quốc tế của Giáo Hội và các tổ chức khác.

Các tham dự viên hy vọng sẽ theo sát kế hoạch hành động và hội nghị thượng đỉnh rừng nhiệt đới liên tín ngưỡng toàn cầu vào năm 2018.

Mary Evelyn Tucker, đồng giám đốc Diễn đàn Yale về Tôn giáo và Sinh thái, nói: “Các khu rừng mưa nhiệt đới chiếm một vị trí thiêng liêng trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo và truyền thống tinh thần.

“Với những gì chúng ta đang nghe từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân bản xứ trên toàn thế giới, chúng tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một phong trào toàn cầu xung quanh tầm nhìn chung này”.

Tịnh Trí Thiên (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết