Các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi đối thoại và điềm tĩnh trong bối cảnh của sự bất ổn tại Pháp

Mọi người đứng nhìn những chiếc lốp xe bị đốt cháy trên một con phố ở Bordeaux, miền tây nam nước Pháp vào ngày 29 tháng 6 năm 2023, trong các cuộc bạo loạn và xô xát trên toàn quốc sau vụ việc một sĩ quan cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi do anh từ chối tuân thủ quy định giao thông ở miền tây ngoại ô Paris (Ảnh: Philippe López/AFP qua Getty Images)

Mọi người đứng nhìn những chiếc lốp xe bị đốt cháy trên một con phố ở Bordeaux, miền tây nam nước Pháp vào ngày 29 tháng 6 năm 2023, trong các cuộc bạo loạn và xô xát trên toàn quốc sau vụ việc một sĩ quan cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi do anh từ chối tuân thủ quy định giao thông ở miền tây ngoại ô Paris (Ảnh: Philippe López/AFP qua Getty Images)

Vào cuối tuần qua, các Giám mục Pháp đã cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác phản ứng trước tình trạng bất ổn đang diễn ra ở đất nước của họ bằng lời kêu gọi ôn hòa, đối thoại và điềm tĩnh trở lại.

Các quan chức Giáo hội Công giáo cũng đưa ra lời cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 1 tháng Bảy.

Các cuộc bạo loạn, bùng phát bởi vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi gốc Bắc Phi tên là Nahel M. do không tuân thủ lệnh dừng phương tiện của viên cảnh sát ở Nanterre, ngoại ô Paris, đã dẫn đến nhiều ngày cướp bóc, tấn công vào các tòa nhà công cộng và bạo lực đám đông phá hoại ở một số thành phố.

Theo BBC, khoảng 45.000 sĩ quan đã được triển khai trên khắp đất nước trong suốt 3 đêm qua. Hơn 150 người đã bị bắt giữ vào tối hôm Chúa nhật, giảm so với hơn 700 người vào đêm hôm trước. Toàn bộ mức độ tàn phá và số người bị thương vẫn chưa được thông tin.

Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Pháp bày tỏ sự đau buồn trước cái chết và tình trạng bạo lực. Đồng thời, họ kêu gọi quay trở lại sự an ninh trật tự. “Chúng tôi đồng thanh khẳng định rằng bạo lực không bao giờ là hướng đi đúng đắn”, tuyên bố cho biết, chỉ trích các vụ tấn công nhắm vào các trường học, doanh nghiệp, tòa thị chính và phương tiện giao thông, đồng thời lưu ý rằng cư dân, gia đình và trẻ em của những khu dân cư này là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả.

Văn bản được ký bởi Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort Địa phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.

Những người ký tên khác bao gồm các nhà lãnh đạo của Hội nghị các nhà lãnh đạo Tôn giáo của Pháp: Chems-Eddine Hafiz, giáo trưởng Đền thờ Lớn của Hồi giáo ở Paris; Haïm Korsia, Rabbi trưởng của Pháp; Mohammed Moussaoui, Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Pháp; Đức Giám mục Demetrios Ploumios, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Chính thống Pháp; Mục sư Christian Krieger, chủ tịch Liên đoàn Tin lành Pháp; và Antony Boussemart, chủ tịch Liên hiệp Phật giáo Pháp.

Trước các vụ tấn công nhắm vào cảnh sát và chính quyền, các bên ký kết kêu gọi củng cố “sự tin tưởng cần thiết” giữa các bộ phận dân chúng và các cơ quan thực thi pháp luật. Họ cũng khuyến khích các chính trị gia cùng cộng tác làm việc một cách có trách nhiệm để khôi phục công lý và hòa bình.

“Ngày nay hơn bao giờ hết, chớ gì tất cả mọi tín hữu đều trở thành những người phục vụ hòa bình và công ích. Tất cả chúng tôi đều sẵn sàng đóng góp vào việc này”, tuyên bố kết luận.

Các Giám mục Pháp cũng đã đề xuất một lời cầu nguyện cho việc khôi phục an ninh trật tự trong nước, vốn đã được cung cấp cho các Giáo xứ và các cộng đồng Công giáo ở Pháp.

Dưới đây là nội dung lời cầu nguyện trong bản dịch tiếng Anh:

Lạy Chúa, xin cho chúng con được quay trở lại với sự bình ổn và an ninh trật tự nơi quê hương đất nước của chúng con.

Chúng con trao phó Nahuel trong tay Chúa và cầu nguyện cho những người thân yêu của anh ấy. Xin cho tinh thần ánh sáng và hòa bình đồng hành cùng họ.

Chúng con trao phó cho Ngài những người bị thương trong những đêm bạo lực này, bao gồm cả những người mà nhà cửa và nơi làm việc của họ đã bị phá hủy hoặc hư hại.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho những người làm việc trong lĩnh vực thực thi pháp luật và dịch vụ công cộng, những người đang phải chịu nhiều áp lực và đôi khi bị tấn công.

Xin thôi thúc chúng con thúc đẩy tinh thần đối thoại và hòa bình với các tín hữu của các giáo phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, cũng như với tất cả anh chị em đồng bào của chúng con.

Một lần nữa chúng con cầu xin Chúa ban cho xã hội của chúng con, thậm chí vượt ra khỏi sự bất ổn hiện tại, có thể nhận ra rõ ràng nguồn gốc của bạo lực và tìm cách khắc phục chúng.

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết