Các nhà lãnh đạo của hai giáo phái tôn giáo chính của Malawi – Kitô giáo và Hồi giáo – đã phối hợp phản đối bất kỳ động thái nào nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở quốc gia Đông Phi này.
Họ đã lãnh đạo hàng trăm người mang theo các bảng hiệu và biểu ngữ đi qua đường phố Blantyre, thủ đô thương mại, vào ngày 13 tháng 7 khi công dân Hà Lan Jan Willem Akstar và người bạn đời chuyển giới người Malawi, Jana Gonani, phản đối luật chống đồng tính tại Tòa án tối cao. Hoạt động tính dục đồng giới hiện là hành vi bất hợp pháp ở Malawi và có thể bị phạt tới 14 năm tù.
Đức Tổng Giám mục Công giáo dẫn đầu cuộc tuần hành
Đức Cha Thomas Luke Msusa, Tổng Giám mục Công giáo Địa phận Blantyre, đã dẫn đầu cuộc tuần hành phản đối, theo VOA News. “Nếu chúng ta thay đổi cách chúng ta sống như một gia đình, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không còn tồn tại”, vị Giám chức lập luận với chuỗi tràng hạt trên tay.
“Nếu chúng ta tiếp tục việc kết hôn giữa một người đàn ông với một người đàn ông, chắc chắn sẽ không có các thế hệ con cháu, không có con cái, rồi không có sự sống trên thế giới, không có sự sống ở Malawi”, vị Giám chức 61 tuổi, thành viên của Dòng Thừa sai Monfort, người được bổ nhiệm Tổng Giám mục vào cuối năm 2013, phát biểu.
Vào cuối cuộc tuần hành phản đối vào ngày 13 tháng 7, những người biểu tình đã trình bày một bản kiến nghị tới văn phòng ủy viên quận Blantyre, kêu gọi các nhà lập pháp đừng bao giờ chấp nhận bất kỳ dự luật nào hoặc thông qua bất kỳ luật nào hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Malawi.
Đây không phải là lần đầu tiên các giáo phái tập hợp lại với nhau ở quốc gia Đông Nam Phi này, nơi Kitô giáo chiếm đa số (với 44% theo đạo Tin lành, 18% theo Công giáo) và Hồi giáo (19%). Hội đồng Giám mục Malawi (ECM) và các tổ chức tôn giáo khác, bao gồm Hội đồng các Giáo hội Malawi (MCC), Hiệp hội Tin lành Malawi (EAM), Hiệp hội Hồi giáo Malawi và Hiệp hội Hồi giáo Quadria của Malawi đã ban hành một tuyên bố chung vào tháng 9 năm 2020 lên án đề xuất sửa đổi luật phá thai.
Các tổ chức nhân quyền phản ứng
Cuộc biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính ngày 13 tháng 7 đã gây ra sự phẫn nộ của các tổ chức nhân quyền. Theo quan điểm của họ, nó chỉ có thể khuyến khích sự phân biệt đối xử với người đồng tính.
Eric Sambisa, Giám đốc điều hành của Nyasa Rainbow Coalition, một tổ chức đấu tranh cho quyền của người LGBTQ ở Malawi, cho biết thật đáng buồn khi các nhà lãnh đạo tôn giáo đang khuyến khích sự kỳ thị. “Giáo hội là một tổ chức có tác động mạnh mẽ trong xã hội”, ông Sambisa lưu ý. “Việc chứng kiến Giáo hội đi đầu trong việc phản đối thực sự có thể châm ngòi cho bạo lực chống lại một cộng đồng vốn đã thiệt thòi. Vì vậy, thật đáng buồn khi điều này đang xảy ra”.
Michael Kaiyatsa, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nhân quyền và Phục hồi chức năng, bày tỏ lo ngại rằng cuộc biểu tình này và sự kỳ thị đối với những người đồng tính luyến ái sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống AIDS. “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ nhiễm HIV và AIDS ở những người có hành vi đồng tính luyến ái là khoảng 40% ở Malawi, vì vậy sự phân biệt đối xử với họ có thể sẽ đẩy con số này lên cao hơn nữa”, ông Kaiyatsa lập luận.
Minh Tuệ (theo La Croix)