Một hội nghị liên tôn được tổ chức bởi Cộng đồng Sant’Egidio cam kết chống lại vấn đề cô lập xã hội hiện đang ngày càng gia tăng.

Hội nghị Liên tôn vì Hòa bình lần thứ 6 tại Bờ Biển Ngà được tổ chức bởi Cộng đồng Sant’Egidio tại Abidjan (Ảnh: Guy Aimé Eblotié / LCA)
Một số nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo và Hồi giáo, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo chính trị đã tham dự Hội nghị liên tôn vì Hòa bình lần thứ 6 được tổ chức bởi Cộng đồng Sant’Egidio tại Abidjan vào ngày 21 tháng 10.
Hội nghị lặp lại Cuộc hành hương Thế giới vì Hòa bình (World Pilgrimage for Peace) trước đó do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức tại Bologna, Italy, từ ngày 14-16 tháng 10, nơi mà đại diện của nhiều tôn giáo và văn hóa khác nhau kêu gọi việc xây dựng “những cầu nối hòa bình”.
Trong một bối cảnh tương tự, các nhà lãnh đạo tôn giáo Bờ Biển Ngà cam kết cùng cộng tác với nhau nhằm chống lại những nguyên nhân sâu xa gốc rễ của nhiều xung đột, trong đó có ham muốn quyền lực và tiền bạc, chủ nghĩa cuồng tín và chủ nghĩa dân tộc thái quá.
Họ cũng tiến hành thiết lập và duy trì mối liên kết giữa tất cả mọi người với nhau với nỗ lực chống lại vấn đề cô lập xã hội hiện đang ngày càng gia tăng.
Đừng bao giờ buông xuôi
Lời kêu gọi hòa bình được đưa ra một tuần sau các cuộc bầu cử địa phương đầy bạo lực dẫn đến hậu quả là năm người thiệt mạng, nhiều người bị thương cũng như sự thiệt hại đáng kể về vật chất ở các khu vực bầu cử khác nhau, theo một báo cáo của chính phủ.
Những sự kiện này cũng làm dấy lên những lo ngại giữ những người dân địa phương về triển vọng đối với chiến dịch bầu cử tổng thống vào năm 2020 sắp tới.
“Nhìn vào những tin tức chúng ta nhận được hàng ngày, hòa bình dường như không nằm ở phía cuối chân trời”, Georges Adon, chủ tịch quốc gia của cộng đồng Sant’Egidio, giải thích.
“Vì vậy, đã đến lúc cần phải xây dựng lại những cây cầu nối vốn đang đổ nát mỗi ngày và tạo ra những khoảng trống giữa các nhóm người khác nhau”, ông Adon nói. “Tất cả chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về điều này và thực thi nhiệm vụ của chúng ta”.
Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo đảng phái chính trị đừng bao giờ buông xuôi.
“Là những người tín hữu, chúng ta phải có khả năng hy vọng vào lời cầu nguyện rằng sự thay đổi là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông nhấn mạnh.
“Thay vì những bức tường ngăn cách và những vực thẳm, nhiều người đã cam kết với con đường đối thoại và cầu nguyện, đang hướng tới việc thể hiện ước mơ về một chân trời chung của sự thống nhất nơi mà ánh sáng chan hòa sẽ chiếu tỏa khắp nơi”, ông tiếp tục.
Hành động
Đại diện của các Giáo hội Hồi giáo, Tin lành, Giám lý, Công giáo và Chính thống Hy Lạp cùng nhau cất lên những lời cầu nguyện và bày tỏ mong muốn hòa bình của họ tại Bờ Biển Ngà cũng như trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đã kêu gọi các chính trị gia nuôi dưỡng tinh thần cao thượng và đừng bao giờ khiến con cái của người khác đi ra đường phá hủy tài sản hoặc tự để mình bị giết hại”, nhà lãnh tụ Hồi giáo Amadou Koné, chủ tịch Các vị Imam cấp cao vì Hòa bình và Gắn kết xã hội (High Authority of Imams for Peace and Community Cohesion) tại Bờ biển Ngà, giải thích.
“Chúng tôi cũng đã hướng dẫn các vị imams của chúng tôi rao giảng về tinh thần khoan dung, yêu thương và tha thứ trong các bài giảng, các buổi hội nghị và hội thảo của họ”, nhà lãnh tụ Hồi giáo Amadou Koné nói.
Đối với một tín hữu Tin Lành, Désiré Gnaly, đến từ Hội thánh Phúc Âm Ngũ Tuần (Assemblies of God), mong muốn hòa bình được thể hiện bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau cần phải dẫn đến những hành động cụ thể, như đã xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc thảo luận”, ông nói.
“Ở một số quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Giáo hội đã có thể quy tụ tầng lớp chính trị lại với nhau để có được một thỏa thuận hòa bình. Tôi dám hy vọng rằng, giống như họ, chúng ta cũng sẽ triển khai những hành động cụ thể ở cấp độ cơ sở”, nhà lãnh tụ Hồi giáo Amadou Koné nói.
Minh Tuệ chuyển ngữ