Các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương chia sẻ mối bận tâm về khí hậu tại COP23

Khi hội nghị COP23 về biến đổi khí hậu bước qua tuần lễ thứ hai tại Bonn, Đức, một phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương đã tới tham dự các cuộc thảo luận vào cuối tuần. Họ hy vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để thực hiện thỏa thuận Paris năm 2015 về cắt giảm khí thải carbon và giúp ngăn ngừa tình trạng ấm lên toàn cầu.

Vào cuối tuần qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương để chia sẻ mối quan ngại của Ngài về ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao đối với các cộng đồng tren các quần đảo, ven biển và đánh bắt dễ bị tổn thương. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi việc hợp tác toàn cầu, tinh thần liên đới và các chiến lược để giải quyết tình trạng xấu đi của môi trường và sức khoẻ của các đại dương. Ngài đổ lỗi nhiều nguyên nhân của “sự xuống cấp về môi trường” này cho hoạt động đầy thiển cận của con người, được gây ra bởi việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người.

Ngay trước buổi hội kiến với ĐTC Phanxicô, Philippa Hitchen đã gặp gỡ và trao đổi với hai nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương, Taneti Maamau, Tổng Thống Cộng hòa Kiribati, và Fiame Naomi Mata’afa, Phó Thủ tướng Samoa, trong một cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi đại sứ quán Australia tại Tòa Thánh.

Tổng thống Maamau cho biết vấn đề thay đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân Kiribati xét về vấn đề xói mòn bờ biển, đồng thời ông cũng giải thích rằng nó ảnh hưởng đến chất lượng nước nói riêng. Ở các khu vực ven biển, các con đường cũng bị ảnh hưởng và các trường học thường phải bị đóng cửa khi có hạn hán, nước dâng, thủy triều, và thậm chí là những cơn lốc xoáy. Điều này trở thành những vấn đề thường xuyên, buộc chúng ta phải xem xét các biện pháp thay thế đối với các nguồn cung cấp nước, Tổng thống Maamau nói.

Khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế

Ông liệt kê một vài lựa chọn, chẳng hạn như việc thu gom nước mưa, vốn hiện đang là một vấn đề khó giải quyết vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa vừa đủ. Các giải pháp khác, chẳng hạn như việc khử mặn nước biển, cũng đang được nghiên cứu, Tổng thống Maamau nói, tuy nhiên những công nghệ mới này hiện đang vô cùng đắt đỏ xét về cả mặt nhập khẩu lẫn việc bảo trì.

Thời gian hiện không còn nữa

Tổng thống Maamau cho biết ông đang tìm kiếm một cam kết lớn hơn đối với việc cắt giảm nhiệt độ toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia sản xuất than lớn hơn. Đối với ông, việc các thỏa thuận được thực hiện sớm chừng nào, thì tốt hơn chừng ấy. “Chúng ta không thể chờ đợi. Người dân chúng ta đang kêu gào!”, Tổng thống Maamau nói, đơn giản là vậy.

Lòng biết ơn đối với Laudato Si’

Tổng thống Maamau cho biết rằng ông nhận thấy được sự khích lệ lớn lao trong Thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô. “Trái đất là ngôi nhà của chúng ta, là mẹ chúng ta”, ông nói, và chúng ta phải chăm sóc nó. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà chúng ta đã được trao ban, nhưng đôi khi chúng ta quá tham lam và đầy tham vọng để chúng ta có thể tận dụng tất cả mọi thứ trong tay hầu đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta đã chiếm giữ quá nhiều và điều đó đã gây ra những rắc rối. Thông điệp của tôi muốn nhắn gửi ĐTC Phanxicô đó là, xin cảm ơn Ngài!”.

Muốn hạ thấp giới hạn 2 độ

Phó Thủ tướng Samoa, bà Fiame Naomi Mata’afa, lưu ý rằng các quốc gia Thái Bình Dương đã ủng hộ mạnh mẽ đối với việc hạn chế hơn nữa sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống còn 1,5 độ thay vì 2 độ. Với các bằng chứng khoa học cho thấy sự gia tăng biến đổi khí hậu, bà Mata’afa nói, các quốc gia Thái Bình Dương đang hy vọng cho thấy vấn đề đang diễn ra cấp bách như thế nào cũng như đề xuất những ý tưởng thực tế về việc làm thế nào để đạt được giới hạn 1,5 độ.

Đáp lại quyết định của Hoa Kỳ

Bà Mata’afa, người cũng là Bộ trưởng Môi trường Samoa cho biết rằng “Chúng ta cũng sẽ phải xem xét liệu chúng ta có thể hoạch định chiến lược và tổ chức như một cộng đồng bao gồm các bên” nhằm phản ứng trước quyết định của Hoa Kỳ để rút khỏi hiệp định Paris.

Không một quốc gia nào có thể tránh khỏi những ảnh hưởng

Phó Thủ tướng Mata’afa cũng cho biết rằng trong khi Samoa chủ yếu là núi lửa, các quốc gia nằm ở vùng thấp như Tuvalu, Tokelau hoặc Kiribati hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, xét cả về mặt sự xâm lấn của khu vực cao nguyên và các mực nước ngầm. Một số quốc gia đã mua đất ở Fiji để đối phó với những rủi ro, nhưng bà ghi nhận rằng vấn đề về chủ quyền là một vấn đề cấp bách. “Điều gì xảy ra với một quốc gia khi họ mất đất đai, làm thế nào để tái xác định chủ quyền và duy trì bản sắc văn hoá của mình?”.

Bà Mata’afa ghi nhận rằng đây chính là những vấn đề toàn cầu, “nhưng tính trực tiếp của vấn đề thì hiện diện ở đó đối với chúng ta”. Chúng ta đang chứng kiến các thảm hoạ thiên nhiên hiện đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và không một quốc gia nào có thể khẳng định là không bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu, bà Mata’afa nói.

Minh Tuệ chuyển ngữ


Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết