Các nhà lãnh đạo môi trường: Báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc có thể thúc đẩy hành động

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 12-08-2021 | 13:32:47
Một chiếc thuyền ở Madera, California, đậu trên một gò đất gần Hồ Hensley ngày 14 tháng 7 năm 2021, vì nhiệt độ tăng cao và hạn hán tiếp tục ảnh hưởng đến gia súc và nguồn cung cấp nước. (Ảnh CNS / David Swanson, Reuters)

Một chiếc thuyền ở Madera, California, đậu trên một gò đất gần Hồ Hensley ngày 14 tháng 7 năm 2021, vì nhiệt độ tăng cao và hạn hán tiếp tục ảnh hưởng đến gia súc và nguồn cung cấp nước (Ảnh: CNS / David Swanson, Reuters)

Amadou Diallo, Giám đốc chương trình của tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo ở Senegal, biết được từ cuộc trò chuyện với những người nông dân và những người chăn nuôi gia súc ở đất nước của mình rằng các đợt hạn hán theo chu kỳ mà đất nước này phải trải qua xuất hiện cứ 10 năm một lần trong nhiều thế hệ.

Gần đây hơn, anh Diallo đã có được thông tin từ các cuộc trò chuyện với họ rằng tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, có thể là ba hoặc bốn năm một lần và không thể đoán trước được về thời gian.

Tình trạng hạn hán thường xuyên hơn khiến những người chăn nuôi phải đưa đàn gia súc của họ đi nơi khác, có thể mở đường cho các cuộc xung đột. Đối với những người trồng hoa màu để buôn bán, sản lượng thu được ít hơn, hạn chế khả năng cung cấp đủ lương thực cho gia đình. Nhiều lúc bố mẹ phải cho con cái nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình.

Tất cả đều là dấu hiệu của vấn đề biến đổi khí hậu, anh Diallo nói.

Những thay đổi như vậy trong tập quán truyền thống của người dân Senegal, 80% trong số họ phụ thuộc vào nông nghiệp như là nguồn thu nhập của họ, là một ví dụ về tác động của vấn đề biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng trên khắp thế giới, theo báo cáo đánh giá khí hậu mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ, hoặc IPCC.

Báo cáo cho biết rằng tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán kéo dài, cháy rừng và các đợt nóng và lạnh khắc nghiệt đều do vấn đề biến đổi khí hậu.

Được phát hành ngày 9 tháng 8, tài liệu khổng lồ, bao gồm hơn 3.900 trang, đóng vai trò như một “đánh giá thực tế” về việc hành tinh đang được tái định hình do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, Valerie Masson-Delmotte, đồng chủ tịch của một trong số các nhóm làm việc biên soạn báo cáo, cho biết.

Báo cáo được viết bởi 234 nhà khoa học khí hậu và đưa ra kết luận dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu kể từ báo cáo đánh giá cuối cùng vào năm 2013.

Báo cáo cho biết rằng nhiệt độ đã tăng 1,1 độ C (2 độ F) kể từ thế kỷ 19, đạt mức cao nhất trong hơn 100.000 năm. Báo cáo kết luận rằng các hoạt động của con người, thông qua việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như gỗ, dầu, than và khí tự nhiên, là nguyên nhân dẫn đến hầu hết sự gia tăng nhiệt độ. Việc đốt những nhiên liệu đó sẽ giải phóng các khí nhà kính giữ nhiệt, chẳng hạn như carbon dioxide và methane.

Bầu không khí đang ấm lên đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh, báo cáo cho biết. Nhiệt độ tăng cao đang dẫn đến sự tan chảy của các băng hà, các đám băng và băng biển, góp phần làm mực nước biển dâng cao đe dọa các cộng đồng ven biển; các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng như các trận bão mạnh hơn, những cơn mưa xối xả – như những trận mưa gần đây đã gây ra tình trạng lũ lụt trên diện rộng ở châu Âu và Trung Quốc – và tình trạng hạn hán có thể dẫn đến việc cháy rừng và mất đất canh tác.

Báo cáo cũng phác thảo một loạt những hướng đi mô tả sự ấm lên ngày càng lớn hơn và dự báo các kết quả tồi tệ tiệm tiến trên khắp hành tinh vào giữa thế kỷ 21. Báo cáo cũng cho biết rằng không quá muộn để làm chậm lại những thay đổi đó và đồng thời tránh những thảm họa môi trường tồi tệ nhất.

Các nhà lãnh đạo Công giáo trong phong trào bảo vệ môi trường cho biết Giáo hội có thể củng cố vai trò hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu dựa trên kết luận của báo cáo.

Dan Misleh, Giám đốc điều hành của Hiệp ước Khí hậu Công giáo, phát biểu với CNS rằng khoa học đằng sau báo cáo nói rõ rằng đã đến lúc mọi người cần phải tiết giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong nỗ lực làm chậm lại vấn đề biến đổi khí hậu.

“Những báo cáo này được đưa ra thường xuyên và mỗi khi các nhà khoa học nói rằng đây là một vấn đề và chúng ta cần phải giải quyết”, ông Misleh nói. “Sự khác biệt hiện nay là ngày càng có nhiều người chịu tác động của vấn đề biến đổi khí hậu. Có lẽ lần này thông điệp sẽ được nhiều người chú ý hơn so với các báo cáo trước đây của IPCC”.

Ông Misleh chuyển sang một câu chuyện Tin Mừng để nhấn mạnh mối bận tâm của mình. Trích dẫn trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, trong đó Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?” (Mt 7, 9).

“Những người trẻ tuổi đang xin chúng ta, những người lớn tuổi, cho họ bánh và thức ăn bổ dưỡng và chúng ta tiếp tục trao cho họ những hòn đá. Chúng ta không thực hiện những điều chúng ta cần làm, để truyền lại món quà của công trình sáng tạo của Thiên Chúa cho họ như chúng ta đã làm trước đây”, ông Misleh nói.

Chìa khóa cho phản ứng của Giáo hội sẽ là Nền tảng Hành động Laudato Si’, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu vào tháng 5. Nền tảng này được thiết kế để thực hiện một phong trào toàn cầu ở cấp cơ sở nhằm tạo ra một thế giới hòa nhập, huynh đệ, hòa bình và bền vững hơn dựa trên Thông điệp về môi trường năm 2015 của Đức Thánh Cha.

Nữ tu Leanne Jablonski thuộc Hội Dòng Đức Maria, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường Marianist ở Dayton, Ohio, cho biết mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, hết sức quan tâm đến việc thực hiện các bước để bảo vệ môi trường.

Một nỗ lực như vậy mà Nữ tu Jablonski xác định đã xuất hiện ở Dayton, nơi một nhóm sinh viên tốt nghiệp Đại học Dayton đã phát triển sáng kiến ‘Mission of Mary’, một chương trình nông nghiệp do cộng đồng hỗ trợ nhằm cung cấp thực phẩm trong “sa mạc thực phẩm” ở một trong những khu vực lân cận của thành phố. “Sinh viên tốt nghiệp bắt đầu sống trong khu phố, hình thành các mối quan hệ. Họ đã tận dụng một lô bể bơi bỏ hoang và đang giúp những người hàng xóm trồng một khu vườn”, Nữ tu Jablonski nói.

Báo cáo cũng chỉ ra sự cần thiết đối với các tín hữu Công giáo để “hiểu rõ hoàn cảnh nguy hiểm và thực tế” mà tình trạng nhiệt độ nóng lên gây ra cho tất cả mọi sự sống trên trái đất, theo Michael Schuck, đồng giám đốc Dự án Sinh thái Dòng Tên quốc tế tại Đại học Loyola Chicago.

“Chúng ta cần phải quay lại với sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô về hệ sinh thái toàn vẹn, không chỉ là sự hợp nhất của hệ sinh thái và xã hội, mà còn là sự kết hợp của nội tâm và những thứ bên ngoài. Tâm hồn của chúng ta cần được biến đổi”, ông Schuck nói.

Ông Schuck cũng khuyến khích những người có tinh thần nhiệt huyết trong việc bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa nói về điều đó với những người khác, và nói rằng báo cáo được làm nổi bật có thể là điểm khởi đầu cho những bước nhỏ có thể dẫn đến hành động quan trọng.

Và cũng đã đến lúc phải để cho thế hệ trẻ dẫn đầu, ông Schuck cho biết thêm.

“Những người lớn tuổi chúng ta, chúng ta phải tiếp tục lắng nghe và cảm thông với thế hệ tiếp theo”.

Minh Tuệ (theo CNS)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết