Hôm Thứ Năm 6/4 vừa qua, những người ủng hộ tự do tôn giáo tại thủ đô Hoa Kỳ đã gửi một thông điệp của sự liên đới đến tất cả những người bị giam cầm hoặc bị tra tấn vì tín ngưỡng – tôn giáo của họ.
“Anh chị em không hề đơn độc. Chúng tôi sẽ sát cánh với anh chị em, và chúng tôi sẽ cùng nhau chiến đấu vì sự tự do của anh chị em”, Kristina Arriaga – Ủy viên Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã tuyên bố hôm 6/4 vừa qua với hai tù nhân mà bà đã bảo lãnh trong khuôn khổ của dự án sắp tới về “các tù nhân lương tâm”.
Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Tự của Frank R. Wolf, đã được Tổng thống Barack Obama ký vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban này đã đưa ra một danh sách bao gồm cá nhân tiêu biểu trên toàn thế giới đã bị tra tấn, giết hại, bỏ tù, đã bị mất tích, bị giam giữ giữ tại nhà vì lý do tín ngưỡng tôn giáo hoặc do những vận động chính sách của họ.
Ủy ban này sẽ giám sát vấn đề tự do tôn giáo trên toàn thế giới và đồng thời đưa ra các chính sách kiến nghị cho Bộ Ngoại giao.
Hôm thứ Năm 6/4, các thành viên đã thông báo rằng một danh sách bao gồm “các tù nhân lương tâm” đang được tạo ra, và họ sẽ tìm kiếm những ý kiến đóng góp của công chúng từ các tổ chức phi chính phủ về thông tin của những người có thể được đưa vào danh sách. Sẽ có những mẫu đơn được cung cấp cho các tổ chức để họ hoàn tất, Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Ủy ban này, cho biết.
Danh sách này sẽ được các chính phủ nước ngoài hoặc các nhà hoạt động phi chính phủ sử dụng để vận động trong việc kêu gọi phóng thích các tù nhân, Linh mục Reese giải thích. “Sự vô tâm của công chúng có thể thường dẫn tới nhiều cuộc bách hại hơn”, Linh mục Reese cho biết. Hình ảnh của các tù nhân cũng như những thông tin cá nhân cũng có thể giúp “hình thành nên diện mạo” của các cuộc bách hại trên toàn thế giới, Linh mục Reese cho biết thêm.
“Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải làm nổi bật những chiều kích cá nhân cũng như cái giá tàn bạo của những hành động vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Họ chính là những con người. Chúng tôi muốn đặt diện mạo của con người lên trên những hành động vi phạm tự do tôn giáo này”.
Trong danh sách này có các thành viên của “Baha’i Seven” – các nhà lãnh đạo của nhóm tôn giáo thiểu số Baha’i tại Iran, họ là những người đã bị bỏ tù từ năm 2008, cùng với Maryam Naghash Zargaran – một Kitô hữu đã cải đạo từ Hồi giáo đã làm việc tại một trại trẻ mồ côi ở Iran và bị kết án “tuyên truyền chống phá chế độ nhà nước Hồi giáo cũng như có những hành vi thông đồng nhằm làm hại an ninh quốc gia”, theo thông tin từ USCIRF cho hay.
Các Ủy viên đã gây sự chú ý tới nhiều tù nhân khác nhau mà chính họ đã bảo lãnh. Linh mục Reese đã bảo lãnh cho Thượng Phụ Abune Antonios – Thượng Phụ của Nhà thờ chính thống Eritrean Tewahedo, đã bị bắt giữ từ năm 2007.
Linh mục Reese đã chọn bảo lãnh cho Thượng Phụ Antonios vì những lý do đại kết – ngài giải thích – nhưng đồng thời cũng nhằm thu hút sự chú ý tới một đất nước vốn ít được biết đến với một hồ sơ nhân quyền hết sức nghèo nàn.
“Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ mang lại cho nó một diện mạo, điều này sẽ khiến cho nó nhận được sự chú ý nhiều hơn từ công chúng, do đó, không chỉ đơn giản là việc không bị phớt lờ bởi giới truyền thông hoặc các quan chức chính phủ hoặc bởi bất cứ ai có thể chú ý đến các vấn đề nổi cộm hiện đang xảy ra tại Eritrea”, Linh mục Reese giải thích. “Đối với các Kitô hữu, đây chính là những anh chị em của chúng ta tại Châu Phi – những người đang phải chịu đau khổ cũng như bị bách hại vì đức tin của họ”.
Thượng Phụ Antonios được bầu chọn làm Thượng Phụ của Nhà thờ Chính thống Eritrean Tewahedo vào năm 2003, nhưng đã bị chính phủ cưỡng bức phế truất vào năm 2007 sau khi Ngài “kêu gọi việc phóng thích các tù nhân Kitô giáo và từ chối việc trục xuất 3.000 giáo dân của ngài, những người đã có những hành động phản đối chính phủ”, Linh mục Reese giải thích.
Thượng Phụ Antonios “được thông báo là ngài đã từ chối việc được chăm sóc y tế bất chấp căn bệnh tiểu đường nghiêm trọng của ngài”, Linh mục Reese cho biết thêm.
“Eritrea được biết đến như Bắc Triều Tiên của châu Phi”, Linh mục Reese giải thích với CNA. Chính phủ đã giam giữ hàng ngàn người vì tín ngưỡng tôn giáo hoặc các chính sách vận động của họ và đồng thời đã “sử dụng các hình thức tra tấn và lao động cưỡng bức” để kiểm soát.
“Việc bắt giữ Thượng Phụ Antonios, cũng giống như việc bắt giữ một vị Giáo Hoàng! Và sau đó phế truất Ngài – như Hoàng đế Napoleon đã thực hiện”, Linh mục Reese cho biết.
“Đây là một cấp độ của sự lăng mạ tự do tôn giáo ở đất nước này. Và không phải chỉ Ngài [Thượng Phụ Antonios] mà thôi, mà còn các giáo sĩ đang bị sách nhiễu và bị bách hại.
Bà Kristina Arriaga đã bảo lãnh cho hai thành viên của nhóm “Bahá’í Seven” – một nhóm “đang chăm sóc các nhu cầu về mặt tinh thần cũng như xã hội của các tín đồ Bahá’í” trước khi họ bị chính phủ Iran bắt giữ vào năm 2008 – bị kết tội vì “là gián điệp cũng như tuyên truyền chống phá chế độ”, và đã bị kết án ít nhất 20 năm tù giam.
Có hơn 200 nhà lãnh đạo Bahá’i đã bị hại kể từ cuộc cách mạng năm 1979 tại Iran, bà Arriaga cho biết.
Bà Arriaga cũng đã bảo lãnh cho hai phụ nữ trong số bảy người – Mahwash Sabet và Fariba Kamalabadi. Họ cùng bị giam giữ trong một xà lim tại một nhà tù ở Tehran. Chị Fariba đã viết một “tuyển tập thơ” và đã lén truyền ra ngoài thông qua “các mẩu giấy vụn”, bà Arriaga nói.
“Tên tuổi của họ có vẻ lạ lẫm đối với tất cả chúng ta, nhưng những điều mà họ khao khát đều là những điều mà chúng ta hướng đến, đó là quyền được sống theo niềm xác tín sâu xa của họ, được đồng hành với gia đình của họ qua những khoảnh khắc tốt đẹp cũng như những giây phút tồi tệ, để được hiện diện bên người thân nhân các dịp sinh nhật, các dịp lễ kỷ niệm, cưới hỏi, ma chay, nhưng họ lại không thể “, bà Arriaga cho biết.
“Các chị Fariba và Mahvash, tiếng nói của các chị thực sự đã bị tước đoạt. Cho đến khi các chị được trả tự do, chúng tôi – tất cả những người hiện diện nơi đây – sẽ lên tiếng thay cho các chị”, bà Arriaga cho biết thêm.
Bá Cao (theo CNA)