Khi Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc hướng đến mối quan hệ bình thường hoá với Tòa Thánh, một linh mục trong cuộc đối thoại với các Giám mục Trung Quốc đã thấy được sự cải thiện rộng rãi trong việc cởi mở và đối thoại về phía các nhà lãnh đạo, cả trong Giáo hội yêu nước lẫn Giáo hội hầm trú.
“Đó là một điểm rất quan trọng, sự gia tăng trong vấn đề cởi mở và sự gia tăng trong các Giáo hội Kitô giáo. Tôi nghĩ rằng một thay đổi quan trọng thứ hai là sự cởi mở thực sự của người Trung Quốc tiếp đón những vị khách đối thoại với Giáo hội nơi đây tại Rôma”, Đức Cha Anthony Figueiredo, người đã tiếp xúc cá nhân với nhiều Giám mục Trung Quốc trong thập kỷ qua, cho biết.
“Chúng ta biết rằng trong năm qua đã có một phái đoàn chính thức đến Bắc Kinh, và một số thành viên đã đến Rôma để bàn thảo về sự cởi mở này đã đạt được một số sự nhất trí”.
“Và chắc chắn đó cũng là mong muốn của các Giám mục Trung Quốc; họ mong muốn sự cởi mở, họ mong muốn đối thoại, họ mong muốn được sự trợ giúp từ Giáo hội ở Rôma, Giáo hội ở Hoa Kỳ, để giúp họ đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo cho hàng giáo sĩ”, Đức Cha Figueiredo cho biết.
Đức Cha Figueiredo có bằng tiến sĩ về thần học và là giám đốc Học viện Giáo Hoàng Bắc Mỹ tại Rôma. Ngài từng là thành viên của Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum.
Theo lời mời của các Giám mục tại Trung Quốc đại lục, Đức Cha Figueiredo đã tham gia một nhóm nhỏ giúp hướng dẫn các diễn đàn thần học của Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc trong bảy năm qua.
Nhóm nghiên cứu, từ tổ chức Caritas in Veritate International, gồm có Henry Cappello, chủ tịch của tổ chức, và Giáo sư John Cavadini, giám đốc Viện McGrath-Cavadini về Đời sống Giáo hội tại Đại học Notre Dame.
Diễn đàn thần học lần thứ 7 đã diễn ra từ ngày 13/7 đến 20/7 tại Phúc Châu. Vào năm 2016, các cuộc họp này bao gồm 24 Giám mục, các vị Giám quản Tông Tòa, các vị hiệu trưởng và giám đốc của các chủng viện.
Diễn đàn đã dành một ngày bàn về việc đào tạo thần học và tâm linh cho khoảng 120 tín hữu giáo dân đến từ cả Giáo hội yêu nước cũng như Giáo hội hầm trú.
Diễn đàn cũng dành một ngày cho việc thuyết trình nhóm tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ.
Trong tuần lễ này, họ cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Công giáo, chẳng hạn những người đang tổ chức các nhóm nhỏ khác nhau của cộng đồng dựa trên đức tin, những người đang thi hành sứ vụ truyền giáo và bác ái tại Bắc Kinh, và một cộng đồng vừa mới khánh thành một trung tâm dành cho người cao tuổi.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi chúng tôi tới đó để tham dự hội nghị, chúng tôi không chỉ gặp gỡ các thành viên của Giáo Hội chính thức, mà còn cả các thành viên thuộc Giáo Hội hầm trú”, Đức Cha Figueiredo cho biết.
Theo báo cáo về các cuộc họp năm 2016, các Giám mục cho biết họ đã nhận được sự khích lệ lớn lao từ ĐTC Phanxicô và từ Năm Thánh Lòng Thương xót.
Các Giám mục cũng bày tỏ “niềm hy vọng lớn lao” đối với việc bình thường hóa các mối quan hệ giữa Giáo hội Trung Quốc và Tòa Thánh. “Điều đáng chú ý là nhận ra mong muốn sâu sắc của các Giám mục đối với mối quan hệ bình thường này, và sự phiền muộn của họ do những khó khăn trong quá khứ”, bản báo cáo cho biết.
Các quan sát khác ghi nhận trong báo cáo là “những bước tiến lớn” của các cộng đồng Tin Lành ở Trung Quốc đại lục, trong khi Giáo hội Công giáo ở nước này dường như phát triển chậm hơn nhiều.
Một phần lý giải cho điều này có thể là sự không đồng nhất rõ ràng của Giáo hội tại Trung Quốc giữa Giáo hội yêu nước và Giáo hội hầm trú, cũng như cuộc đối đầu giữa Vatican và chính phủ Trung Quốc về việc kiểm soát các cuộc bổ nhiệm Giám mục.
Trung Quốc và Vatican lâu nay vẫn đang trong bối cảnh đàm phán nhằm thoả thuận về việc bổ nhiệm các Giám mục, đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước.
Điều này cũng hy vọng sẽ dẫn đến sự hiệp nhất cuối cùng của Giáo hội yêu nước và Giáo Hội hầm trú, mà các Giám mục của họ đã không được nhà nước công nhận.
Sự hiệp nhất này sẽ là yếu tố quan trọng đối với tác động của việc Phúc Âm Hóa tại Trung Quốc, Đức Cha Figueiredo lưu ý.
“Đó nhất định là mong muốn của Chúa Giêsu Kitô để tất cả chúng ta được nên một. Chúa Giêsu đã cầu nguyện như vậy trong Bữa Tiệc Ly, vì vậy sự bất hòa luôn là một điều đáng xấu hổ. Đó là một điều gây tai tiếng đối với những người không tin. Và chắc chắn Giáo hội hầm trú cùng với Giáo hội chính thức đã có rất nhiều, rất nhiều điều đã và đang xảy ra”.
“Có rất nhiều điều có thể thực hiện được. Có một khát vọng để được lắng nghe sứ điệp Kitô giáo, có một sự khao khát Chúa Giêsu Kitô. Và những nỗ lực Phúc Âm Hoá của Giáo hội Công giáo La Mã chắc chắn có thể được giúp đỡ bởi sự hiệp nhất này”.
Trung Quốc, với dân số 1,4 tỷ người, không chỉ là một quốc gia khổng lồ, mà nó còn là “một quốc gia cần phải được Phúc Âm Hoá”.
Đức Cha Figueiredo lưu ý rằng chúng ta thường nghĩ đến Trung Quốc như một đất nước của Phật giáo hay của Đạo giáo, như đã từng xảy ra trong lịch sử, nhưng trong những năm gần đây đã có sự gia tăng lớn mạnh đối với Kitô giáo, chủ yếu là trong các cộng đoàn thuộc Giáo hội Tin Lành. Số người Công giáo cũng có sự gia tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Hiện có khoảng 100 triệu Kitô hữu ở Trung Quốc, Đức Cha Figueiredo giải thích, và khoảng 12 triệu người còn lại thuộc Giáo hội hầm trú.
Các Giám mục tham dự diễn đàn năm 2016, theo báo cáo, đã xác định được những vấn đề cơ bản của Giáo Hội tại Trung Quốc, chẳng hạn như: sự sụt giảm nhanh chóng đối với ơn gọi linh mục và thiếu sự huấn luyện thích hợp cho các linh mục, các Giám đốc chủng viện, các vị linh hướng cũng như các Giám mục.
Việc thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho hôn nhân cũng như việc thiếu sự hỗ trợ tinh thần đang diễn ra và việc đào tạo cho các cặp vợ chồng trẻ cũng được coi là những khó khăn đang xảy ra đối với Giáo Hội.
“Hãy tưởng tượng nếu chúng ta làm cho người Công giáo (ở Trung Quốc) hợp nhất trong việc đào tạo và cung cấp sự đào tạo đó cho cả một Giáo hội duy nhất nơi đây, những nỗ lực loan báo Tin Mừng của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều”, Đức Cha Figueiredo nói.
Lý do nhóm đi đến Trung Quốc mỗi năm là để liên lạc với các Giám mục về những gì đã xảy ra ở Vatican, “và thực sự, để trả lời những câu hỏi của họ, và đặc biệt họ đang cần điều gì”.
Đức Cha Figueiredo muốn nhấn mạnh rằng các Giám mục Trung Quốc mong muốn nhận được sự giúp đỡ bên ngoài từ Vatican và Hoa Kỳ “họ mong muốn chúng tôi giúp đỡ họ”.
Đức Cha Figueiredo kết luận bằng cách trích dẫn lời của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: “Chúng tôi mong muốn những điều tốt đẹp đối với các tín hữu Công giáo Trung Quốc, cả của Giáo hội hầm trú cũng như Giáo hội chính thức, chúng tôi mong muốn những điều tốt đẹp đối với xã hội Trung Quốc, và chúng tôi cũng mong muốn điều tốt đẹp đối với toàn thể xã hội Trung Quốc, đặc biệt khi chúng ta tìm kiếm hòa bình”.
“Chỉ có sự hiệp nhất mới có thể giúp chúng ta đạt được những điều này”.
Minh Tuệ (theo catholicregister.org)