Các Giám Mục Venezuela và Brazil kêu gọi nhân dân tham gia chính trị

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 27-05-2017 | 21:15:58

Hai quốc gia Công Giáo quan trọng ở Mỹ Latinh, là Brazil và Venezuela, đều đang bị ảnh hưởng bởi những chu kỳ bất ổn dân sự đầy kịch tính, và trong cả hai trường hợp, các Giám Mục Công Giáo đang nổi lên như lực lượng chính trong việc ủng hộ dân chủ, đòi hỏi trách nhiệm giải trình và chấm dứt cuộc đổ máu – Và trong cả hai trường hợp, những điều các Giám Mục nói thì không phải lúc nào cũng vừa lòng chính phủ.

CNS-CELAM-VENEZUELA_800-1-690x450Ở hai quốc gia Công Giáo quan trọng đối với Giáo Hội ở Mỹ Latinh – Brazil, quốc gia có số người Công Giáo lớn nhất thế giới và Venezuela, thường là tuyến đầu của Giáo Hội tham gia với lực lượng cánh tả của lục địa – các nhà lãnh đạo Công Giáo ngày nay đang thấy mình phải cố gắng đối phó với những chu kỳ đầy kịch tính của bất ổn dân sự.

Ở một số nước châu Mỹ Latinh, gần đây các Giám Mục Công Giáo lên tiếng phản đối bạo lực. Ngay cả ở Mexico, nơi mà các Giám Mục phải yêu cầu bảo vệ các nhà báo sau khi nhà báo thứ sáu đã bị giết nội trong năm nay, hay là ở Colombia, nơi một Giám Mục mới đây phải dâng lễ trong tình trạng được các vệ sĩ bảo vệ sau khi ngài bị đe dọa vì đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt đổ máu. Tuy vậy, ở những nơi ấy, tiếng nói của các Giám Mục chưa trở thành tiếng nói của nhân dân như ở Brazil và Venezuela.

Mặc dù có những điểm khác biệt chính giữa hai cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn có những vấn đề cốt lõi như nhau: các cuộc biểu tình trên đường phố đang bị quân đội giải tán, với những thường dân bị tấn công (trong trường hợp của Venezuela, hơn 60 người đã thiệt mạng); nạn tham nhũng trùm chặt chính phủ; và hai vị tổng thống đang cố gắng giữ chặt quyền lực.

Cả hai Hội Đồng Giám Mục Công Giáo đều kêu gọi dân chủ phải được bảo vệ, và cả hai đều bày tỏ mối quan ngại về chính phủ Nicolas Maduro hiện nay ở Venezuela và Michel Temer ở ​​Brazil.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Venezuela đã diễn ra hơn hai tháng nay, với những đám đông trên đường phố phản kháng lời kêu gọi của Maduro viết lại hiến pháp 1999, một động thái mà phần lớn được mô tả là một cuộc đảo chính.

Trong trường hợp Brazil, quốc gia này đã bị rung chuyển bởi trận địa chấn chính trị vào tuần trước khi tờ báo O Globo số ra ngày hôm qua tiết lộ rằng Temer đã chi một khoản tiền lớn để mua sự im lặng của một cựu lãnh đạo Quốc Hội, người đã bị kết án 15 năm tù vì tham nhũng.

Temer đã đảm nhiệm vị trí tổng thống sau khi cựu lãnh đạo Brazil Dilma Rousseff bị buộc tội tham nhũng. Ông vốn là phó tổng thống, và từ vị trí của mình, đã thúc đẩy việc bãi nhiệm và kết án Rousseff.

Tuần trước, các Giám Mục Brazil đã đưa ra một tuyên bố nói rằng họ “kinh hoàng và phẫn nộ” theo dõi những cáo buộc về tham nhũng chính trị được trình lên Tòa án Tối Cao của nước này.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục với tiêu đề “Vì đạo đức trong chính trị”, các Giám Mục viết rằng những cáo buộc tham nhũng chống lại các thành viên của chính phủ phải được điều tra nghiêm ngặt, và một khi các dữ kiện đã được điều tra, các tác giả của bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào cũng đều phải chịu trách nhiệm.

Được ký bởi những vị đứng đầu Hội Đồng Giám Mục, trong đó có Đức Cha Chủ Tịch là Đức Hồng Y Sergio da Rocha của Brasília, bản tuyên bố trích dẫn Hiến pháp Brazil nói rằng mọi công chức đều phải hành xử với sự toàn vẹn và nếu không làm như vậy thì sẽ bị loại trừ khỏi chức vụ.

Bản văn cũng nói rằng “cần phải có ngay một cách hành động mới mẻ của các nhà chính trị, dựa trên các giá trị của sự trung thực và của công bằng xã hội” và kêu gọi các cộng đồng tham gia “một cách có trách nhiệm và một cách hòa bình” vào đời sống chính trị.

Các Giám Mục cũng kêu gọi những người Brazil bình thường hãy tham gia chính trị, nói rằng “sự cảnh giác và sự tham gia chính trị của cộng đồng, các phong trào xã hội và toàn xã hội, sẽ có thể góp phần rất lớn vào việc làm sáng tỏ sự thật và bảo vệ đạo đức, công lý và thiện ích chung”.

Các ngài cũng cảnh báo chống lại “sự khinh miệt đạo đức” dẫn đến “mối quan hệ bừa bãi giữa những lợi ích công cộng và lợi ích tư nhân”, được xác định là “lý do đầu tiên gây ra những vụ bê bối tham nhũng”.

Nhắc nhở người dân Brazil tham gia vào đời sống chính trị của đất nước “một cách có trách nhiệm và một cách hòa bình”, và cầu nguyện cho tương lai của đất nước, các Giám Mục cũng lưu ý rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng phải được tìm kiếm với sự tôn trọng nhà nước pháp quyền dân chủ.

Trong trường hợp của Venezuela, các Giám Mục đã trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ chống lại chính phủ Maduro, mặc dù các ngài xác định mình không phải là lực lượng đối lập, mà chỉ đứng chung với nhân dân.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino đã từng là một trong những vị lãnh đạo thẳng thắn nhất. Ngày 21 tháng 5, trong một Thánh lễ cử hành trong Ngày cầu nguyện vì Hòa bình ở Venezuela được tổ chức khắp đất nước, ngài kêu gọi chấm dứt đàn áp những người phản đối chính phủ. Ngài cũng kêu gọi nhân quyền phải được tôn trọng, “đặc biệt đối với các tù nhân chính trị”, và sự tôn trọng các giá trị dân chủ.

Như đã làm nhiều lần trước đây, Đức Hồng Y Urosa kêu gọi quốc gia áp dụng mô hình Kitô giáo trong nỗ lực hướng tới hoà bình, xác định đó là cách duy nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

“Tuân giữ các điều răn: Hãy yêu mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự và người thân cận như chính mình”, ngài nói, theo Agencia Fides.

“Dựa trên tình hình xung đột hiện tại, đặc trưng bởi các khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị nghiêm trọng, có thể nói chúng ta đang thiếu sự thực hiện các điều răn: sự tìm kiếm lợi nhuận, sự ham mê quyền lực, sự kiêu ngạo, sự ích kỷ, sự tham nhũng, các tội ác, và hàng loạt các vấn đề mà tôi không muốn lặp lại trong bài giảng này.”

Vào thời điểm các lực lượng an ninh đang bị cáo buộc là lạm dụng quyền lực, với các tòa án quân sự kết án thường dân, và cả quân đội và cảnh sát đều sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết, bao gồm cả xịt hơi độc vào trẻ em, để ngăn chặn các cuộc biểu tình, Đức Hồng Y Urosa kêu gọi họ hãy là “những người đề xướng và bảo đảm sự tôn trọng đối với Hiến pháp.”

Ngài cũng kêu gọi họ sống theo ơn gọi của mình, “đầu tiên và trước hết” là đảm bảo hòa bình và sự cùng tồn tại lành mạnh của người dân Venezuela.

Đức Hồng Y Urosa nói rằng những người thực hiện các hành vi dẫn đến bạo lực, thương tích và chết chóc, phải chịu “trách nhiệm đạo đức” về hành động của họ, mà ngài xác định đó là tội lạm dụng quyền hành.

“Ở nước ta, lời tuyên bố của vị tử đạo Châu Mỹ, Chân Phước Oscar Romero, là rất thời sự và thích hợp: Nhân danh Chúa và những người đau khổ này, tôi cầu xin anh em, tôi yêu cầu anh em, hãy thôi đàn áp”, ngài nói .

Nói chuyện với các phóng viên vào tuần trước, Đức Hồng Y Urosa nói rằng các cơ quan an ninh nhà nước không thể “phóng hơi độc chống lại người dân” và phải ngăn chặn các nhóm bán quân sự bắn vào nhân dân. “Mọi người đã nhìn thấy trong các đoạn video, tất cả những điều này phải ngưng ngay lập tức.”

Đồng ý với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, Đức Hồng Y Urosa nói rằng cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng là kêu gọi bầu cử. Ông cũng kêu gọi chính phủ Maduro tôn trọng Quốc hội và trả tự do cho các tù nhân chính trị, “như Leopoldo López, Daniel Ceballos và Antonio Ledezma.”

Đó, ngài xác định, là những gì chính phủ phải làm để nhìn thấy sự kết thúc của các cuộc biểu tình phản đối.

Trần Tài (theo Crux)

 

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết