Các nhà lãnh đạo Giáo hội Ấn Độ kêu gọi bảo vệ trong bối cảnh "các vụ tấn công liên tục" nhắm vào các Kitô hữu

Các thành viên đại diện cho Diễn đàn Kitô giáo Assam và CRI-NEI tại Ấn Độ tham gia buổi cầu nguyện liên đới nhằm khôi phục hòa bình ở Manipur sau vụ bạo lực sắc tộc tại một trường học ở Guwahati vào ngày 24 tháng 6 năm 2023 (Ảnh: BIJU BORO/AFP qua Getty Images)

Các thành viên đại diện cho Diễn đàn Kitô giáo Assam và CRI-NEI tại Ấn Độ tham gia buổi cầu nguyện liên đới nhằm khôi phục hòa bình ở Manipur sau vụ bạo lực sắc tộc tại một trường học ở Guwahati vào ngày 24 tháng 6 năm 2023 (Ảnh: BIJU BORO/AFP qua Getty Images)

Giới lãnh đạo Kitô giáo tại Assam ở đông bắc Ấn Độ đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về các vụ tấn công liên tục nhắm vào cộng đồng Kitô giáo” tại tiểu bang do Đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cai trị.

Diễn đàn Kitô giáo Assam (ACF) đã “bày tỏ sự bàng hoàng, đau đớn và thống khổ trước các vụ tấn công liên tục nhắm vào cộng đồng Kitô giáo, các tổ chức và cá nhân trong năm qua”, ACF cho biết sau cuộc họp vào ngày 28 tháng 11 do Chủ tịch của diễn đàn, Đức Tổng Giám mục John Moolachira Địa phận Guwahati, chủ trì.

“Chúng tôi cần được bảo vệ trước những sự việc đang xảy ra và kêu gọi chính phủ đảm bảo an toàn cho các Kitô hữu”, Đức Tổng Giám mục Moolachira nói với CNA vào ngày 3 tháng 12.

Những mối bận tâm đa dạng của cộng đồng Kitô giáo ở Assam — chiếm gần 4% trong số 35 triệu người của tiểu bang — đã được liệt kê trong tuyên bố mà ACF đưa ra sau cuộc họp có sự tham gia của hàng chục nhà lãnh đạo chủ chốt của Giáo hội Kitô giáo.

ACF than phiền rằng đã có một số vụ tấn công nhắm vào các tổ chức Kitô giáo “yêu cầu gỡ bỏ các bức tượng và hình ảnh được tôn kính”.

“Sự coi thường trắng trợn đối với quyền tự do tôn giáo và sự khoan dung này là không thể chấp nhận được”, tuyên bố cho biết.

“Việc cảnh sát tiến hành điều tra các nhà thờ và các cá nhân ở một số quận đã tạo ra bầu không khí sợ hãi và đe dọa”, tổ chức này cho biết.

ACF cũng chỉ ra những “lời buộc tội sai trái và ác ý chống lại Giáo hội” được một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đưa ra khi tuyên bố “rằng Giáo hội đứng sau hoạt động buôn bán và cung cấp ma túy”.

“Thật đáng kinh ngạc khi không có hành động nào được thực hiện đối với ông ta vì đã làm tổn thương tình cảm của cộng đồng Kitô giáo”, các nhà lãnh đạo Kitô giáo viết.

Hơn nữa, ACF lưu ý, theo Đạo luật Chữa bệnh bằng phép thuật (Phòng ngừa và Ma quỷ) được ban hành vào đầu năm nay, “những nhân viên Giáo hội và tín hữu vô tội đã bị quấy rối và bị bắt giữ vì cầu nguyện cho các bệnh nhân và sức khỏe của họ hoặc thậm chí giúp đỡ người nghèo và người bị gạt ra bên lề để họ có thể học tập. Đây rõ ràng là hành vi xâm phạm quyền hiến định của họ”.

Allen Brooks, điều phối viên Công giáo của ACF, đã đề cập đến vụ bắt giữ một Kitô hữu vào tuần trước theo Đạo luật Chữa bệnh bằng Ma thuật đáng ngờ. “May mắn thay, anh ta đã được tòa án cho tại ngoại”, ông Brooks nói.

“Những tấm áp phích yêu cầu cấm các biểu tượng Kitô giáo vẫn tiếp tục được dán trên tường các trường học ở khắp mọi nơi”, ông Brooks cho biết.

“Nếu chính phủ hành động chống lại người đưa ra yêu cầu này, chúng ta sẽ không phải đối mặt với tình huống như thế này”, ông Brooks, người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban thiểu số Assam, cho biết.

“Gần đây, các vấn đề của chúng tôi ngày càng gia tăng và tình hình trở nên tồi tệ, các Kitô hữu đang sống trong sự sợ hãi”, ông cho biết.

Ông Brooks gọi nỗ lực miêu tả các Kitô hữu là những kẻ buôn ma túy là “một phần của chiến dịch có hệ thống nhằm khủng bố và làm mất uy tín của Kitô giáo”.

Trong khi đó, vào tháng 2, Hội đồng An toàn Gia đình Hindu Kutumba Surakshya Parishad  đã chỉ ra rằng các tổ chức tôn giáo nên xóa bỏ nhiều đặc điểm mang tính tôn giáo khỏi trường học.

“Trang phục của các Cha, các Sơ”, “việc đặt tượng Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria cùng với việc làm Dấu Thánh giá” và việc xây “nhà thờ bên trong khuôn viên các cơ sở giáo dục” là “những thực hành tôn giáo độc quyền”, Hội đồng cho biết.

Hội đồng này yêu cầu các nhà thờ “loại bỏ mọi loại vật phẩm tôn giáo độc quyền khỏi khuôn viên trường học để duy trì các giá trị thế tục của đất nước”.

Nhóm này cũng đe dọa sẽ “xông vào các trường đại học [Kitô giáo] mà không do dự nếu các trường truyền giáo không đáp ứng yêu cầu của họ”.

ACF đang kêu gọi chính phủ “bảo vệ các quyền hiến định của cộng đồng thiểu số Kitô giáo và bảo vệ họ khỏi việc bị nhắm mục tiêu vì đức tin của họ”.

“Chúng tôi yêu cầu hành động ngay lập tức đối với những người chịu trách nhiệm về các vụ tấn công và những cáo buộc sai trái này”, tuyên bố cho biết.

Giáo hội Công giáo ở Assam, với hơn 600.000 tín hữu, điều hành hơn hai chục bệnh viện và phòng khám bên cạnh gần 400 trường học và các cơ sở giáo dục khác trong tiểu bang.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết