Các nhà lãnh đạo đức tin toàn cầu kêu gọi hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu

Đại diện các tôn giáo trên thế giới đã ký lời kêu gọi thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 vào tháng tới thực hiện hành động có ý nghĩa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khẩn cấp về biến đổi khí hậu.

Giáo sư Mohamed Al-Duweini, đại diện của Đại Imam Al-Azhar; và Đức Hồng Y Pietro Parolin, đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, dẫn đầu một phái đoàn gồm gần 30 nhà lãnh đạo tôn giáo đã ký lời kêu gọi các đại biểu COP28 thực hiện hành động quyết liệt để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo Do Thái, Phật giáo, Sikh giáo và Ấn Độ giáo, cùng với đại diện của các truyền thống tôn giáo lớn khác, đã hưởng ứng lời kêu gọi, trong đó bao gồm lời kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo vệ Trái đất, chuyển đổi sang các mô hình sống tuần hoàn hòa hợp với thiên nhiên và nhanh chóng áp dụng năng lượng sạch.

Lời kêu gọi cũng bao gồm cam kết hỗ trợ trung tâm ‘Faith Pavilion’ đầu tiên tại COP28 và triệu tập tại các Hội nghị COP trong tương lai.

Lễ ký kết diễn ra tại Abu Dhabi vào lúc kết thúc ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo Đức tin toàn cầu về biến đổi khí hậu. Mỗi nhà lãnh đạo đều bước đi trên con đường tượng trưng cho đường xích đạo và tham gia trồng cây ghaf – cây quốc gia của UAE – trước khi ký văn bản.

Một tham dự viên phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đức tin Toàn cầu (Ảnh: Vatican News)

Một tham dự viên phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đức tin Toàn cầu (Ảnh: Vatican News)

Một tuyên bố mạnh mẽ

Kết thúc buổi lễ, lời kêu gọi đã được chuyển tới Tiến sĩ Sultan Al Jaber, Chủ tịch được chỉ định của COP28.

Tiến sĩ Al Jaber đã nhấn mạnh “ý nghĩa đặc biệt” của Tuyên bố liên tôn tại Abu Dhabi đối với COP28. “Cam kết tập thể của quý vị tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả mọi người sống hòa hợp với thiên nhiên và hành động để bảo vệ thế giới mong manh của chúng ta. Và cùng với nhau, quý vị đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về ý định rằng thế giới cần phải tồn tại – một tuyên bố về sự cấp bách, một tuyên bố về sự thống nhất, liên đới, trách nhiệm và về niềm hy vọng vốn chỉ có thể giúp ích cho động lực chung cho sự chuyển đổi và biến đổi khí hậu”.

 Tiến sĩ Al Jaber khuyến khích các nhà lãnh đạo tôn giáo tiếp tục huy động các cộng đồng của họ trên khắp thế giới, đồng thời hứa hẹn “sẽ mang thông điệp của quỹ vị đến với thế giới thông qua COP28”.

Đoàn kết hướng tới sự thay đổi 

Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo và một loạt các truyền thống tôn giáo lớn nhỏ khác đã có đại diện tại Hội nghị Thượng đỉnh Đức tin Toàn cầu, với khoảng ba chục diễn giả nhấn mạnh cam kết chung của họ trong việc chăm sóc Công trình Sáng tạo.

Trong số các tham dự viên có đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đại Imam Ahmed al-Tayyeb, Thượng phụ Đại kết của Constantinople, Thượng phụ Moscow và Tổng Giám mục Canterbury.

Họ nhấn mạnh rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều thừa nhận mối tương quan giữa thần linh và công trình sáng tạo. Các chủ đề chung nổi lên, bao gồm nghĩa vụ luân lý của công việc quản lý hoặc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa; sự cần thiết phải hợp tác để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu; và thừa nhận tính cấp bách của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải thực hiện hành động quyết liệt để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Các tham dự viên đã chỉ ra lòng tham và tính ích kỷ là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng môi trường, đồng thời kêu gọi đặc biệt các quốc gia giàu có hơn, vốn chịu trách nhiệm lớn hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, nỗ lực giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng.

 Họ cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta và đòi hỏi cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn thảm họa.

Nâng cao nhận thức

Thừa nhận rằng hơn 80% tổng dân số toàn cầu tuyên xưng một số niềm tin tôn giáo, các tham dự viên tham gia hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề khí hậu trong các cộng đồng của họ.

Họ cũng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để huy động các tín đồ thực hiện những hành động cụ thể nhằm chống lại biến đổi khí hậu – cả thông qua cam kết cá nhân đối với các hoạt động bảo vệ môi trường lành mạnh lẫn thông qua những nỗ lực phối hợp để ủng hộ những hành động cụ thể từ các nhà lãnh đạo thế giới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết