YAOUNDÉ, Cameroon – Tôn giáo hiện đang bị lợi dụng để “gieo rắc hận thù” và “chia rẽ đất nước” tại Cộng hòa Trung Phi, theo các giám mục Công giáo và các nhà lãnh đạo Hồi giáo của quốc gia.
Đất nước này đã trải nghiệm tình trạng bất ổn kể từ năm 2013, khi Seleka, một phong trào dân quân tự vệ đa số là người Hồi giáo, lật đổ chính phủ. Lực lượng dân quân chống Balaka có ảnh hưởng lớn của Kitô giáo sau đó được hình thành để chiến đấu chống lại Seleka. Những người bảo vệ hòa bình của Pháp và châu Phi đã được triển khai vào tháng 1 năm 2014 và điều khiển các lực lượng Seleka từ thủ đô Bangui.
Với một chính phủ vừa mới được bầu không thể di chuyển vượt ra ngoài Bangui, các nhóm vũ trang và các lực lượng dân quân đã nắm quyền kiểm soát hơn 70% đất nước.
“Chúng tôi kêu gọi sự chú ý của người dân Trung Phi nhằm tránh hành vi trả thù vốn có thể dẫn đến nạn diệt chủng và do đó dẫn tới việc hiện thực hóa một chương trình ngấm ngầm để chia rẽ chúng ta. Hãy hết sức cảnh giác để tránh bị thao túng”, các giám mục viết trong một tuyên bố mục vụ mới có tựa đề: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?”.
Các vị imam của đất nước cũng đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng, “các hành vi bạo lực vốn đã xảy ra trong một thời gian ở Trung Phi được nhắm mục tiêu vào việc biến cuộc khủng hoảng chính trị thành một cuộc khủng hoảng tôn giáo”.
Các vị imam đã nhắc nhở mọi người dân về bản chất thế tục của nhà nước “và quyền tự do thờ phượng đã được Hiến pháp bảo đảm”.
Các Kitô hữu chiếm khoảng 80% dân số của Cộng hòa Trung Phi, và người Hồi giáo khoảng 15%.
Dân số Hồi giáo tập trung ở phía bắc của đất nước tiếp giáp với khu vực Sahel của châu Phi, mặc dù có rất nhiều thương nhân Hồi giáo ở phía nam.
Thành phố Bangassou phía nam đã trở thành điểm mấu chốt trong cuộc xung đột. Nhà thờ Chính tòa Công giáo trong thành phố đã trở thành nơi trú ngụ của khoảng 2.000 người Hồi giáo sống dưới sự bảo vệ của một giám mục Công giáo người Tây Ban Nha, Đức Giám mục Juan José Aguirre Muñoz.
Liên Hợp Quốc cho biết cuộc xung đột đã khiến ít nhất 1,1 triệu người lâm vào cảnh nghèo túng cùng cực và vô gia cư, với khoảng 2,5 triệu người – hơn một nửa con số bốn triệu dân của Cộng hòa Trung Phi – hiện đang cần sự trợ giúp nhân đạo.
Trong những tháng gần đây đã có một số lượng lớn các vụ tấn công nhằm vào các nhà thờ và thánh đường Hồi giáo cũng như việc giết hại và bắt cóc các nhà lãnh đạo tôn giáo trong nước.
Vào tháng 5 năm 2017, vị imam của Bangassou bị ám sát cùng với một vài tín đồ của mình. Vào tháng Mười, một số người Hồi giáo cũng đã bị giết trong các buổi cầu nguyện ở Kembé, cũng ở phía nam của đất nước.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 2018, linh mục Joseph-Désiré Angbabata đã bị giết hại bởi các tay súng ở Séko, cùng với một số giáo dân.
Thủ đô Bangui – thường là khu vực hòa bình nhất của đất nước – đã trải qua một vụ tấn công phối hợp vào ngày 2 tháng 5, vốn tập trung vào giáo xứ Đức Mẹ Fatima. Một linh mục và hàng chục giáo dân đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Các nhà chức trách tôn giáo của đất nước từ lâu đã tìm cách tránh những vụ tranh chấp xung đột dựa trên vấn đề tôn giáo, và đổ lỗi cho các lực lượng bên ngoài vì việc đã cố gắng gây chia rẽ đất nước.
Các giám mục trong nước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “sửa chữa sự nhầm lẫn đã được lan truyền bởi một số phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đã tạo ra ấn tượng rằng các vụ xung đột phải liên quan đến tôn giáo, trong khi đó lại là một cuộc xung đột về chính trị và quân sự”.
“Điều chúng ta đang trải nghiệm ở Cộng hòa Trung Phi không phải là một cuộc chiến tôn giáo”, Đức Tổng Giám Mục Địa phận Bangui, Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, phát biểu với Crux năm ngoái.
“Không một lãnh tụ Kitô giáo hay Hồi giáo nào dẫn đầu bất kỳ nhóm cực đoan nào”, ĐHY Nzapalainga nói. “Nếu đó hẳn là một cuộc xung đột liên tôn giáo, thì chúng ta sẽ không thể nào chứng kiến việc các nhà lãnh đạo Kitô giáo lại đi che chở cho những người Hồi giáo chạy trốn khỏi cuộc xung đột, và các nhà lãnh đạo Hồi giáo lại đi che chở cho các Kitô hữu”.
ĐHY Nzapalainga gọi đó là “một cuộc chiến về chính trị và kinh tế; người dân đang chiến đấu giành đất đai và các nguồn tài nguyên khoáng sản”.
Đó cũng chính là quan điểm được chia sẻ bởi Imam tại Bangui, giáo sĩ Omar Kobine Layama. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với trang tin tức địa phương, atlasinfo.fr, giáo sĩ Omar Kobine Layama nhấn mạnh rằng “cuộc chiến này không phải là một cuộc chiến tranh liên tôn giáo”.
“Đó là một cuộc chiến tranh giành quyền lực. Tôn giáo chỉ bị lợi dụng như một chứng cớ ngoại phạm và chúng tôi kịch liệt phản đối hành vi công cụ hóa tôn giáo này. Không một nhà lãnh đạo Hồi giáo hay Kitô giáo nào lại kêu gọi người dân Trung Phi cầm vũ khí chống lại người Hồi giáo hay các Kitô hữu. Đối với chúng tôi, đó là một cuộc xung đột chính trị thậm chí ngay cả khi các nhà thờ và thánh đường Hồi giáo của chúng ta đã bị ô uế”, giáo sĩ Layama nói.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cũng đã cảnh báo rằng “những người tìm kiếm lợi ích riêng thông qua bạo lực” chính là mối đe dọa chính đối với đất nước.
Đặc phái viên của LHQ tại nước này, ông Parfait Onanga-Anyanga – người đứng đầu Cơ quan ổn định LHQ tại Cộng Hòa Trung Phi, được gọi là MINUSCA – cho biết việc khôi phục chính quyền là “chìa khóa” đối với vấn đề hòa bình trong nước, cả hiện tại và dài hạn.
“Đất nước không thể chịu đựng thêm nữa các cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang tìm kiếm cơ hội để cướp bóc và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên”, ông Onanga-Anyanga phát biểu với Hội đồng Bảo an LHQ hôm 21 tháng Sáu vừa qua.
“Điều quan trọng và cần thiết đó là chính quyền nhà nước phải ngày càng trở nên hiện hữu và hiệu quả trong nội địa của đất nước”, ông Onanga-Anyanga nói.
ĐTC Phanxicô đã viếng thăm Bangui vào năm 2015 và đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hồi giáo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đối với vấn đề hòa bình và đối thoại liên tôn.
Minh Tuệ chuyển ngữ