LEICESTER, Anh Quốc – Các nhà lãnh đạo Công giáo đã cùng với các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác yêu cầu chính phủ Anh chấm dứt việc áp dụng việc giam giữ vô thời hạn trên cơ sở của vấn đề nhập cư.
“Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu duy nhất không có thời hạn quy định về việc giam giữ người nhập cư. Việc áp dụng giam giữ vô thời hạn là không công bằng, thiếu hiệu quả và vô nhân đạo. Bằng chứng cho thấy nó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng – không chỉ đối với những người bị giam giữ, mà còn đối với cả gia đình, con cái, bạn bè và cộng đồng của họ”, tuyên bố chung hôm 14/2 cho biết.
“Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ đưa ra một số chính sách công bằng, đúng mực và đúng trình tự vào hệ thống nhập cư của chúng ta và đồng thời khẩn trương đặt ra một khoảng thời gian giới hạn 28 ngày đối với việc giam giữ”.
Những người ký tên bao gồm các nhà lãnh đạo từ Giáo hội Anh quốc, Giáo hội Công giáo, Hội đồng Hồi giáo Anh, Hội đồng Hindu, Liên đoàn Sikh, và Do Thái giáo Cải cách.
Lời kêu gọi được đưa ra khi Chính phủ Anh đang xây dựng chính sách nhập cư hậu Brexit của mình. Mặc dù là thành viên của Liên minh Châu Âu, Anh Quốc đã chọn không tham gia Hiệp ước Schengen, một hiệp ước gồm 26 quốc gia vốn bãi bỏ việc kiểm soát hộ chiếu và có một chính sách thị thực chung.
Vương quốc Anh có một số biện pháp kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt nhất trên lục địa, và theo cơ quan tị nạn LHQ, “đã giam giữ một số lượng lớn những người xin tị nạn và là một trong số ít các quốc gia không có thời hạn đối với việc giam giữ người nhập cư”.
Theo tổ chức Liberty, một tổ chức nhân quyền, vốn đã điều phối bức thư chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo, Chính phủ Anh đã giam giữ khoảng 30.000 người trên cơ sở của vấn đề nhập cư mỗi năm, “bao gồm những người cao tuổi và những nạn nhân sống sót của việc bị hãm hiếp, tra tấn và chế độ nô lệ”.
“Không có thẩm phán nào có dấu hiệu chấm dứt việc giam giữ của họ và không có giới hạn pháp lý về việc họ có thể bị giam giữ bao lâu hoàn toàn vì sự tiện lợi hành chính của Bộ Nội vụ”, một tuyên bố của Liberty cho biết.
Văn phòng Chính phủ của Bộ Nội vụ Anh chịu trách nhiệm về vấn đề nhập cư, an ninh và luật pháp và trật tự, tương tự như những nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
Giám mục phụ tá Địa phận Westminster, Đức Cha Paul McAleenan, cho biết: “Người ta đã nhiều lần chứng minh rằng việc giam giữ vô hạn định những người nhập cư không chỉ vi phạm phẩm giá con người cơ bản của con người, mà nó lại còn chẳng hề mang bất cứ mục đích ý nghĩa gì cả”.
Vị Giám trợ sinh ra tại Ailen đứng đầu những nỗ lực về tị nạn và di dân của Hội đồng Giám mục Công giáo Anh Quốc và xứ Wales, và đã ký vào bản tuyên bố chung.
“Thật đáng xấu hổ khi chúng ta tụt hậu sau mọi quốc gia EU khác trong việc bãi bỏ thực tiễn này và tôi chân thành hy vọng rằng Chính phủ sẽ cam kết đưa ra một hệ thống nhân đạo hơn trong thời gian sớm nhất”.
Sarah Teather, giám đốc Văn phòng Dịch vụ tị nạn Dòng Tên tại Anh, cho biết bà nhận thấy “việc giam giữ người nhập cư phá hủy cuộc sống của những người mà chúng ta đang đồng hành và phục vụ”.
“Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất ở Châu Âu không có giới hạn về việc người ta có thể bị giam giữ bao lâu đối với việc giam giữ nhập cư”, bà Teather cho biết trong một tuyên bố.
Bà Teather đã phục vụ với tư cách là thành viên của Nghị viện Anh từ năm 2003-2015 và là Quốc vụ khanh về Trẻ em và Gia đình từ năm 2010-2012.
Trong thời gian làm việc trong chính phủ, bà Treacher đã lãnh đạo các cuộc đàm phán để ngăn chặn việc giam giữ trẻ em trong hệ thống nhập cư, và sau đó bà cũng đã chủ trì một nhóm nghị sĩ tập trung vào việc hỗ trợ người tị nạn, bao gồm cả vấn đề giam giữ.
“Trong khi một số người bị giam giữ chỉ trong một thời gian ngắn, những người khác có thể bị giam giữ trong nhiều năm trước khi được trả tự do để trở lại cộng đồng của họ”, bà Treacher nói.
Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc đã kêu gọi chính phủ Anh “khắc phục sự bất thường này” bằng cách giới thiệu một giới hạn thời gian và đồng thời giảm đáng kể sự lệ thuộc của họ vào việc giam giữ người nhập cư.
“Các biện pháp thay thế cho việc giam giữ đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc đảm bảo các cá nhân hợp tác với các thủ tục về tị nạn và nhập cư và đã đạt được tỉ lệ cao của việc tự nguyện trở về đối với những người không cần đến sự bảo vệ quốc tế”, cơ quan này cho biết vào năm 2017. “Chúng cho thấy rằng một hệ thống giam giữ nhân đạo hơn là tương thích với những mối bận tâm về vấn đề an ninh quốc gia”.
Bà Treacher cho biết việc giới thiệu một giới hạn thời gian 28 ngày và việc thực hiện các biện pháp thay thế cho việc giam giữ dựa trên hoạt động cộng đồng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Tình trạng vô định gây ra bởi việc giam giữ vô thời hạn chính là một nguyên nhân của những sự căng thẳng cũng như những mối lo ngại và đồng thời góp phần làm suy giảm sức khoẻ thể chất và tinh thần, thường kết hợp với những sự tổn thương hiện tại”, bà Treacher cho biết.
Minh Tuệ chuyển ngữ