Các nhà lãnh đạo Công giáo ở Trung Phi nhấn mạnh vấn đề giáo dục hòa bình

Đức Giám mục José Moko Địa phận Idiofa (DRC), phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo kiêm Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Trung Phi.

Đức Giám mục José Moko Địa phận Idiofa (DRC), phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo kiêm Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Trung Phi.

Một hiệp hội bao gồm các Giám mục Công giáo Rwanda, Burundi và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị ở ba quốc gia Trung Phi này khẩn trương giải quyết bầu không khí chính trị xã hội đang xấu đi ở khu vực Ngũ Đại Hồ (Great Lakes).

“Trong số những thách thức cấp bách nhất, tôi có thể kể đến việc xóa bỏ tình trạng bất ổn lan rộng và dai dẳng”, Đức Giám mục José Moko người Congo, Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Trung Phi (ACEAC) cho biết sau khi trở về sau cuộc họp tham vấn từ ngày 16 đến 18 tháng 10 của hiệp hội tại Rôma.

Vị Giám chức 65 tuổi, người đứng đầu Giáo phận Idiofa từ năm 2009 và hiện là phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo (CENCO), cho biết các Giáo hội cũng cần đóng vai trò trong việc mang lại hòa bình cho khu vực Ngũ Đại Hồ. Tuy nhiên, vị Giám chức cho biết ACEAC cần nhiều nguồn tài chính hơn để tài trợ cho “các chương trình xây dựng hòa bình” của mình.

Đức Giám mục Moko nói với Prisca Materanya của La Croix Africa rằng các cuộc thảo luận ở Rôma đã giúp củng cố sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương ở Trung Phi.

Đâu là những thách thức chính mà các Giám mục của ACEAC phải đối mặt?

Trong số những thách thức cấp bách nhất, tôi có thể kể đến việc xóa bỏ tình trạng bất ổn dai dẳng và lan rộng ở khu vực Ngũ Đại Hồ. Chúng tôi cũng có thể trích dẫn việc củng cố sự hòa giải, công lý và hòa bình trong các cơ cấu của Giáo hội, cũng như việc giáo dục hòa bình trong tâm hồn trong bối cảnh xung đột bạo lực đang diễn ra. Vấn đề làm chứng cho đức tin Kitô giáo trong cuộc khủng hoảng về các giá trị và tình yêu huynh đệ cũng là một thách thức lớn đối với ACEAC.

Việc chuyển đổi các cơ cấu bất công hướng đến sự hòa giải, công bằng và hòa bình, xây dựng quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển toàn diện của người dân trong khu vực, việc tự trao quyền cho đời sống cá nhân và cộng đồng và hòa giải trong sự thật song song với những tổn thương sau xung đột ảnh hưởng đến dân chúng là điều cần thiết.

Cuối cùng, không có đủ nguồn tài chính cho các chương trình xây dựng hòa bình của ACEAC, sự ngờ vực dai dẳng giữa các nhà lãnh đạo và sự quản lý yếu kém.

Các nghị quyết quan trọng của các cuộc tham vấn này diễn ra ở Rôma là gì?

Các cuộc tham vấn này đã huy động cộng đồng trong nước và dư luận quốc tế ủng hộ hòa bình trong khu vực. Chúng cho phép chúng tôi ủng hộ hòa bình trong khu vực. Chúng cũng tăng cường sự hiệp thông giữa các Giáo hội thuộc ACEAC.

Khi kết thúc cuộc họp này, ACEAC đã đổi mới cam kết không ngừng theo đuổi những nỗ lực chung nhằm lấy lại sự gắn kết xã hội trong khu vực, tôn trọng sự sống và bảo vệ phẩm giá của mọi người nam nữ như hình ảnh của Thiên Chúa. ACEAC kêu gọi mỗi Hội đồng Giám mục thành viên của mình tăng cường đóng góp vào việc tìm kiếm hòa bình ở cả cấp độ quốc gia lẫn khu vực, hoạt động không phải một cách cô lập, nhưng nỗ lực nhiều hơn trong sự hiệp thông huynh đệ với nhau.

Đức Cha nghĩ gì về cuộc bầu cử sắp tới ở DRC?

Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo (CENCO) ủng hộ các cuộc bầu cử đáng tin cậy thông qua các cuộc bầu cử tự do, toàn diện, minh bạch và hòa bình. Đó là lý do tại sao, vào cuối phiên họp khoáng đại lần thứ 60 của chúng tôi, chúng tôi đã đưa ra một thông điệp có tựa đề: “Hỡi người dân Congo, để có những cuộc bầu cử đáng tin cậy, hãy thức tỉnh sau giấc ngủ” (x. Rm 13,11).

Điều này có nghĩa là CENCO đánh giá cao nỗ lực của các cấp trong việc tổ chức bầu cử dân chủ trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, CENCO cảnh giác với những lĩnh vực mờ ám đòi hỏi sự cam kết của mọi người nếu không muốn tranh cãi về kết quả.

Thực sự có những dấu hiệu đáng lo ngại, chẳng hạn như tình hình an ninh, đặc biệt là ở phía đông đất nước, nơi một số thực thể lãnh thổ đã nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng vũ trang của chúng tôi trong hơn một năm qua. Chúng tôi đang chứng kiến sự xuất hiện và bành trướng của lực lượng dân quân Mobondo, gieo rắc nỗi kinh hoàng đến tận cổng thủ đô Kinshasa.

Sự thiếu vắng chuyên môn phản biện đáng tin cậy của một cơ quan quốc tế chuyên trách để kiểm toán hồ sơ bầu cử cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại. Việc làm sạch danh sách bầu cử có thể trấn an các bên liên quan, không chỉ vì lý do minh bạch mà còn vì việc quản lý những xung đột sau bầu cử.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết