Trong suốt buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư 16/5 của mình, ĐTC Phanxicô đã không khỏi xót xa đối với tình trạng bạo lực mới nhất trong cuộc xung đột Israel-Palestine, đồng thời thể hiện sự đau buồn của mình rằng khu vực này “hiện đang ngày càng rời xa khỏi con đường hòa bình, đối thoại và các cuộc đàm phán”.
Hơn 100 người dân Palestine phản đối tại biên giới giữa Dải Gaza và Israel đã bị lính Israel giết chết trong sáu tuần qua, theo các quan chức Palestine. Khoảng 10.000 người khác đã bị thương.
Vatican từ lâu đã ủng hộ một giải pháp hai quốc gia được thiết lập thông qua các cuộc đàm phán hòa bình. Khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bình chọn để công nhận Nhà nước Palestine vào năm 2012, Toà Thánh đã bắt đầu đề cập đến Palestine như vậy. Thánh Gioan Phaolô II lần đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vào năm 1994, và đã gặp gỡ nhà lãnh đạo PLO Yasser Arafat vào nhiều dịp khác nhau.
Gần đây nhất, trong cuộc tranh luận của Liên Hiệp Quốc về “vấn đề Palestine,” đại diện Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Bernardito Auza, đã nhắc lại sự ủng hộ của Vatican đối với giải pháp hai quốc gia, đồng thời gọi nó là “cách thức khả thi duy nhất để hoàn thành nguyện vọng đối với việc cùng nhau tồn tại hòa bình giữa Israel và Palestine”.
“Tất cả mọi người dân Israel và Palestine đều có quyền được sống trong hòa bình và an ninh”, Đức Tổng Giám mục Auza tiếp tục.
“Để có được cơ hội thành công tốt nhất, các cuộc đàm phán hòa bình cần phải được diễn ra trong một bầu không khí không có bạo lực. Bạo lực đang diễn ra đơn giản chỉ nhấn mạnh mức độ giải quyết quá chậm trễ và kéo dài”, Đức TGM Auza cho biết trong cuộc tranh luận mở hôm 26/4.
Người dân Palestine tại dải Gaza đã biểu tình trên cơ sở hàng tuần kể từ ngày 30 tháng Ba vừa qua. Những cuộc biểu tình này đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 14 tháng 5 khi hàng chục ngàn người Palestine tập trung gần hàng rào phân chia Gaza vớiIsrael.
Người dân Palestine được báo cáo là đã ném thuốc nổ vào Israel, và xông về phía hàng rào. Họ đã bị quân đội Israel bắn tỉa và xịt hơi cay.
Hơn 60 người từ Palestine đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. Đó là số thương vong lớn nhất trong một ngày trong cuộc xung đột đang diễn ra kể từ năm 2014.
Một quan chức của Hamas, tổ chức Hồi giáo cai quản Dải Gaza, cho biết rằng 50 trong số 62 người dân Palestine bị giết hại từ ngày 14-15 tháng 5 là thành viên của nhóm.
Trong một cuộc họp của hội đồng an ninh khẩn cấp hôm 15 tháng 5, văn phòng nhân quyền của LHQ đã thừa nhận quyền của Israel để bảo vệ biên giới của họ, nhưng đồng thời cũng cho biết rằng việc Israel sử dụng vũ lực gây chết người đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Nó gợi ý việc Israel bắt giữ bất kỳ người biểu tình nào đã tiếp cận được hàng rào.
Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết hôm15 tháng 5 rằng “Nỗ lực để tiếp cận hoặc vượt qua hoặc làm hư hại hàng rào không đe dọa đến tính mạng hoặc thương tích nghiêm trọng và không đủ cơ sở cho việc sử dụng đạn dược trực tiếp”.
“Đây cũng là trường hợp liên quan đến việc sử dụng gạch đá và bom xăng ném vào các lực lượng an ninh được trang bị bảo vệ đầy đủ đứng phía sau các vị trí phòng thủ”, ông Colville tiếp tục.
Đức Giám mục Declan Lang Địa phận Clifton và Christopher Chessun, Giám mục Anh giáo Địa phận Southwark, cho biết trong một tuyên bố chung hôm 15 tháng 5 rằng “Sự mất mát khủng khiếp đối với sự sống ở Gaza gây ra bởi việc quân đội Israel sử dụng hỏa lực chống lại dân cần phải bị lên án một cách dứt khoát”.
“Israel có quyền tự bảo vệ mình nhưng cũng có trách nhiệm về luân lý và pháp lý để không sử dụng vũ lực không cân xứng cũng như không ngăn chặn việc những người bị thương được tiếp nhận việc điều trị y tế”, các Giám mục tiếp tục.
Các Giám mục kết luận bằng cách kêu gọi một “giải pháp hòa bình hai quốc gia với việc Giêrusalem như là thủ đô chung”.
ĐTC Phanxicô đã phản ứng lại với sự đau buồn đối với những người đã chết và những người bị thương, và đồng thời cầu nguyện với Đức trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa bình, yêu cầu “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế đổi mới cam kết của họ để đối thoại, công lý và hòa bình có thể chiếm ưu thế”, ĐTC Phanxicô cho biết trong buổi tiếp kiến chung hôm 16/5 của mình.
Ngày 14 tháng 5 là một ngày quan trọng đối với cả Israel và Gaza. Nó đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nhà nước Israel. Đối với người dân Israel, ngày này đã đạt được ý nghĩa quan trọng hơn với việc đại sứ quán Hoa Kỳ khai trương tại địa điểm mới ở Giêrusalem, mà Israel từ lâu đã được coi như là thủ đô của nó mặc dù không có sự công nhận quốc tế.
Người dân Palestine hồi tưởng lại dịp kỷ niệm này như là “Ngày Nakba” vào ngày 15 tháng 5, một sự hồi tưởng đau buồn về cuộc khủng hoảng tỵ nạn gây ra bởi việc thành lập Israel vào năm 1948, mà trong đó hàng trăm ngàn người Palestine đã bị trục xuất khỏi quê hương xứ sở, hoặc phải chạy trốn hoặc bị buộc phải ra đi.
Sau thông báo vào hồi tháng 12 của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel và đồng thời chuyển đại sứ quán của mình về đây, ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi rằng cộng đồng quốc tế phải tôn trọng “việc giữ nguyên hiện trạng đối với thành phố, theo các Nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc” vào ngày 6 tháng 12.
Trước đây, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất rằng Giêrusalem cuối cùng sẽ trở thành thủ đô của cả hai nhà nước Israel và Palestine.
Các giám mục Hoa Kỳ cũng đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson hồi tháng giêng thúc giục rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ cần phải được giữ nguyên tại Tel Aviv, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng động thái này sẽ làm xói mòn cam kết của Mỹ đối với giải pháp hai quốc gia, “mà HĐGM Công giáo Hoa Kỳ đã ủng hộ từ lâu”.
“Chỉ khi sự nổi lên của một nhà nước Palestine có thể tồn tại và phát triển độc lập cùng với một nhà nước Israel được công nhận và an toàn sẽ mang lại hòa bình mà đại đa số người dân Israel và Palestine khao khát. Giải pháp hai quốc gia này tăng cường vấn đề an ninh của Israel, duy trì Israel như là một quốc gia dân chủ phần đông là người Do Thái, cho phép người dân Palestine có được phẩm giá của chính họ, cho phép việc tiếp cận với Thánh Địa đối với cả ba tín ngưỡng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, và đồng thời làm suy yếu những kẻ cực đoan đã lợi dụng cuộc xung đột”, các giám mục Hoa Kỳ viết trong một tuyên bố trước đó vào năm 2015 nêu rõ quan điểm của họ về cuộc xung đột Israel-Palestine.
“Cuộc xung đột đang diễn ra tấn công phẩm giá của cả những người dân Palestine và những người dân Israel, với việc những người dân đau khổ ở Gaza phải mang một gánh nặng hết sức nặng nề”, tuyên bố cho biết.
1,8 triệu người dân Palestine sống ở Gaza, nơi đã xảy ra tình trạng bạo lực hôm thứ Hai vừa qua. Nó là một dải đất rộng lớn của người Palestine bao quanh bởi Israel và hiện đang bị phong tỏa bởi Israel. Khu vực nghèo nàn này thường bị cắt điện và rất khó để hàng hóa có thể được chuyển vào hoặc được đưa ra khỏi Gaza do sự hạn chế việc tiếp cận trong khu vực.
Đức Hồng y Vincent Nichols Địa phận Westminster đã nói chuyện với một linh mục giáo xứ Công giáo ở Gaza, Cha Mario da Silva, ngày 16 tháng 5, đã chia sẻ với ngài rằng cuộc sống nơi đây quả là hết sức khó khăn và “tất cả mọi người dân đều tuyệt vọng với tình trạng thiếu nước và các nhu yếu phẩm cơ bản khác”. Vị linh mục cũng cho biết rằng cảm thấy vô cùng khích lệ khi biết được rằng tất cả mọi người đang cầu nguyện cho người dân tại dải Gaza.
Gaza hiện đang được kiểm soát bởi Hamas, một nhóm Hồi giáo đã được công nhận là tổ chức khủng bố và đã kêu gọi việc hủy diệt Israel. Nhóm này đã liên tục sử dụng tên lửa và các vụ đánh bom tự sát để tấn công Israel kể từ khi được thành lập vào năm 1987. Tổ chức Hamas tại dải Gaza bị tách khỏi PLO, vốn kiểm soát Bờ Tây, đã làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Israel.
Toà Thánh và các giám mục Công giáo tiếp tục ủng hộ giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột Israel-Palestine thúc giục việc công nhận phẩm giá con người của những người bị bắt giữ ở cả hai bên trong cuộc xung đột.
Tuyên bố của các giám mục Hoa Kỳ được đề cập trước đây tiếp tục nhấn mạnh: “Con đường dẫn đến hòa bình tại Đất Thánh đòi hỏi việc tôn trọng đối với nhân quyền và phẩm giá của cả người dân Israel và người dân Palestine. Tất cả những người có thành tâm thiện chí ở cả hai bên trong cuộc xung đột đều mong muốn một điều tương tự: một cuộc sống xứng với phẩm giá con người cho tất cả mọi người”.
Minh Tuệ chuyển ngữ