Các nhà lãnh đạo Công giáo kêu gọi chấm dứt hành vi thù địch chống lại các Kitô hữu tại Thánh địa

Các Kitô hữu tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Stella Maris ở thành phố Haifa của Israel trong bức ảnh không ghi ngày tháng này (Ảnh: Thánh địa Cát Minh)

Các Kitô hữu tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Stella Maris ở thành phố Haifa của Israel trong bức ảnh không ghi ngày tháng này (Ảnh: Thánh địa Cát Minh)

Các nhà lãnh đạo Công giáo tại Thánh địa đã kêu gọi chấm dứt sự thù địch ngày càng tăng đối với các giáo sĩ, nhà thờ và thánh địa của họ bởi những người Do Thái cực đoan ở các thành phố Giêrusalem và Haifa của Israel.

“Trong những tháng gần đây, các vụ tấn công nhằm vào các giáo sĩ, nhà thờ và thánh địa Kitô giáo đã làm dấy lên lo lắng đối với nhiều tín hữu Kitô giáo của chúng tôi, đặc biệt là ở Giêrusalem và Haifa”, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công giáo tại Thánh địa cho biết trong một tuyên bố, hãng thông tấn Fides của Vatican đưa tin vào ngày 28 tháng 7.

“Hành vi khạc nhổ, lăng mạ, đôi khi là bạo lực thể xác, cũng như phá hoại và viết vẽ bậy, hầu hết do những người Do Thái cực đoan thực hiện”, Ủy ban nêu rõ.

“Thật không may, như trong quá khứ, những người chịu trách nhiệm thực thi luật pháp và trật tự hiếm khi xác định và bắt giữ những kẻ gây ra các vu tấn công như vậy, và thậm chí hiếm hơn là những kẻ thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của họ”.

Trong trường hợp mới nhất, các tín đồ Do Thái và các Kitô hữu đã tham gia các cuộc đối đầu vì Tu viện Stella Maris trên Núi Cát Minh ở Haifa.

Địa điểm hành hương mang tính biểu tượng này được thành lập vào năm 1631 bởi các Tu sĩ Công giáo Dòng Cát Minh. Nó thu hút hàng trăm Kitô hữu và những người có tín ngưỡng khác trong và ngoài nước. Một nhà thờ Giáo xứ sau đó cũng đã được thành lập.

Địa điểm này cũng có Hang động Elaijah, một hang động dành để tưởng nhớ Tiên tri Elijah trong Kinh Thánh.

Trong thời gian gần đây, những người Do Thái Chính thống đã bắt đầu đến và cầu nguyện bên ngoài Tu viện.

Người Do Thái cho biết họ muốn được thờ phượng tại khu mộ của Elisha, người kế vị Tiên tri Elaijah, tờ Times of Israel đưa tin hôm 27 tháng 7.

Vào tháng 6, các Kitô hữu đã xô xát với người Do Thái và đuổi họ ra khỏi khu vực, báo cáo nêu rõ.

Thành phố Haifa có lịch sử xung đột giữa người Ả Rập và người Do Thái, dẫn đến cuộc di cư ồ ạt của người Ả Rập vào năm 1948. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên tốt hơn và thành phố này được biết đến với mô hình của sự hòa hợp hiếm có giữa ba tôn giáo khởi nguồn từ Áp-ra-ham.

Gần đây, các Kitô hữu đã phàn nàn rằng những người hành hương Do Thái đã lợi dụng các lý do tôn giáo như một cái cớ để đe dọa các Kitô hữu, được cho là có sự hỗ trợ ngầm của chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tờ Times of Israel đưa tin.

Ủy ban Công lý và Hòa bình cho biết sự bùng nổ xung đột gần đây giữa người Do Thái và các Kitô hữu là do các tín đồ của Rabbi Eliezer Berland, một giáo sĩ Do Thái chính thống sinh ra ở Haifa, cầm đầu.

“Tuy nhiên, trong những tuần lễ gần đây, các tín đồ người Do Thái của giáo sĩ Eliezer Berland sinh ra ở Haifa đã liên tục xâm chiếm ngôi đền này, phớt lờ những người chăm sóc khu di tích, thậm chí còn tuyên bố sở hữu nơi này”, Ủy ban cho biết.

Nhiều người trong cộng đồng Kitô giáo đã tự hỏi liệu “một nhóm thiểu số bên lề có thể thực sự bắt đầu một xu hướng có thể dẫn đến sự can thiệp ngày càng mạnh mẽ hơn từ bên ngoài của các nhóm cực đoan như vậy tại địa điểm Kitô giáo này và cuối cùng có thể dẫn đến việc họ giành toàn quyền kiểm soát địa điểm, như trước đây đã xảy ra ở Nablus và Hebron”, Ủy ban cho biết.

Ủy ban lấy làm tiếc rằng trong khi Israel liên tục tuyên bố đảm bảo cho mọi công dân của mình quyền tự do thực hành tôn giáo, thì sự gia tăng các vụ tấn công nhắm vào các Kitô hữu lại cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.

“Nhà nước cũng tuyên bố bảo vệ công dân của mình khỏi tội phạm và tình trạng bất ổn, đảm bảo luật pháp và trật tự. Thật không thể hiểu nổi khi những biểu hiện của sự khinh miệt này có thể được phép tiếp tục”, Ủy ban cho biết.

Đáng buồn là “đa số thủ phạm đều là thanh thiếu niên, thậm chí có người chưa đủ tuổi vị thành niên”.

Ủy ban cho biết rằng mặc dù những hành vi này được thực hiện bởi “một nhóm thiểu số nhỏ cực đoan quá khích”, nhưng đa số vẫn “im lặng và từ chối hành động” và điều đó càng khuyến khích nhóm thiểu số.

“Lịch sử đã dạy chúng ta một cách đáng buồn rằng những gì có vẻ là hành vi thái quá của một nhóm thiểu số hôm nay có thể trở thành thông lệ được chấp nhận của đa số trong tương lai trừ khi hành vi đó bị vạch trần ngay lập tức và bị ngăn chặn tận gốc”, Ủy ban cho biết thêm.

Để phản đối các cuộc hành hương của người Do Thái, hàng trăm Kitô hữu đã tổ chức một buổi cầu nguyện bên ngoài Nhà thờ Haifa khiến giao thông bị tắc nghẽn.

“Những người Do Thái đến đây không phải vì Do Thái tháo hay tôn giáo nào cả”, Cha William Abu Shqar, Giám đốc văn phòng của Đức Giám mục Công giáo Hy Lạp Địa phận Haifa, cho biết.

“Vì những sự việc đang xảy ra với chính phủ, họ xuất hiện khắp nơi. Hành động thờ phượng của các tín đồ Do Thái chưa bao giờ tồn tại ở đây; nó được tạo ra để có được vị thế chắc chắn ở nơi này, nơi đã được coi là thiêng liêng đối với các Kitô hữu trong nhiều thế kỷ”, Linh mục Abu Shqar, 66 tuổi, cho biết.

Các Kitô hữu đã cáo buộc rằng tình trạng bất ổn ở Stella Maris là một phần của “xu hướng quấy rối và thù địch đối với các Kitô hữu”.

Báo cáo phương tiện truyền thông cho thấy sự gia tăng các vụ tấn công bao gồm phá hoại các nghĩa trang và đền thờ Kitô giáo ở Giêrusalem và Galilê trong năm nay.

Các video trên mạng xã hội cho thấy người Do Thái khạc nhổ xuống đất về phía các giáo sĩ và Tu sĩ Kitô giáo ở Thành cổ Giêrusalem.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cho biết rằng kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền vào năm ngoái, sự thù địch chống lại các Kitô hữu đã ngày càng gia tăng.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết